Những bá chủ không gian (P2): Đến Elon Musk cũng phải “sứt đầu mẻ trán” vì cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp vũ trụ

Việt Hà - (Theo cuốn sách The Space Barons - Những bá chủ không gian) | 04-07-2020 - 19:46 PM

(Tổ Quốc) - Trong cuốn sách The Space Barons - Những bá chủ không gian, tác giả Davenport đã tiết lộ rất chi tiết những bầm dập mà Elon Musk và SpaceX phải trải qua trước khi gặt hái được những thành công bước đầu vang dội trong ngành công nghiệp vũ trụ.

Sau vụ phóng tên lửa lần đầu tiên thất bại, công ty SpaceX của Musk cuối cùng vẫn nhận được khoản tài trợ 278 triệu USD từ chương trình COTs của NASA. 

Đối với SpaceX, khoản tiền 278 triệu USD là của trời cho. Hợp đồng đó giống như một chiếc tem đảm bảo, trao cho công ty sự tín nhiệm trên thị trường, Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Trưởng ban Pháp chế của SpaceX, nhớ lại. Nếu NASA tin tưởng họ, thì các nhà sản xuất vệ tinh thương mại cũng có thể tin tưởng họ.

SpaceX vẫn chưa được xem như một mối đe dọa đối với Lockheed và Boeing, những ông lớn sở hữu các hợp đồng lớn kéo dài hàng năm có thể giúp họ duy trì hoạt động miễn là họ có được sự ủng hộ từ Quốc hội. Và dù chương trình là một bước đi táo bạo đối với NASA, nhưng nó lại gần như bị cả phần còn lại ngành công nghiệp bỏ qua.

Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, tất cả đều bỏ qua, không hề nghĩ rằng kỷ nguyên mới này sẽ kéo dài. Họ đang tập trung vào một chương trình NASA khác, tâm điểm của “Viễn cảnh Thám hiểm Không gian” chính thức của chính quyền Bush. Với tên gọi Chòm Sao, kế hoạch lớn này của Nhà Trắng nỗ lực đưa con người quay trở lại Mặt trăng trước năm 2020 và cuối cùng là lên sao Hỏa. Việc chế tạo một cặp tên lửa mới, tên lửa Ares I và V, một tàu vũ trụ thám hiểm Mặt trăng, và tàu không gian, tàu Orion, là một giải thưởng trị giá hàng chục tỷ USD trong nhiều năm. Nếu đem ra so sánh, thì Chương trình COTS chỉ là những mẩu vụn,một chương trình ngoài lề, do Grifn thiết kế. Trong khi Chòm Sao là chương trình lớn kỷ lục mà các nhà thầu lớn tập trung vào.

“Họ tự lừa dối mình bởi đơn giản là họ rất ngạo mạn và tự thỏa mãn,” Musk đã nói sau đó. “Hãy xem, Boeing sẽ không tỏ ra quan tâm tới con số ít hơn một tỷ.” (Đáp lại, Boeing đã nhấn mạnh rằng “Apollo và các chương trình đã truyền cảm hứng cho tất cả những người đam mê không gian sẽ không thể được thực thi nếu không có Boeing. Vào giai đoạn chuyển giao sang thế kỷ XXI, trước khi Musk đặt chân vào ngành không gian, Boeing đã đang xây dựng Trạm Không Gian Quốc tế với NASA, nơi chúng tôi đảm bảo an toàn cho các phi hành gia và giúp họ tiếp tục ở trên quỹ đạo trong suốt hơn 17 năm.” Boeing cũng nhấn mạnh “trong khi các công ty khác nói về những khao khát và hy vọng, thì chúng tôi đã thực sự làm được nhiều việc ở ngoài không gian và sẽ thực hiện được cam kết của chúng tôi bằng chuyến đi của người Mỹ lên sao Hỏa. Đó là thứ khiến chúng tôi quan tâm.”)

Tuy nhiên, hai năm sau đó, những kẻ xâm chiếm mới của ngành công nghiệp vũ trụ đã vấp ngã. Sự nổi loạn mà người ta cho rằng COTS đang kích thích đã cháy rụi trong nỗ lực phóng tên lửa thất bại của SpaceX, và những sự trì hoãn tiếp sau đó càng làm tăng thêm hoài nghi, đồng thời việc thiếu vốn đã đẩy chương trình Rocketplane Kistler đến chỗ ngừng hoạt động. Hàng triệu USD mà NASA trao cho công ty thuộc Chương trình COTS đã không đủ để giúp họ duy trì hoạt động. Và giờ đây cơ quan không gian bị buộc phải tìm một công ty khác để tham gia vào chương trình, khi các nhà bình luận đặt câu hỏi rằng liệu những công ty non trẻ và thiếu kinh nghiệm này có đáng với thời gian và sự đầu tư của NASA không.

Sau thất bại vào năm 2006, SpaceX phải mất một năm để có thể tiếp tục hành trình phóng tên lửa. Lần này, vào ngày 20 tháng 3 năm 2007, họ đã thể hiện tốt hơn rất nhiều, bay tới gần 300km. Tầng thứ hai của nó tách ra, và máy quay trên tên lửa đã chiếu cảnh tầng tách rơi trở lại đại dương. Trong phòng điều khiển, các nhân viên của SpaceX có thể nhìn thấy đường cong của Trái đất và bóng tối của không gian.

“Tôi sẽ xem video đó suốt cho mà xem!” Musk nói. “Chúc mừng, những người anh em.” Nhưng sau đó, trước khi tầng thứ hai có thể bay lên quỹ đạo, nó bắt đầu rung lắc mạnh một cách mất kiểm soát trước khi rơi trở lại Trái đất.

“Đây quả là một ngày căng thẳng,” Musk nói sau đó. “Ngành tên lửa nhất định không phải là một ngành ít căng thẳng, đó là điều chắc chắn.” 

Tuy nhiên, ông cũng cảm thấy được an ủi khi mà tên lửa thực sự đã bay vào không gian. “Tôi không nghĩ mình cảm thấy thất vọng,” ông nói thêm. “Thực sự thì, tôi khá là hạnh phúc.”

Như ông đã chỉ ra sau đó, đó chỉ là một chuyến bay thử nghiệm. Mục đích chính là để xem hệ thống hoạt động như thế nào, đồng thời loại bỏ tận gốc mọi vấn đề nảy sinh.

Vào ngày 3/8/2008, nỗ lực phóng thứ ba của họ cũng không thành công. Trong lúc tách tầng, tầng đầu tiên và tầng thứ hai của tên lửa xung đột, và mang lại một thất bại nữa. 

Đối với công chúng, Musk luôn cương quyết. “SpaceX sẽ không nao núng trong quá trình thực thi kể từ giờ trở đi,” ông nói. “Chúng tôi có cơ sở tài chính tốt. Chúng tôi có giải pháp. Và chúng tôi có kỹ năng chuyên môn”. Ông nói thêm: “Về phần tôi, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ, KHÔNG BAO GIỜ.”

Bất chấp những tiên đoán đầy lạc quan này, thì sự thật là, SpaceX đang đau đớn. Musk đang chi gần hết con số 100 triệu USD tiền túi, dù công ty cũng đã kiếm được một khoản đầu tư trị giá 20 triệu USD từ Founders Fund, công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon do Peter Tiel, người quen biết Musk từ những ngày đầu tiên của họ ở PayPal, sáng lập ra.

Thử thách “nằm ở việc tiếp tục duy trì được khía cạnh tài chính trong khi chúng tôi đang gặp khó khăn. Đó chủ yếu là sự đóng góp của tôi,” Chủ tịch của SpaceX, Gwynne Shotwell nhớ lại. “Tôi không được làm nhiều việc về kỹ thuật như tôi thực sự muốn, nhưng tôi phải liên tục thuyết phục các khách hàng đầu tư vào SpaceX, và chấp nhận rủi ro gắn với việc chi tiền cho các cuộc phóng tên lửa của chúng tôi. Tôi tập trung vào việc duy trì sự tồn tại của công ty, trả lương cho nhân viên trong khi chúng tôi đang gặp khó khăn. Bởi tôi biết rằng chúng tôi sẽ vượt qua giai đoạn này về mặt kỹ thuật. Vấn đề chính là liệu chúng tôi sẽ có thể vượt qua giai đoạn này về mặt tài chính và giữ cho công ty ổn định không.”

Ba lần thất bại “thực sự vô cùng đau đớn,” Musk đã nói sau đó. Nếu lần phóng thứ tư cũng không thành công, “chúng tôi sẽ phải ngừng hoạt động. Tôi cạn tiền rồi.” 

(Còn tiếp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM