• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ

Thời sự 01/08/2018 18:05

(Tổ Quốc) -Thời gian gần đây, hiện tượng lũ quét thường xuyên xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã có những khuyến cáo đến người dân những biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ.

PV: Công tác CNCH có vai trò quan trọng như thế nào khi có sự cố, thiên tai và cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC khi thực hiện nhiệm vụ CNCH gặp những khó khăn, nguy hiểm gì thưa ông?

Thượng Tá Bùi Quang Việt: Khi có sự cố, tai nạn, thiên tai xảy ra, công tác cứu nạn, cứu hộ đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục hậu quả do sự cố, tai nạn, rủi ro và thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian qua công tác cứu nạn, cứu hộ đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Để tạo hành lang pháp lý cho công tác cứu nạn, cứu hộ tiến tới chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, ngày 18/7/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Trong đó, giao Bộ Công an thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác cứu nạn, cứu hộ; giao lực lượng Cảnh sát PCCC là lực lượng thường trực ứng phó, xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai. Trên cơ sở đó, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với nhiều sự cố, tai nạn, thiên tai xảy ra và được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát PCCC gặp những khó khăn, nguy hiểm như:

Thường xuyên phải đối mặt với môi trường độc hại, nguy hiểm, đặc biệt là khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại đám cháy hay dưới kênh, mương nước, vùng mưa lũ. Mặc dù phương tiện bảo hộ, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng đã được quan tâm đầu tư nhưng mới chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu thực tiễn;

Thời gian qua, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về cứu nạn, cứu hộ bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên nhận thức của một bộ phận người dân về kiến thức, kỹ năng tự thoát nạn còn nhiều hạn chế; khi gặp sự cố, tai nạn, thiên tai chưa thông báo đến lực lượng Cảnh sát PCCC qua số máy 114.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế, nhất là cơ chế chỉ huy, chỉ đạo cứu nạn, cứu hộ các vụ sự cố, tai nạn cần huy động nhiều lực lượng tham gia;

PV: Lực lượng Cảnh sát PCCC đã triển khai lực lượng, phương tiện như thế nào để kịp thời ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng có nhiều yếu tố bất thường, thưa ông?

Thượng Tá Bùi Quang Việt: Lực lượng Cảnh sát PCCC là lực lượng thiết yếu trong công tác cứu nạn, cứu hộ với nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các sự cố, tai nạn; tham mưu cho Bộ Công an và chính quyền địa phương về tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã được huấn luyện chuyên sâu về các quy trình, động tác, đội hình cơ bản, biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và trang bị nhiều thiết bị cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng. Đặc biệt là các thiết bị cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng như xuồng, tàu chữa cháy, bình chữa cháy vác vai, máy thổi gió chuyên dụng… để ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng cực đoan.

Lực lượng PCCC và CNCH hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 1955 vụ cứu nạn, cứu hộ; tổ chức hướng dẫn thoát nạn được hàng nghìn người; trực tiếp cứu được 286 người; tìm được 125 thi thể người bị nạn bàn giao cho lực lượng chức năng.

Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua (bão Sơn Tinh), lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện để ứng phó, hướng dẫn người dân cách phòng chống bão, lũ lụt, tai nạn và trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

PV: Khi xảy ra thiên tai thì người dân cần làm gì để có thể bảo vệ tính mạng, tài sản của mình?

Thượng Tá Bùi Quang Việt: Trước tiên, người dân cần nắm tình hình thời tiết càng sớm càng tốt qua ti vi, đài radio, điện thoại và chuẩn bị những nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết như nước sạch, lương thực, quần áo, đèn pin, sạc dự phòng, thuốc men, giấy tờ tùy thân, đài radio chạy pin, điện thoại đủ dung lượng. Sau đó, nhanh chóng thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số máy 114 về tình hình, vị trí của mình để được ứng cứu, hỗ trợ.

Lực lượng PCCC và CNCH hỗ trợ người dân cứu vật nuôi trong đợt lũ vừa qua.

Luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn như rời khỏi nhà khi được chính quyền nơi cư trú yêu cầu và di chuyển theo chỉ dẫn của lực lượng cứu hộ. Không đi bộ qua vùng nước đang chuyển động, chỉ đi bộ nơi nước không di chuyển và phải kiểm tra độ sâu của nước cũng như độ cứng của mặt đất.

Khi bị cô lập tại vùng lũ cần ở vị trí trên cao như nóc nhà, cây, sử dụng đèn pin hoặc áo sáng màu để phát tín hiệu cấp cứu cho lực lượng cứu hộ.

Xin cám ơn ông!

Bảo Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ