Những bình sữa cạnh bát hương và chuyện xúc động về ngôi chùa miền Tây cưu mang hàng trăm trẻ bất hạnh

(Tổ Quốc) - Câu chuyện về ngôi chùa trước cổng có một miếu thờ đặt rất nhiều bình sữa được pha mỗi ngày cạnh các bát hương khiến ai nghe cũng ngậm ngùi xúc động.

"Con ai đem bỏ chùa này,

A Di Đà Phật, con thầy thầy nuôi…"

Đó là hai câu thơ mà trụ trì chùa Vạn Đức (ấp Long An, xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) tạo nên như nói lên cơ duyên đặc biệt và tấm lòng của mình khi cưu mang hàng trăm đứa trẻ bất hạnh nhiều năm qua.

Những bình sữa cạnh bát hương và chuyện xúc động về ngôi chùa miền Tây cưu mang hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 1.

Những đứa trẻ tại mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức, tỉnh Bến Tre.

Những chiếc bình sữa kỳ lạ đặt ở trước cổng chùa

Chúng tôi tìm đến mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) một ngày nắng gay gắt để thắp nén nhang cho Phạm Đức Lộc.

Cậu bé với biệt danh "chú lính chì dũng cảm" khiến cộng đồng người Việt từ trong đến ngoài nước dành tình cảm đặc biệt vì hành trình chống chọi căn bệnh não úng thuỷ phi thường.

Nhưng cuối cùng sau 3 năm gắng gượng, số phận đã tước đi mạng sống Lộc.

Mất khoảng 4 tiếng di chuyển từ TP.HCM, tấm biển tên chùa đã hiện ra. Và thứ đập ngay vào mắt là một ngôi miếu thờ được đặt trước cổng.

Những chiếc bình sữa được pha mỗi ngày trong ngôi miếu thờ.

Nhưng điểm đặc biệt là ngoài bát nhang, bình hoa, các tượng phật, bên trong miếu còn có nhiều hũ cốt nhỏ.

Phía dưới các hũ cốt có đặt các chén cơm và những bình sữa còn nóng. Một vị sư trẻ tuổi bước ra, thắp nhang kèm theo những lời khấn nguyện.

Vị sư ấy là thầy Thích Trung Phước Nhàn (26 tuổi), một trong những người gắn bó với mái ấm Đức Quang từ những ngày đầu thành lập.

Thầy Thích Trung Phước Nhàn bên bé gái gần nhất mái ấm Đức Quang nhận nuôi.

Lý giải về những bình sữa, thầy Nhàn nói mỗi ngày chúng đều được pha 3 lần, bằng với số lần cúng cơm.

Sữa, là dành cho những nhũ nhi chẳng may mất đi khi bạo bệnh. Đối với các sư thầy ở chùa Vạn Đức, các em vẫn đang hiện diện, vẫn bé bỏng ngây thơ và đáng thương như ngày đầu vừa phát hiện bị bỏ rơi trước cổng chùa. Do đó các em cũng phải được chăm sóc, nâng niu như trẻ còn tại thế.

Cũng tại ngôi miếu ấy, nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi lại được nhà chùa phát hiện cưu mang. Trường hợp gần nhất là vào một ngày cuối tháng 10/2019.

Những đứa trẻ đáng thương từ nhỏ đã thiếu thốn tình thương của cha mẹ.

"Lúc đó là 18h30 tối 29/10, tôi ra miếu pha sữa để cúng các bé thì phát hiện một bé gái đặt ngay phía trong, bé khóc rất nhiều.

Tôi ẵm bé ra chăm sóc rồi báo cáo cho công an xã Long Hòa (huyện Bình Đại). Bé nặng 2kg và hoàn toàn khoẻ mạnh. Sau khi làm các thủ tục nhận nuôi trẻ mồ côi, bé được sư phụ đặt tên là Phạm Đức Thiên Mỹ.

Những bình sữa cạnh bát hương và chuyện xúc động về ngôi chùa miền Tây cưu mang hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 5.

Các em được nhà chùa và nhiều mạnh thường quân hỗ trợ.

Một trường hợp gần kề nữa là đầu tháng 8, cũng là 1 bé gái bị bỏ trong 1 thùng giấy trước cổng vào buổi tối trời mưa lâm râm. Khi đó tôi đi từ quán cơm chay về, phát hiện là thùng caton thấm nước mưa ướt nhẹp. Sợ bé bị rớt nên tôi phải ôm cả thùng phía dưới.

Bé này có 1 ổ dịch nhiễm trùng mủ phía sau đầu nên sau khi báo Công an, chùa đã đưa bé lên bệnh viện tỉnh, điều trị tại khoa Sơ sinh hơn 1 tháng mới cho về. Sư phụ đặt tên bé là Phạm Đức Thiên Thanh"– sư Nhàn kể.

Ngôi chùa miền Tây của trẻ bất hạnh

Sư phụ mà thầy Nhàn nhắc đến chính là đại đức Thích Lệ Hiếu, trụ trì chùa Vạn Đức.

Về chùa Vạn Đức năm 2010, bằng sự từ tâm và cơ duyên của mình, những đứa trẻ bị bỏ rơi đến và được vị sư cưu mang như sự sắp đặt của số phận.

"Năm 2011, chùa phát hiện đứa trẻ bị bỏ rơi đầu tiên. Cứ thế mỗi vài tháng lại có người bỏ các bé trước cổng chùa. Bé Phạm Đức Lộc bị bỏ vào đêm mưa năm 2016. Hiện tại mái ấm của chùa đang có tổng cộng 110 trẻ với độ tuổi từ sơ sinh đến 18 tuổi. Trong đó, 35 trường hợp là bé gái"– thầy Nhàn nói tiếp.

Nhiều người ở xa, thậm chí từ nước ngoài cũng tranh thủ thời gian ghé thăm các em.

Để chăm lo cho một lượng lớn trẻ như vậy không phải là vấn đề đơn giản với các nhà sư. Ban đầu, họ cố cầm cự bằng tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân gần xa.

Sau đó, các nhà sư cố gắng duy trì mái ấm bằng cách mở quán cơm chay và canh tác, trồng trọt rau củ quả trên phần đất của mình.

Tiếng lành về ngôi chùa của trẻ bị chối bỏ đồn xa, nhiều người không quản ngại tìm đến thăm viếng, hỗ trợ.

Một phật tử cho chùa mượn đất ở Chợ Gạo, Tiền Giang để canh tác, thu hoạch bán lấy kinh phí trang trải lo cho các em.

Mái ấm còn khá đơn sơ và thiếu thốn nhiều.

Cũng có những khi thiếu rau củ quả mà tiền mạnh thường quân hỗ trợ không đủ, các sư trong chùa sẽ đi khất thực ở các chợ đầu mối.

Năm 2017 khi mái ấm Đức Quang còn ở cù lao Tam Hiệp (xã Tam Hiệp), vì nguồn nước ô nhiễm nên trẻ bị dịch tiêu chảy cấp rất nhiều. Vì phát bệnh vào ban đêm khiến việc di chuyển đến bệnh viện không kịp, 2 trẻ đã mất đi rất đau lòng.

Kể từ đó, các nhà sư chùa Vạn Đức canh cánh trong lòng việc phải xây cho được một mái ấm mới trong đất liền.

Tháng 6/2019 sau nhiều lần vận động, mái ấm hiện tại các bé đang ở đã được khởi công xây dựng.

Những bình sữa cạnh bát hương và chuyện xúc động về ngôi chùa miền Tây cưu mang hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 8.

Những bình sữa cạnh bát hương và chuyện xúc động về ngôi chùa miền Tây cưu mang hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 9.

Mái ấm hiện có gần 20 bảo mẫu lo việc chăm sóc trẻ.

"Trước đây nơi này chỉ là một mảnh đất trồng nhãn. Hiện chùa đang xây dựng khu nhà ở cho trẻ sơ sinh và cố xây thêm khu nhà ăn sinh hoạt cộng đồng. Dự kiến kinh phí là khoảng 4 tỷ, nhưng chùa chỉ có cách xây tới đâu tính đến đó vì còn phải cân nhắc đến chi phí sinh hoạt hàng tháng, điện nước học hành, tã sữa cho các con.

Hiện tại công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ rất có kinh nghiệm, khi có bệnh là phải cách ly ngay. Do đó mong muốn lớn nhất của chúng tôi là xây được những khu phòng cách ly cho trẻ bệnh, xây phòng riêng biệt cho nam và nữ"– đại diện chùa Vạn Đức bày tỏ mong muốn của mình.

Để ổn thoả trong việc chăm sóc các trẻ không cha mẹ, mái ấm Đức Quang thuê gần 20 bảo mẫu thay phiên nhau túc trực. Cộng với rất nhiều khoản chi tiêu mỗi ngày, về lâu dài nơi đây có thể lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Những bình sữa cạnh bát hương và chuyện xúc động về ngôi chùa miền Tây cưu mang hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 10.

Nhà chùa cần sự chung tay của cộng đồng để nuôi dạy trẻ bất hạnh tốt hơn.

"Thầy Hiếu và mọi người đều biết sẽ có lắm khó khăn và gian truân thử thách. Nhưng vì tương lai và cuộc sống của các bé, chúng tôi không được phép dừng lại. Nhiều năm qua một số trẻ lớn lên đã tái hoà nhập cộng đồng, có nghề nghiệp ổn định.

Với trẻ nhỏ, chùa hi vọng cha mẹ có thể suy nghĩ lại mà đến đón các con"– thầy Nhàn tâm sự.

Ngôi chùa ở miền Tây tuy không dư dả về vật chất nhưng tấm lòng của các vị sư thì quảng đại mênh mông. Và nếu có thêm sự chung tay của xã hội, thì câu chuyện mà họ viết nên cho đời sẽ đẹp càng thêm đẹp.

Hoàng Lê

Tin mới