• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019

Kinh tế 01/01/2020 09:14

(Tổ Quốc) - Báo Điện tử Tổ Quốc tóm lược những sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2019 được độc giả quan tâm, theo dõi:

1. Tăng trưởng GDP thuộc nhóm hàng đầu thế giới

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 tăng 7,02%, trong đó, tăng trưởng bốn quý lần lượt là 6,82%, 6,73%, 7,48%, 6,97% và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (6,6-6,8%).

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019 - Ảnh 1.

Ảnh: Nam Nguyễn

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (Cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).

Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.

2. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 triệu USD

Năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.

Như vậy, năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tiếp tục có xuất siêu với 9,94 tỷ USD tỷ USD, vượt xa so với con số kỷ lục 7,2 tỷ USD được thiết lập năm 2018. Đây là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam.

Đáng chú ý, con số 516,96 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu đã giúp Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới.

3. Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ xếp hạng 77/141 của năm 2018 lên 67/141 của năm 2019.

Lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng và được ghi nhân là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu.

4.  Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030". Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mớicó chất lượng cao hơn.

5. Ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU và mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam.

Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo Công Thương

Để đi đến được ký kết hiệp định lần này, Việt Nam đã phải trải qua tiến trình rất dài, được đồng ý khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay.

Những Hiệp định sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Không chỉ nhằm giảm thuế, các vấn đề khác như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư và quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như hướng đến làn sóng cải cách tiếp theo. Dự kiến, hiệp định sẽ có hiệu lực trong năm 2020.

6. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên diện rộng

Ngày 19/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố thông tin Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đây được xem là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng chống và chưa thể chữa trị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn và khó khăn trong quá trình ứng phó như dịch tả lợn châu Phi. Toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Tính đến trung tuần tháng 12, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 6 triệu con với trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước. Dịch đã làm nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thịt lợn tăng cao trong những tháng cuối năm.

7.Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước gần 2 năm

Ngày 19/10/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Sau gần 10 năm, Chương trình đã thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn. Đặc biệt, chương trình đã huy động được nguồn lực lớn với 2,4 triệu tỷ đồng phát triển các thiết chế hạ tầng, sản xuất, đời sống, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn.

Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019 - Ảnh 3.

(Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã, chiếm 52,4% tổng số xã của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 2,4% so với mục tiêu đề ra. Với quan điểm "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương và các ngành tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025".

8. Khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Ngày 16/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là công trình quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức vốn là 118.716 tỷ đồng, bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Với tổng tuyến đường đầu tư khoảng 654 km, Dự án có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa áp lực cho quốc lộ 1, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ