• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những ý kiến về đề thi Ngữ văn chuyên vào 10 trường THPT chuyên KHXH&NV

Giáo dục 14/07/2020 19:20

(Tổ Quốc) - Sáng 13/7, các thí sinh thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã hoàn thành bài thi. Đề thi được các thầy đánh giá là hay, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quan niệm của nhà thơ Xuân Quỳnh đã cũ, không phù hợp với hiện tại.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm học 2020-2021 được ra với thời gian làm bài 150 phút, học sinh phải hoàn thành 2 câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học như sau:

"Câu I. Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?

Câu II. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: "Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh". (Theo Ý thức và thời gian, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 9 năm 1973).

Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên."

Những ý kiến về đề thi Ngữ văn chuyên vào 10 trường THPT chuyên KHXH&NV - Ảnh 1.

Đề thi chính thức môn Ngữ văn (Chuyên) kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên KHXH&NV

Ngay sau khi học sinh hoàn thành bài thi, TS. Nguyễn Thanh Tâm (hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội) cho rằng, "Nhận định của nhà thơ Xuân Quỳnh thực tế phản ánh một giai đoạn người ta phân lập hình thức và nội dung của văn chương! Quan niệm này rất cũ, và thực chất là không đúng với văn học nghệ thuật! 

Bởi lẽ, hình thức - nhan sắc của thi ca chính là nội dung của thi ca! Tách ra như thế thì "đức hạnh" trú ngụ trong cái gì? Và nhan sắc thì thể hiện điều gì nếu không phải là thể hiện chính đức hạnh của thi ca! 

Tóm lại, sự so sánh này rất khập khiễng! Nhận thức của học sinh về đặc trưng nghệ thuật bị kéo lùi về trước khoảng 40-50 năm!"

TS. Tâm cũng cho rằng, "nếu học sinh bàn luận từ trải nghiệm văn học của mình để phản biện quan điểm này thì rất ok!"

Trong khi đó, TS. Đặng Ngọc Khương, giáo viên trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhận xét, về bố cục, đề gọn, không bị manh mún, phù hợp với thời gian 150 phút để học sinh có thể bàn sâu, bàn kĩ về vấn đề.

Về hình thức các câu hỏi quen thuộc với đề thi vào các trường Chuyên, lớp Chuyên: đề ra theo hướng mở, yêu cầu kết hợp cả kiến thức lý luận và trải nghiệm thực tiễn để giải quyết vấn đề.

Về nội dung, câu nghị luận xã hội đặt ra được tình huống có vấn đề, khơi gợi tư duy tranh luận, phản biện (thể hiện rõ qua hình thức câu lệnh: "phải chăng..."), hạn chế được cách bàn luận, đánh giá xuôi chiều. Câu nghị luận văn học, nhận định, đánh giá liên quan đến vai trò của các yếu tố hình thức và nội dung, tư tưởng trong thơ. Cũng cần phải nói thêm, sự phân tách rạch ròi hình thức và nội dung trong thơ nói riêng và văn học nói chung không phải lúc nào cũng dễ dàng và cần thiết... Đề yêu cầu bàn luận nên học sinh có thể phản biện...

Được biết, năm nay là năm đầu tiên trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, trực thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh. Trường được thành lập từ tháng 10/2019, có trụ sở tại số 336 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong năm đầu tiên tuyển sinh, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức thi tuyển lấy 100 học sinh. Trong đó, 30 học sinh vào lớp chuyên Ngữ văn, 25 em chuyên Lịch sử và 25 em chuyên Địa lý, 20 em hệ chất lượng cao.

Năm nay, trường đã nhận được 800 hồ sơ với tỉ lệ chọi cao nhất là 1/17 của lớp Văn. Kết quả trúng tuyển sẽ được công bố trước 17h ngày 30/7/2020.

K.Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ