• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nín thở chờ “quả bom” tiếp theo của WikiLeaks: Mong đợi gì?

Thế giới 26/02/2017 16:00

(Tổ Quốc) - WikiLeaks “Vault 7” tiếp tục khiến dư luận dậy sóng bởi những tranh cãi về nội dung có thể được công bố

Hôm 4/2, WikiLeaks – một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận chuyên công khai các thông tin mật bị rò rỉ - đã bắt đầu đưa ra một số câu hỏi đầy bí hiểm về loạt tài liệu mang tên “Vault 7” trên trang Twitter. Động thái này đã làm dấy lên làn sóng bàn luận trên mạng xã hội về những gì sẽ được “phanh phui” trong lần công bố tới đây của WikiLeaks. Một số người cho rằng, đó có thể là những tiết lộ chấn động về các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, trong khi một số ý kiến khác lại suy đoán, WikiLeaks sẽ công khai thêm một số email của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

CIA can thiệp vào bầu cử Tổng thống Pháp

Một video đăng trên Twitter từng ám chỉ về khả năng một “quả bom” thông tin lớn sẽ phát nổ vào ngày 19/2. “WikiLeaks hỏi ‘Vault 7’ là gì, ‘Vault 7’ ở đâu và ‘Vault 7’ khi nào xuất hiện. Trong khi cả thế giới đang chờ đợi sự hồi đáp cho các câu hỏi ‘tại sao’ và ‘ai’, chúng tôi cho rằng, câu trả lời cho câu hỏi ‘khi nào’ chính là ngày 19/2”, đoạn video cho biết.

Tuy nhiên, mọi chuyện lại diễn ra sớm hơn, khi vào ngày 16/2, Julian Assange đăng trên Twitter rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012. “Câu chuyện mới của tôi: CIA đã tiến hành một chiến dịch 10 tháng nhắm vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp gần đây nhất,” người đứng đầu WikiLeaks viết.

WikiLeaks sẽ tung quả bom nào tiếp theo?

Theo các tài liệu của CIA được công bố trên WikiLeaks, trước thềm cuộc bầu cử năm 2012, cơ quan tình báo Mỹ đã ra lệnh cho các đặc vụ của mình xâm nhập vào kho dữ liệu, cũng như hệ thống mạng của tất cả các chính đảng tại Pháp.

“Chúng ta đều biết rằng nước Mỹ và đặc biệt là CIA có ‘truyền thống’ can thiệp vào các cuộc bầu cử trên khắp thế giới,” nhà báo Diana Johnstone trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik. Những công bố của WikiLeaks gần như ngay lập tức đã khiến những cáo buộc thiếu chứng cứ rằng Nga từng “nhúng mũi” vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, trở nên hoàn toàn mờ nhạt.

Scandal của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Flynn; và cuộc gặp mặt giữa Đại sứ Trung Quốc và thân cận của bà Clinton

Ngày 19/2, WikiLeaks chĩa mũi nhọn vào ngài chủ tịch cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton, ông John Podesta. Theo đó, một trong những email của ông Podesta từng được WikiLeaks công bố từ tháng Mười năm ngoái đã cho thấy, vào tháng Một 2016, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tian-kai đã tìm kiếm một mối quan hệ “riêng tư, không chính thức” với người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Cliton [chính là ông Podesta], nhằm “thảo luận các vấn đề hiện tại và năm tới của nước Mỹ.”

Bức email này càng nhận được sự chú ý nhiều hơn bởi nó được tung ra đúng vào thời điểm nóng nhất của vụ scandal ông Michael Flynn bị cáo buộc có những tiếp xúc “ngoài luồng” với Đại sứ Nga Sergei Kislyak.

Tuy nhiên, so với những tiết lộ trước đây về chiến tranh Iraq hay các email của Podesta, rõ ràng những “hứa hẹn” từ WikiLeaks mà dư luận đang mong chờ, có nhiều khả năng sẽ là một “quả bom xịt”.

Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng “Vault 7” đã bị thổi phồng quá mức?

“Chúng tôi mở toang các Chính phủ”

Nhà báo điều tra kiêm chuyên gia phân tích nổi tiếng của tờ Wall Street, Charles K. Ortel nhắc lại khẩu hiệu “Chúng tôi mở toang các Chính phủ” của WikiLeaks, đồng thời lưu ý rằng, kể từ năm 1999, do công dân tại nhiều quốc gia bắt đầu sử dụng Internet, các công ty lớn và chính phú đã có được nguồn năng lực to lớn để gây ảnh hưởng và thậm chí kiểm soát người dân.

“Dưới thời Obama, Chính phủ Mỹ và các yếu tố liên quan đến nó, công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các ứng cử viên hoặc một số vấn đề trong những cuộc bầu cử và chương trình nghị sự của nhiều quốc gia khác,” Ortel nhận xét. Thắng lợi của ông Trump là một cú sốc cho những người ủng hộ bà Clinton ở cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Điều này góp phần thúc đẩy một số người đưa ra tuyên bố về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử. “WikiLeaks biết rõ ai đã làm rò rỉ các email của ông Podesta, và nguồn tin này không xuất phát từ phía Nga, hay có bất kỳ liên hệ nào với Nga,” nhà báo kỳ cựu nói.

Bà Hillary Clinton và ông Podesta (đeo kính) trong một cuộc gặp mặt tháng 9/2016 tại New York 

Ông cũng đưa ra dự đoán: “nếu ‘Vault 7’ là để chỉ Tầng 7 của Bộ Ngoại giao Mỹ (điều này có thể đúng có thể không), nhiều khả năng, vụ tiết lộ tiếp theo sẽ tập trung vào sự can thiệp [của Mỹ] vào các cuộc bầu cử và tình hình nội địa của các quốc gia khác; hoặc chỉ ra những mối quan hệ chưa từng được biết đến trước đây liên quan đến các quan chức Chính phủ Mỹ, có thể bao gồm Hillary Clinton, các trợ lý của bà ấy, cùng các thành viên khác trong Chính quyền Obama.”

Theo Ortel, WikiLeaks có thể sẽ công khai những chứng cứ về việc Quỹ Clinton đã được tái cơ cấu như thế nào kể từ ngày 20/1/2009, khi chính quyền Obama yêu cầu được giải thích cách thức vận hành của quỹ này và các thành viên. “Đối với tôi, ‘Vault 7’ ra đời, giống như một bước phát triển tự nhiên của WikiLeaks”, nhà báo nói. “Ngoài ra, chưa từng có một kết luận đáng tin cậy nào về việc các email của Podesta và các tài liệu được công khai khác… là giả; vì vậy, hồ sơ [đưa ra bởi WikiLeaks] là đáng tin cậy, và bất kỳ tài liệu nào cũng nên được nhìn nhận và xem xét một cách cẩn trọng.”

Tương lai Julian Assange sẽ đi đâu về đâu?

Liệu có thể nói mục đích chiến dịch “Vault 7” chính là hướng sự chú ý của mọi người đến Julian Assange, khi thời điểm cuộc tổng tuyển cử tại Ecuador diễn ra vào đúng ngày 19/2?

“Julian Assange có thể sẽ mất đi sự bảo vệ từ Chính phủ Ecuador, tùy thuộc vào diễn biến của cuộc bầu cử, vì vậy khả năng trên là hoàn toàn có thể xảy ra,” Ortel nhận định. Một trong những ứng cử viên của vị trí Tổng thống Ecuador, ông Guillermo Lasso từng hứa, nếu chiến thắng, ông sẽ đưa Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London. Tuy nhiên, cuộc chạy đua giữa ông Lasso và ứng cử viên cánh tả Lenin Morenon, sẽ chỉ có kết quả cuối cùng vào tháng Tư tới đây. Kể từ bây giờ cho đến lúc đó, tương lai của Assange vẫn sẽ là một dấu chấm hỏi lớn.

“Vault 7” và những cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu

Nhà báo của Wall Street cho rằng, trong nội dung công khai sắp tới, ít nhiều sẽ có phần nào đó liên quan đến các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Pháp, Hà Lan và Đức.

Thông tin CIA từng “nhúng tay” vào bầu cử Pháp năm 2012, có thể mới chỉ là “món khai vị”. “Nhìn vào phản ứng tại Pháp, tôi cho rằng, WikiLeaks có thể muốn ‘Vault 7’ tiếp tục nổ súng, đặc biệt là tại các quốc gia sắp tổ chức bầu cử trong năm 2017,” Ortel nhấn mạnh.

Tương lai của Julian Assange còn là dấu hỏi lớn

Theo ông, WikiLeaks đã phát triển thành “một thế lực lớn mạnh”: “Không nghi ngờ gì, các chính phủ và cá nhân có quyền lực đều sở hữu những lý do tích cực hay tiêu cực để can thiệp vào các cuộc bầu cử quốc gia…, vì vậy để dư luận biết được khả năng xảy ra tham nhũng và lợi dụng ảnh hưởng, là rất đang hoan nghênh.”

“Nhìn vào những gì nó đã làm được, và phải công nhận rằng sức ảnh hưởng của WikiLeaks đã vượt xa bản thân Julian Assange, tôi thực sự rất mong đợi những gì sắp được công bố [trong ‘Vault 7’],” Ortel khẳng định.

(Theo Sputnik)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ