• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nội bộ Mỹ "rối loạn" vì thông cáo chung bất ngờ giữa hai Tổng thống Trump và Putin

Thế giới 27/04/2020 10:14

(Tổ Quốc) - Tờ Wall Street Journal đăng tải, hôm thứ 7 (25/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng đưa ra một thông cáo chung mang tính biểu tượng.

Động thái trên không chỉ làm dấy lên tranh cãi trong chính quyền Trump mà còn gây ra những lo ngại cho các nhà lập pháp của Quốc hội Mỹ.

Theo một số người tham gia quá trình soạn thảo, mục đích trước mắt của tuyên bố bất thường là nhằm kỷ niệm 75 năm ngày binh lính Mỹ và Liên Xô hội ngộ tại Sông Elbe (25/4/1945 – 25/4/2020). Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, thông cáo muốn nhấn mạnh rằng, hai quốc gia có thể vượt qua những bất đồng để cùng hướng tới các mục tiêu chung.

"Tinh thần Elbe' là một ví dụ về việc các quốc gia có thể gác sang một bên những khác biệt, xây dựng niềm tin và hợp tác để theo đuổi những mục đích lớn hơn", thông cáo chung chỉ ra.

Tuy nhiên, thông cáo xuất hiện trong bối cảnh Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đang không hài lòng với cách cư xử của Nga; nhiều quan chức thậm chí còn tỏ ý nghi ngờ dự định của Moscow.

Thông cáo chung bất ngờ giữa hai Tổng thống Trump, Putin làm "rối loạn" nội bộ Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: AP)

Hồi đầu tháng, Lầu Năm góc từng phàn nàn rằng các phi cơ chiến đấu Nga hai lần đối đầu máy bay Hải quân Mỹ trên bầu trời Địa Trung Hải. Giới chức quốc phòng Mỹ cũng cáo buộc các tổ chức đóng tại Nga đang lan truyền thông tin giả về virus corona mới.

Trong những tháng gần đây, Bộ Ngoại Mỹ liên tục chỉ trích Nga đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho chiến dịch tấn công tỉnh Idlib, Syria của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

"Tôi chắc chắn rằng đây là một sáng kiến của Nga", bà Angela Stent, một nhà phân tích tình báo Mỹ và là tác giả của một cuốn sách viết về Tổng thống Putin, mang tên "Thế giới của Putin". "Ông Putin muốn Mỹ công nhận rằng, nước Nga ngày nay cũng giống như Liên Xô là một cường quốc".

Thông cáo chung Nga – Mỹ cũng khiến nhiều nghị sỹ Mỹ lo ngại.

"Mọi người đều biết ông Trump có một sự mê muội khác thường với giới lãnh đạo chuyên quyền của Nga", Nghị sỹ Eliot Engel, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại Hạ viện Mỹ viết trên Twitter.

Tuy nhiên, một số người hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí lại thể hiện sự hoan nghênh với thông cáo chung của hai nước.

"Việc hai nước kỷ niệm chiến thắng lịch sử này là phù hợp", ông Joe Cirincione, chủ tịch tổ chức vận động kiểm soát vũ trang Quỹ Ploughshares nói. "Đúng là nó phục vụ cho các lợi ích của ông Putin, nhưng nó cũng có thể phục vụ cho các lợi ích của chúng ta nếu nó giúp chúng ta 'đặt sang một bên những khác biệt' để hợp tác trong các vấn đề chủ chốt, trong đó quan trọng nhất là gia hạn hiệp ước START Mới".

Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) được ký kết giữa Nga và Mỹ vào tháng 4/2010 tại Prague, Czech. Nội dung của nó quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.

Quan trọng hơn, mỗi bên cho phép bên còn lại tiến hành thanh tra tại hiện trường để mỗi bên có được sự tin tưởng cao về việc các điều khoản của Hiệp ước được tuân thủ. Hai nước cũng tổ chức các cuộc họp thường xuyên trong khuôn khổ Ủy ban Tham vấn song phương để giải quyết những bất đồng hoặc những nghi vấn về việc triển khai hoặc thủ tục triển khai. Tuy nhiên, Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2 năm sau.

Ngay trong nội bộ chính quyền ông Trump, thông cáo chung Mỹ - Nga cũng đang là một chủ đề nóng gây tranh cãi. Một số quan chức lo lắng, nó có thể ảnh hưởng tới những thông điệp mà Washington gửi tới Moscow.

Trong lịch sử, những thông cáo chung kỷ niệm ngay Elbe giữa Mỹ và Nga hiếm khi xảy ra. Năm 2010, một thông cáo tương tự từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đưa ra. Vào thời điểm đó, chính quyền Obama đang cố gắng "tái thiết lập" quan hệ với nhà lãnh đạo mới của Nga và hai bên cũng vừa ký kết xong Hiệp ước START Mới.

Mỹ có một mối quan hệ phức tạp với Nga. Lầu Năm góc gọi Nga và Trung Quốc là hai đối thủ chính. Năm ngoái, Mỹ bất ngờ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung sau khi cáo buộc Nga triển khai bất hợp pháp các tên lửa hành trình. Tất nhiên, Moscow kiên quyết phản đối.

Nhưng cùng lúc, chính quyền Mỹ vẫn trông chờ vào các cơ hội hợp tác với Nga. Trong những tuần gần đây, ông Trump từng nói chuyện với người đồng cấp Putin nhiều lần nhằm tìm cách chấm dứt tranh cãi giữa Nga và Arab Saudi về sản lượng dầu – đã góp phần khiến giá dầu thế giới tuột dốc không phanh. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng COVID-19 và vấn đề kiểm soát vũ khí.

Theo giới phân tích Nga, ông Putin đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với các nhà lãnh đạo phương Tây - đặc biệt là Tổng thống Trump, với việc dùng thỏa thuận dầu mỏ để chứng tỏ Moscow có thể hợp tác với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng.

Hồi đầu tháng, đại sứ Nga tại Mỹ cho hay, các lễ kỷ niệm dự kiến nhân dịp hội nghị Elbe giữa các quan chức Nga và Mỹ đã bị hủy bỏ do dịch bệnh bùng phát.

Tổng thống Putin từng gửi lời mời Tổng thống Trump tới Moscow nhân dịp kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II. Nếu thành sự thật, đó có thể là chuyến công du Nga đầu tiên của ông Trump trong vai trò người đứng đầu nước Mỹ. Trong thực tế, ông Trump đã quyết định không đi và cử cố vấn an ninh quốc gia của mình là ông Robert O'Brien thay thế. Moscow sau đó cũng hủy bỏ buổi lễ kỷ niệm vì COVID-19.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ