• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nói không với thuốc lá: kẻ giết người số 1 thế giới, nhiều nước muốn cấm nhưng chưa dứt được

Thời sự 01/12/2020 07:23

(Tổ Quốc) - Hàng năm, thuốc lá khiến khoảng 7 triệu người thiệt mạng và đứng đầu trong số 4 phát minh hủy diệt nhân loại trong lịch sử. Thật trớ trêu nhưng thuốc là còn khiến nhiều người chết hơn cả những vụ thiệt mạng do súng Ak-47, bom nguyên tử hay thuốc nổ.

Mỗi giờ trên thế giới có khoảng 800 người chết vì thuốc lá, tương đương với 2 chiếc máy bay Boeing 747 chở đầy nam giới, phụ nữ, người già lẫn trẻ em nổ tung giữa trời mỗi giờ, 24h mỗi ngày, 7 ngày trong tuần suốt cả năm. Nghe ghê rợn là vậy nhưng nhiều người vẫn không chịu cai thuốc lá và nhiều quốc gia dù muốn nhưng chưa thể cấm hẳn được sản phẩm độc hại này.

Hàng năm, thuốc lá khiến khoảng 7 triệu người thiệt mạng và đứng đầu trong số 4 phát minh hủy diệt nhân loại trong lịch sử. Thật trớ trêu nhưng thuốc là còn khiến nhiều người chết hơn cả những vụ thiệt mạng do súng Ak-47, bom nguyên tử hay thuốc nổ.

Nói không với thuốc lá: kẻ giết người số 1 thế giới, nhiều nước muốn cấm nhưng chưa dứt được - Ảnh 1.

Nguy hiểm đến thế nên hầu như mọi quốc gia đều có phong trào chống hút thuốc và Chính phủ cũng kịch liệt lên án thứ sản phẩm chết người này nhưng chẳng ăn thua. Tại Mỹ, sức mạnh vượt trội của hiệp hội các nhà sản xuất thuốc lá cùng mức lợi nhuận kinh người đã khiến Chính phủ gặp khó khi muốn ban hành các dự luật cấm hút thuốc.

Bên cạnh đó, mức đóng góp khổng lồ của ngành thuốc lá đến ngân sách cũng khiến việc cấm đoán trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Năm 1960, Chính phủ Pháp thu được 1,2 triệu Franc mỗi phút từ ngành thuốc lá. Năm 1977, Nhật Bản thu được 13 tỷ USD từ thuế thuốc lá. Năm 1984, quốc đảo Síp nhỏ nhoi cũng thu về 11 triệu Pound từ thuế thuốc lá.

Thế lực lớn trong xã hội

Nói đến thuốc lá là phải kể đến các ông lớn tại Mỹ và Anh, những tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới. Hàng năm, ngành thuốc lá sản xuất khoảng 6 triệu tấn sản phẩm thì riêng các doanh nghiệp Mỹ đã chiếm 1 triệu tấn. Lợi nhuận toàn ngành này tại Mỹ đã lên tới hơn 114 tỷ USD năm 2019 và trở thành thế lực đáng gờm cả về kinh tế lẫn chính trị.

Với khoản lợi nhuận khổng lồ, các doanh nghiệp thuốc lá đóng góp tiền bạc của mình cho các cuộc vận động tranh cử, vận động hành lang, quyên góp từ thiện… để làm gia tăng sức ảnh hưởng. Cùng với đó, lượng thuế khổng lồ mà các doanh nghiệp thuốc lá này đóng cho ngân sách Mỹ khiến họ có tiếng nói vô cùng lớn về chính trị.

Nói không với thuốc lá: kẻ giết người số 1 thế giới, nhiều nước muốn cấm nhưng chưa dứt được - Ảnh 2.

Đây là nguyên nhân khiến nhiều chính trị gia Phương Tây không dám động đến ngành thuốc lá dù nhiều phong trào chống hút thuốc thường xuyên nổi lên.

Thậm chí, sức mạnh của ngành thuốc lá còn làm điên đảo giới truyền thông và khoa học khi giả mạo các kết quả nghiên cứu. Ngành thuốc lá Mỹ thành lập rất nhiều trung tâm nghiên cứu hoặc tài trợ các phòng thí nghiệm để cho ra những kết quả có lợi.

Ví dụ như họ tuyên bố không có bằng chứng khoa học nào chứng minh thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp đến ung thư. Thế nhưng khoảng 1/3 số người chết vì ung thư có liên quan đến sản phẩm độc hại này. Khói thuốc cũng liên quan đến khoảng 25 căn bệnh như tim mạch, hô hấp, sinh sản…

Chưa dừng lại ở đó, các công ty thuốc lá còn chi trả hàng trăm triệu USD cho người nổi tiếng, ngôi sao hay các bộ phim, video ca nhạc… để cầm điếu thuốc quảng cáo. Các ngôi sao vô hình chung trở thành người tuyên truyền hút thuốc mà không biết mỗi giờ có hàng trăm người phải chết vì sản phẩm này.

Tồi tệ hơn, các hãng thuốc lá còn tài trợ cho những quỹ chống hút thuốc ở trẻ em hay các trại cai nghiện, một bước đi cho thấy sự tinh vi của các nhà marketing trong ngành nhằm xây dựng hình ảnh cũng như lái hướng dư luận có lợi cho họ.

Nói không với thuốc lá: kẻ giết người số 1 thế giới, nhiều nước muốn cấm nhưng chưa dứt được - Ảnh 3.

Nộp phạt trước, thu lời sau

Năm 1986, quốc gia sản xuất nhiều thuốc lá nhất là Mỹ phát động phong trào chống hút thuốc. Chiến dịch này khiến ngân sách thất thu hàng chục triệu USD từ thuế nhưng bù lại được bằng các phí phạt hút thuốc sai quy định. Ngay lập tức chúng gây tiếng vang trên toàn thế giới và nhiều nước noi theo. Ngành thuốc lá cũng phải chi hàng trăm triệu USD để dàn xếp các vụ kiện cho qua cơn khốn khó.

Thế nhưng phong trào này cũng chẳng chấm dứt được thuốc lá. Sau khi đã thoát khỏi các vụ dàn xếp, ngành thuốc lá tăng sản lượng để bù lại các khoản phạt. Số liệu của Statista cho thấy năm 2019, doanh thu ngành thuốc lá tại Trung Quốc đứng đầu thế giới với 232,5 tỷ USD, đứng thứ 2 là Mỹ với 114 tỷ USD.

Từ dòng tiền khổng lồ này, ngành thuốc lá tiếp tục thuê những người giỏi nhất trong các nghề như luật sư, bác sĩ, người phát ngôn… để bảo vệ cho loại sản phẩm chết người này. Hệ quả tất yếu là chẳng có một tổ chức nào đủ mạnh để gây áp lực lên ngành thuốc lá. Chính phủ cũng chỉ thông qua các luật cảnh báo ung thư phổi, cấm bày bán công khai… mà không có một động thái rõ ràng để giảm sản lượng hoặc hạn chế người hút thuốc.

Thi thoảng một số công ty thuốc lá lại thua kiện và nộp tiền bồi thường cho dân chúng hoặc Chính phủ, nhưng sản lượng thì vẫn tăng và lợi nhuận thu về nhanh chóng bù đắp cho khoản tiền đó.

Nói không với thuốc lá: kẻ giết người số 1 thế giới, nhiều nước muốn cấm nhưng chưa dứt được - Ảnh 4.

Bị căm ghét là vậy nhưng hàng năm, ngành thuốc lá vẫn bán khoảng 27,675 triệu bao thuốc trên toàn cầu. Con số này tương đương với việc thải ra 2,262 triệu kg rác ra môi trường mỗi năm, 209 triệu kg chất thải hóa học và hơn 4 triệu ha rừng bị tàn phá để trồng thuốc lá hay lấy gỗ làm giấy cuốn thuốc.

Theo nhiều ước tính, ngành thuốc lá toàn cầu mỗi năm thu về 765 tỷ USD nhưng cũng như liên quan đến 7 triệu ca thiệt mạng. Rõ ràng một thế giới không khói thuốc là điều không tưởng khi ngành thuốc lá vẫn chưa bị cấm. Bởi vậy, để bảo vệ một thế giới tốt hơn và không tiếp tay cho sản phẩm chết người, hãy bỏ thuốc và cùng khuyến khích mọi người tránh xa khói thuốc từ hôm nay.

Băng Tâm

NỔI BẬT TRANG CHỦ