• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗi lòng ít ai biết của 'Lương Bổng' – NSƯT Trung Anh

Văn hoá 19/06/2017 06:43

(Tổ Quốc) – Đảm nhận vai diễn Lương Bổng được đánh giá cao trong bộ phim đang làm mưa làm gió trên truyền hình-“Người phán xử”, và cũng thành danh với nhiều vai diễn chính diện, phản diện, nhưng với NSƯT Trung Anh, vẫn còn đó những nỗi niềm khi chứng kiến sân khấu dần mai một.  

- Là diễn viên gạo gội của sân khấu Việt Nam, anh có nhận xét gì về thực trạng sân khấu hiện nay?

+ Tôi thấy sân khấu thay đổi những điều mà mình không mong muốn. Mặc dù, sự thay đổi này để hợp với thị trường và khán giả. Các nhà hát đang mất dần chất hàn lâm của nhà hát kịch. Hết thế hệ này đến thế hệ khác bị mai một dần.

NSƯT Trung Anh đang được yêu thích trong vai Lương Bổng của bộ phim "Người phán xử"

Thật ra, tôi đi làm phim nhưng vẫn luôn dành tình yêu cho sân khấu. Tôi thấy ‘đau đớn’ và cảm thấy mình lạc lõng giữa sân khấu của chính mình.

Trên địa bàn  có rất nhiều nhà hát và mỗi nhà hát đều có đặc trưng riêng khác nhau. Nhưng hiện nay các nhà hát đều giống nhau. Nếu giống nhau như vậy thì nên gộp thành một nhà hát không cần phải có nhiều nhà hát. Khi mỗi nhà hát có chất riêng đó chính là cái hay của sân khấu để khán giả có nhiều sự lựa chọn.

Tại sao khán giả không đến với chính kịch vì có nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự khách quan. Đấy chính là sự phát triển xã hội chưa ổn định nên khán giả còn phân tâm cho công việc, không có thời gian để nghĩ đến nghệ thuật.

Khán giả thưa vắng sẽ có ít người theo đuổi nghề. Sân khấu không nuôi sống được bản thân, gia đình thì bắt buộc mình phải tìm con đường khác để mưu sinh. Không còn tận tâm với nghề. Trong khi muốn làm nghề giỏi thì phải yêu nghề.

- Phim truyền hình cũng đổi mới khi có nhiều bộ phim được thu tiếng trực tiếp. Nhưng điều này đã lộ ra nhược điểm ‘đài từ’ của nhiều diễn viên, là một người thường lồng tiếng cho phim, anh chia sẻ gì về điều này?

+ Ngày xưa đài từ được diễn viên sân khấu rất chú trọng. Đài từ chính là thể hiện một phần diễn xuất của diễn viên sân khấu. Cách đây hàng chục năm, thời đó chúng tôi ít đi làm phim và chủ yếu tập trung cho sân khấu nên dành thời gian tập luyện rất nhiều. Bản thân tôi không phải là một người sở hữu đài từ đẹp nhưng khi đi học được thầy cô chỉ dạy.

Tôi đi làm phim nhưng vẫn luôn dành tình yêu cho sân khấu. Tôi thấy ‘đau đớn’ và cảm thấy mình 'lạc lõng' giữa sân khấu của chính mình.



Tôi thấy hình thức của mình không đẹp, tiếng nói cũng không dày. Vì thế phải cố gắng tập luyện. Hơi của mình kém nên có tập luyện của chỉ thay đổi được một phần nào đó. Không phải cái gì tập luyện cũng sẽ tốt được ngay. Khi đài từ mình kém, tôi tập trung cho việc học cách thoại hay kỹ thuật biểu diễn để bù đắp khiếm khuyết của mình. Họ cố gắng một, thì mình phải cố gắng mười.

-Thế hệ trước để thành công phải có tài năng thực sự và đổ mồi hôi, nước mắt rất nhiều nhưng ngày nay, diễn viên trẻ nổi tiếng sau một đêm rất nhanh, vậy anh có nhận xét gì?

+ Ngày nay thành công đến với các bạn rất nhanh chóng và dễ dàng. Có nhiều diễn viên không cần được đào tạo bài bản nhưng vẫn nổi tiếng, thậm chí rất nổi tiếng.

Do đó họ không đòi hỏi khắt khe với bản thân, không quan tâm là nghề này cần cái gì. Có một số diễn viên trẻ không còn để ý đến cái tôi của nhân vật trong vai diễn của mình.

Không chỉ thể hiện nhân vật trên phim bằng yêu cầu đạo diễn, mà người diễn viên còn phải cho khán giả thấy mình muốn truyền tải điều gì thông qua nhân vật mình đảm nhận. Cái này sẽ được thể hiện trên sân khấu rõ nhất. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi vốn kiến thức, vốn văn học và cái tôi của diễn viên. Nếu chỉ đóng theo yêu cầu đạo diễn thì chỉ là ‘người làm thuê’ thì độ sâu sắc của nhân vật khó đạt được cao.

Ngoài ra, có một số nhà sản xuất phim, đạo diễn họ không đòi hỏi khắt khe diễn viên. Đối với họ, chỉ cần khóc được, cười được và thoại không bị vấp.

-Cuộc chiến ‘ganh đua’ ngầm giữa các diễn viên sân khấu hay truyền hình đều có ở khắp nơi, làm nghề đã lâu anh có suy nghĩ về vấn đề này thế nào?

+ Thế hệ nào cũng vậy, khi vào nhà hát ai cũng muốn muốn có được vai diễn. Tuy nhiên, vở diễn chỉ có một số một nhân vật và được giao cho một số diễn viên, trong khi cả nhà hát có rất nhiều người.

Nếu người khác có vai, mình không có vai thì theo tôi chúng ta hãy nhìn điều đó để phấn đấu và cũng nên xem mình còn có điều gì thiếu sót…Còn việc ‘ganh đua’ thực sự là không nên.

- Một Trung Anh với đa dạng vai, từ chính diện đến phản diện nhưng dường như anh không ‘bon chen’ với nghề, liệu rằng đây có phải là ‘sự thiệt thòi’ cho chính anh?

+ Tôi không nghĩ mình ‘thiệt thòi’. Ở nhà hát tôi vẫn có vai, trên phim cũng vậy. Tôi không quan trọng mình là chính hay phụ. Nhân vật phụ, ít phân đoạn nhưng tôi vẫn làm thật tốt nếu tôi thích.

Thú thật, tôi thấy mình có một cái rất dở trong nghề, trong cuộc sống đó là tôi giao tiếp rất kém. Nếu không thân quen, tôi không dễ cởi mở và chia sẻ.

Còn cuộc sống gia đình, tôi thấy các con ngoan ngoãn và học hành tử tế đó là điều khiến tôi hạnh phúc./.

+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Trung Anh!

Ngọc Hà Lê (thực hiện)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ