Nói về "quảng cáo sản phẩm trong phim": Huỳnh Lập nhấn mạnh "phải tinh tế và duyên dáng", Nam Thư thừa nhận "từng khiến khán giả khó chịu"

Paul - Ảnh: Hòa Trần | 26-05-2020 - 08:22 AM

(Tổ Quốc) - Huỳnh Lập, Nam Thư hay Ngọc Thanh Tâm,... đều là những diễn viên, nhà làm phim trẻ với góc nhìn khá thú vị về việc đưa quảng cáo vào sản phẩm phim ảnh của họ.

Sự hiện diện của quảng cáo trong các sản phẩm phim ảnh không còn là điều mới mẻ gì nhưng lồng quảng cáo làm sao cho duyên dáng tự nhiên, không khó chịu với người xem lại là câu chuyện không hề đơn giản. Nếu như những bộ phim truyền hình quốc dân của Việt Nam, vẫn đang vắng bóng sự đồng hành dài hơi từ các thương hiệu lớn; thì ở sân chơi webdrama việc hợp tác với nhãn hàng lại vô cùng sôi động. Các nhà làm phim trẻ ở sân chơi này tuy không có nhiều kinh nghiệm chinh chiến trong nghề nhưng lại có kha khá trải nghiệm mới mẻ về việc lồng sản phẩm quảng cáo trong những bộ phim của mình. 

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 1.

Nữ diễn viên - đạo diễn - nhà sản xuất Nam Thư: "Tôi từng một lần bỏ sản phẩm vào phim và khiến khán giả khó chịu"

Khi cộng tác với các nhãn hàng quảng cáo, thì phía nhãn hàng thường đặt ra những yêu cầu gì dành cho chị và sản phẩm của chị?

Trước giờ tôi ít cộng tác với nhãn hàng lắm, phần lớn các sản phẩm đều là tôi tự bỏ vốn mà. Tuy nhiên vẫn có những thương hiệu gửi lời mời cộng tác với tôi, nếu yêu cầu của họ hợp lý, hoặc phù hợp với sản phẩm thì tôi sẵn sàng bắt tay tôi. Thư luôn cố đạt được sự hòa hợp với tiêu chí nhãn hàng hài lòng và quan trọng là không ảnh hưởng đến sản phẩm phim ảnh của mình. Còn riêng những trường hợp nhãn hàng đưa ra yêu cầu không phù hợp với mình, lúc đó hai bên sẽ cùng ngồi lại và tìm ra phương án thích hợp nhất. 

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 2.

Khán giả Việt thường có thành kiến với quảng cáo xuất hiện quá lộ liễu trong sản phẩm. Là người có cái nhìn chuyên môn trong việc làm phim, đối mặt với chuyện đặt quảng cáo, Nam Thư có nghĩ rằng mình nên cải thiện thành kiến đó của người xem không?

Thứ nhất, không trách khán giả được, bản thân tôi hồi nhỏ, khi ngồi xem phim mà thấy quảng cáo quá nhiều cũng khó chịu. Lớn lên rồi đi làm nghề, mới thấy hiểu hơn vai trò của quảng cáo nhưng người xem chưa chắc đã thông cảm nếu quảng cáo đó quá khiên cưỡng.

Bây giờ độ hiểu biết và đánh giá của khán giả đã khác rồi, đã có nhiều người xem hiểu cho nỗi khổ của nhà làm phim khi phải đặt quảng cáo vào tác phẩm. Thế nên chỉ cần biết cách lồng ghép khéo léo, không gây mất thiện cảm là được. Thập Tứ Cô Nương từng có quảng cáo, ban đầu có vài khán giả khó chịu nhưng về sau, đại đa số đều ủng hộ nghệ sĩ. Của cho không bằng cách cho, quan trọng là cách người làm phim thể hiện sản phẩm trong phim của mình ra sao.

Còn nhớ có một lần tôi cũng bỏ quảng cáo vào phim và khiến khán giả khó chịu vô cùng. Đó là ở Nam Phi Liên Hoàn Kế - một bộ phim cổ trang và người xem thì cho rằng như vậy là không hợp lý. Sau đó tôi đã trải lòng với mọi người về sự khó khăn khi sản xuất phim, sang đến Thập Tứ Cô Nương, khán giả đã hiểu và đồng tình với cách làm của tôi.

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 3.

Khi thỏa thuận, làm việc với các nhãn hàng, tôi cũng gặp vài trường hợp khó khăn. Từng có nhãn hàng muốn chèn hẳn một đoạn quảng cáo vào file phim, tức là người xem sẽ không bấm "bỏ qua quảng cáo" được mà phải bắt buộc xem hết nội dung. Vào thời điểm đó, tình hình tài chính của tôi khá khó khăn. Tôi cũng đắn đo rất nhiều, muốn có tiền làm phim nhưng quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm của khán giả, cuối cùng thì quyết định không hợp tác. 

Nghĩa là điều chị ưu tiên nhất vẫn là trải nghiệm khán giả?

Đúng, tôi làm phim là vì khán giả mà. Chèn quảng cáo lộ liễu quá, người xem sẽ bỏ kênh mà đi. Có điều tôi vẫn luôn cố gắng linh động trong phương pháp chèn quảng cáo kết hợp với việc lắng nghe, theo dõi nguyện vọng của khán giả để tùy trường hợp và phản ứng từ công chúng mà điều chỉnh. Ví dụ như phim hài, nhẹ nhàng chèn quảng cáo sẽ linh hoạt hơn trong những tác phẩm thể loại khác.

Sau giãn cách, chị có sản phẩm nào sẵn sàng đến với khán giả chưa?

Tôi đang lên kế hoạch sản xuất một web drama. Chưa thể tiết lộ nhiều nhưng về thể loại, sẽ là phim cổ trang - đam mỹ. Hy vọng sẽ được khán giả đón nhận!

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 4.

Nhà sản xuất và đạo diễn Hồng Tú - Huỳnh Lập: Làm cho quảng cáo trở nên duyên dáng không lố bịch hoặc nôm na là 'Không đội sản phẩm lên đầu' thì khán giả sẽ dễ chấp nhận hơn

Là người thường xuyên hợp tác với các nhãn hàng làm các viral clip, theo anh, tiêu chí lẫn xu hướng mà các brand lựa chọn hiện nay là gì?

Theo tôi tiêu chí các brand thường nhắm đến là: sức ảnh hưởng nghệ sỹ, chất lượng hình ảnh, nội dung có yếu tố tuyên truyền và bắt kịp xu thế, nhắm đến đối tượng khách hàng phù hợp...

Khán giả Việt thường không thích/có thành kiến với việc quảng cáo xuất hiện trong sản phẩm. Anh có nghĩ đến một hướng đi nào đó để thay đổi cách nghĩ của khán giả?

Cách duy nhất để thay đổi được cách nghĩ của khán giả là đưa quảng cáo vào một cách tinh tế, hiệu quả cũng như cân nhắc yếu tố cần thiết của việc quảng cáo trong sản phẩm giải trí.

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 5.

Mình không thể thay đổi được cách nghĩ khán giả vì ai cũng muốn xem một sản phẩm không quảng cáo nhưng họ không hiểu rằng việc quảng cáo chèn trong sản phẩm giải trí đã có từ rất lâu đời. Dễ nhận biết nhất là khi chúng ta xem phim truyền hình, luôn có những đoạn quảng cáo chen giữa. Thế nên để thay đổi sự thành kiến này thì chúng ta chỉ còn cách làm cho quảng cáo trở nên duyên dáng, dễ thương, nhẹ nhàng, không lố bịch hoặc nôm na là "Không đội sản phẩm lên đầu" thì khán giả sẽ dễ chấp nhận hơn.

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 6.

Không đơn thuần là quảng cáo, các anh nghĩ gì về việc mình có trách nhiệm đem sản phẩm của người Việt đến gần hơn với công chúng qua các tác phẩm điện ảnh?

Điều này tôi công nhận, có những sản phẩm thương mại rất local (mang tính trong nước hoặc địa phương) thì việc mang quảng cáo vào trong sản phẩm điện ảnh cũng là ý hay, nói nôm na là mình không mang được thương hiệu ra quốc tế thì ít ra cũng nhờ sản phẩm điện ảnh mà thương hiệu mình được thế giới biết nhiều hơn. Ví dụ như khi xem phim Hollywood, có xuất hiện những sản phẩm không kinh doanh tại Việt Nam nhưng ít ra mình cũng biết rằng sản phẩm đó có tồn tại và sẽ dùng thử nếu có cơ hội.

Nữ diễn viên - nhã sản xuất Ngọc Thanh Tâm: Tiêu chí duy nhất của tôi đó là: "Làm với ai cũng phải để lại tiếng thơm"

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 7.

Khán giả Việt thường không thích/có thành kiến với việc quảng cáo xuất hiện trong phim ảnh, là một diễn viên, nhà sản xuất một số webdrama, chị có nghĩ đến một hướng đi nào đó để thay đổi cách nghĩ của khán giả không?

Không riêng gì khán giả Việt mà ngay cả khán giả nước ngoài cũng khó chịu khi phải xem quá nhiều quảng cáo trong một bộ phim. Quảng cáo không khéo thì sẽ khiến khán giả khó chịu thôi, đây là tình trạng chung ở bất kỳ dạng sản phẩm nào, dù là web drama hay phim điện ảnh. Bản thân mình khi xem phim, giữa lúc đang cao trào mà thấy quảng cáo xuất hiện còn thấy khó chịu nữa là. Tuy nhiên, vẫn có cách để thay đổi suy nghĩ này của khán giả là bản thân nghệ sĩ phải tâm sự với họ.

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 8.

Sự thực là cho dù chúng ta dán kín kênh Youtube của mình bằng quảng cáo cũng không thể huề vốn được cho một tập web drama. Quảng cáo là cách phổ biến nhất, theo tôi biết, để giúp các sản phẩm web drama ra đời và chúng ta cũng có thể tìm cách sắp xếp sản phẩm vào phim cho hợp lý, ít gây khó chịu.

Là một người có khả năng tài chính, chị nghĩ sao về việc đồng hành cùng các nhãn hàng trong sản phẩm phim ảnh của mình? Để ý phim của chị rất ít quảng cáo.

Phim của tôi rất ít quảng cáo là vì trong những sản phẩm trước, tôi cần phải tạo dựng tên tuổi nhất định cho thương hiệu Ngọc Thanh Tâm. Mục đích của những sản phẩm đầu tay là để xây dựng uy tín trong mắt các nhãn hàng rồi từ đó, trong những sản phẩm tiếp theo, tôi mới có thể cầm kịch bản đi chào tài trợ được.

Tự đầu tư phim cũng được nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhiều người. Tôi không thể cứ một mình tự làm phim mà phải có sự đồng hành của quảng cáo. Một mặt khi khán giả thấy được mối liên kết giữa tôi với nhãn hàng, một cách gián tiếp cũng sẽ thấy được uy tín của tôi tăng lên. Đồng thời, tôi tin chắc rằng với sự trợ giúp của nhiều bên thì sản phẩm của mình sẽ chỉn chu và đạt chất lượng cao hơn.

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 9.

Theo chị, những tiêu chí, xu hướng mà các nhãn hàng hướng tới và mong muốn ở người nghệ sĩ là gì?

Điều đầu tiên mà nhãn hàng tìm kiếm ở một nghệ sĩ đó là sức ảnh hưởng, thứ hai là uy tín và cuối cùng là các sản phẩm phải đủ sức hút đối với khán giả. Đồng thời là người nghệ sĩ phải có hình ảnh tương đồng với định hướng tiếp thị mà nhãn hàng đặt ra. Một nhãn hàng chuyên về dòng sản phẩm thể thao, cá tính sẽ đi tìm sự hợp tác với nghệ sĩ có hình ảnh tương tự. Dù muốn hay không, người nghệ sĩ phải thể hiện được hơi thở của nhãn hàng thì mới là gương mặt phù hợp nhất để cộng tác.

Nói về quảng cáo sản phẩm trong phim: Huỳnh Lập nhấn mạnh phải tinh tế và duyên dáng, Nam Thư thừa nhận từng khiến khán giả khó chịu - Ảnh 10.

Bản thân chị có đặt ra một tiêu chí nhất định nào khi đó khi nhận được lời mời hợp tác với các nhãn hàng không? Như việc nó phải phù hợp với hình tượng mình theo đuổi chẳng hạn.

Thực ra tiêu chí làm việc của tôi đặt ra đối với các nhãn hàng, họ đã nhìn thấu trước và xác định là phù hợp rồi thì mới tiếp cận. Tuy vậy, cho sự cố gắng của riêng mình, tôi vẫn luôn đặt ra mục tiêu là phải cải thiện hình ảnh, chất lượng sản phẩm để cho khán giả, các nhãn hàng nhìn thấy được tiềm năng. Sau đó, tôi phải xây dựng uy tín để đo đường dài, phải để các nhãn hàng tiếp tục cộng tác với mình đến lần thứ 2, 3, 4... Tức là phải đảm bảo được uy tín, quyền lợi mà vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm. Tiêu chí duy nhất của tôi đó là: "Làm với ai cũng phải để lại tiếng thơm", để các nhãn hàng khác sẽ muốn làm việc với mình.

Cảm ơn các nhà làm phim trẻ vì những chia sẻ chân thành. Hi vọng thời gian tới sẽ được thấy nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật của mọi người.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM