• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nóng S-400: Nga "có đi có lại" cho Thổ, Mỹ phân vân trừng phạt hay không

Thế giới 26/07/2019 11:31

(Tổ Quốc) - Moscow được cho là đang dỡ bỏ một số trừng phạt kinh tế đối với Ankara sau khi hợp đồng cung cấp S-400 được thực hiện trót lọt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dỡ bỏ một số hạn chế kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara kiên quyết theo đuổi tới cùng hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Moscow, bất chấp những phản đối và đe dọa trừng phạt từ Mỹ.

Theo trang Newsweek, một văn kiện do ông Putin ký và được công bố trên một cổng thông tin điện tử chính thức của Nga, đã kêu gọi "hủy bỏ một số biện pháp kinh tế đặc biệt chống lại Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ" và tái gia hạn một phần hiệp định không hạn chế đi lại từng bị tạm dừng vào năm 2015.

Mối quan hệ giữa Moscow và Ankara rơi vào căng thẳng vào tháng 11/2015 sau khi một máy bay F-16 của Thổ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga đang bay qua biên giới giữa Syria và Thổ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan hệ Nga-Thổ đang dần được cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh Ankara có xu thế xa rời đồng minh Mỹ và NATO. Trong xung đột mới nhất với Washington, Thổ đã bỏ qua các đe dọa trừng phạt và cả việc bị loại khỏi chương trình F-35 từ Mỹ, để mua các tên lửa đất đối không theo một hợp đồng ký kết chính thức với Nga từ năm 2017.

mbtho

Máy bay Nga Ilyushin Il-76 chở theo những bộ phận cuối cùng trong hệ thống tên lửa S-400 hạ cánh xuống căn cứ không quân Mürted Air Base, gần Ankara, vào ngày 25/7 (ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ)

Lầu Năm góc và giới chức Washington đã kêu gọi trả đũa cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, Tổng thống Donald Trump cho rằng, sẽ là "bất công" nếu đổ lỗi cho người đồng cấp Tayyip Erdogan, vì theo ông, chính người tiền nhiệm Barack Obama đã từ chối bán hệ thống Patriot cho Ankara. Hôm thứ tư (24/7), một số nghị sỹ tiết lộ, ông Trump đã kêu gọi "khoan dung" hơn đối với Ankara.

Bản thân ông Trump vào năm 2017 đã phê chuẩn Đạo luật Chống lại các kẻ thủ của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), mặc dù ông vẫn gọi đó là một sai lầm nghiêm trọng "đặc biệt là khi đạo luật xâm lấn thẩm quyền thương lượng của ngành hành pháp". Đạo luật nhằm vào các quốc gia muốn tiến hành các hợp đồng mua vũ khí quy mô lớn với Nga. Tuy nhiên, việc thực hiện lại tỏ ra thiếu đồng nhất khi Washington áp dụng trừng phạt Trung Quốc vì mua S-400 và phi cơ Su-37 của Nga, nhưng lại bỏ qua Ấn Độ (cũng vừa ký kết một thỏa thuận mua S-400 vào năm ngoái).

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Kevin Cramer nói với kênh NBC rằng, Tổng thống Trump "muốn có nhiều không gian hơn, trong vai trò người hành pháp, để giải quyết các vấn đề [liên quan tới trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ]".

"Ngài Tổng thống không phải là một fan của lệnh trừng phạt", hãng tin Al-Monitor dẫn lời Thượng nghị sỹ Cộng hòa James Lankford. "Ông ấy đã nói rõ điều đó".

Ngài Tổng thống không phải là một fan của lệnh trừng phạt.

Thượng Nghị sỹ Mỹ James Lankford

Còn Thượng nghị sỹ Cộng hòa David Perdua cũng chia sẻ trên The Washington Post, "những gì Tổng thống đang cố gắng làm là có được một cách tiếp cận rộng hơn nhiều trong vấn đề này". Theo ông Perdua, ưu tiên trừng phạt hơn là ngoại giao, chỉ là một chiến lược có lý "nếu anh nhìn vào những gì Thổ đang muốn làm ở hiện tại". Thay vào đó, ông đề xuất giới chức Mỹ nên "xem xét các vấn đề rộng hơn trong toàn bộ khu vực và những gì đang xảy ra với các nước khác, để thấy được một tình huống khác". "Chúng ta đang nỗ lực phát triển đồng minh trên thế giới", Thượng nghị sỹ bang Georgia nói. "Có khả năng anh phải đưa Nga vào trong một số cuộc đối thoại về vị thế của họ tại Trung Đông – họ muốn thương mại, họ cũng muốn giao thương với chúng ta".

Lập trường ủng hộ của Moscow và Ankara vẫn đối lập nhau trong cuộc chiến tại Syria, nhưng trọng tâm của Washington cũng đang thay đổi nhanh chóng. Mỹ cũng với các đồng minh Trung Đông như Thổ, Israel, Qatar, Arab Saudi… hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy năm 2011, chống lại Tổng thống Bashar al-Assad được Iran "chống lưng" từ năm 2013 và Nga từ năm 2015.

Cùng thời điểm Nga trực tiếp can thiệp quân sự, Mỹ cũng chọn một đối tác mới trên chiến trường Syria – liên minh người Kurd, hay còn gọi là Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong cuộc chiến chống lại khủng bố IS. Tuy nhiên, nhóm vũ trang được Mỹ ủng hộ nhiều nhất - Các đơn vị bảo hộ nhân dân (YPG) lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố do có mối quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) – luôn xung đột với Ankara trong nhiều thập kỷ qua.

Năm 2015 không chỉ chứng kiến sự kiện Thổ bắn rơi máy bay Nga, mà nó có đánh dấu cột mốc "đảo chiều" trong quan hệ của Ankara với Washington, đặc biệt khi các lực lượng người Kurd bắt đầu đánh nhau với IS và chiếm lĩnh các vị trí chiến lược dọc theo biên giới Thổ.

Cùng lúc, quân đội Syria và đồng minh bắt đầu đánh bại lực lượng nổi dậy Syria, giành lại Aleppo vào cuối năm 2016. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính để Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán với Nga và Iran.

Nga, Thổ và Iran dự kiến sẽ tổ chức họp ba bên vào tháng tám, còn Washington vẫn đang cố gắng đạt được một thỏa thuận với Ankara về kế hoạch "vùng an toàn" Syria, trong đó cho phép các nhóm vũ trang được Thổ hỗ trợ và người Kurd cũng hiện diện tại miền bắc Syria, sau khi Mỹ rút quân.

Trước đó, Moscow và Ankara đã thành công ký kết một thỏa thuận riêng về thiết lập khu vực phi quân sự tại tỉnh tây bắc Idlib. Binh lính Nga và Thổ hiện đang nắm giữ các cứ điểm gần khu vực chiến trường chính giữa những lực lượng ủng hộ và chống lại chính phủ Syria. Về phần mình, chính quyền Damascus cũng liên tục kêu gọi liên minh do Mỹ dẫn đầu và Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức rút quân khỏi quốc gia Trung Đông.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ