• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Nóng" Thượng đỉnh Mỹ-Trung, Bắc Kinh có cân nhắc "ba lợi, một nguy" từ đối đầu thương mại với Washington?

Thế giới 29/11/2018 13:54

(Tổ Quốc) - Theo chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đem tới nhiều lợi ích cho Trung Quốc, nhưng nguy cơ lớn nhất là Bắc Kinh không thể tận dụng được cơ hội đó.

Bên lề thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến có cuộc thảo luận xung quanh các biện pháp giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Theo ông Kai He, giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Griffith, Australia, không thể kỳ vọng Chủ tịch Tập sẽ có những thỏa hiệp công khai. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ được hưởng lợi, nếu có thể kết thúc cuộc đối đầu thương mại trước khi nó phát triển thành một cuộc chiến tranh lạnh.

Leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được nhìn nhận là một "khủng hoảng" cho chính sách đối ngoại Trung Quốc. Trong tiếng Trung, "khủng hoảng" được dịch ra là "Weiji", có nghĩa là "nguy hiểm và cơ hội". Không thể phủ nhận được những nguy cơ mà Trung Quốc phải đối mặt; nhưng cùng lúc, nếu biết tận dụng được "cơ hội", chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có thể đem lại những lợi ích cho Bắc Kinh về cả chiến lược và kinh tế.

Nóng Thượng đỉnh Mỹ-Trung, Bắc Kinh có cân nhắc ba lợi, một nguy từ đối đầu thương mại với Washington? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh

Ba lợi ích lớn

Ông Kai He nhận định, đối đầu thương mại với Mỹ đã buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải xem xét lại các chiến lược phát triển của nước này. Cơ chế tự phê bình trong quyết định chính sách của Bắc Kinh, từng vấp phải những chỉ trích về tính hiệu quả. Các mức thuế của Mỹ chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn; tuy nhiên, cùng lúc nó sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách sửa đổi những hạn chế trong chính sách.

Ví dụ như, nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Trung Quốc đã trở nên dễ tổn thương trong các tranh chấp thương mại. Để đảm bảo an ninh kinh tế, Trung Quốc cần cân nhắc biện pháp thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của mình. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ZTE cũng đã đem lại một bài học về hậu quả nghiêm trọng của việc "dựa dẫm" vào công nghệ Mỹ trong ngành công nghiệp viễn thông. Truyền thông Trung Quốc thời gian gần đây đã bắt đầu đề cập tới những khoảng cách công nghệ lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.

Sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản nhà nước (state capitalism) là một trong những yếu tố gây tranh cãi chính trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Mô hình này không phải là điều quá mới mẻ tại châu Á. Những năm 1970 và 1980, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có chính sách tương tự để giúp phát triển ngành sản xuất ô tô của mình. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, chủ nghĩa tư bản nhà nước có thể dẫn tới một "lối cụt" trong tăng trưởng kinh tế do nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm thiếu tính hiệu quả khi đưa ra quyết định, không có sự cải tổ, nguy cơ tham nhũng… Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, không nghi ngờ gì sẽ góp phần khiến Bắc Kinh cẩn trọng nhìn lại những mắt xích yếu nhất trong nền kinh tế Trung Quốc và tìm cách "gia cố" chúng.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể nhân cơ hội này để chỉnh sửa lại sách lược đối ngoại. Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đưa ra sáng kiến "Vành đai, Con đường" – một kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở tham vọng tại cả châu Âu và châu Á. Trong khi Trung Quốc gọi đây là một sáng kiến kinh tế, các nước khác lại tỏ ra quan ngại về những động cơ chính trị phía sau. Những thách thức gần đây liên quan tới các dự án "Vành đai, Con đường" ở Malaysia và Maldives đã phần nào hé lộ những hệ quả ngoài mong đợi từ tham vọng mở rộng chiến lược của Trung Quốc. Những khó khăn ngân sách mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đem lại, biết đâu lại buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thời gian nhìn nhận lại xem, liệu "Vành đai, Con đường" có đang đi theo đúng mục đích đặt ra ban đầu hay không.

Nóng Thượng đỉnh Mỹ-Trung, Bắc Kinh có cân nhắc ba lợi, một nguy từ đối đầu thương mại với Washington? - Ảnh 2.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc sẽ gặp mặt bên lề thượng đỉnh G20

Cuối cùng, đối đầu thương mại song phương với Mỹ còn đem lại một cơ hội chiến lược cho Trung Quốc để củng cố vai trò lãnh đạo tại châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Trump đã khơi mào chiến tranh thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với nhiều đối tác khác. Mặc dù Washington được coi là giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Bắc Mỹ khi tái thương lượng một thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico, chính sách của ông Trump đã để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của nước Mỹ trên trường quốc tế về lâu dài.

Chính vì vậy, đó là cơ hội để Trung Quốc "lấp đầy" khoảng trống. Bắc Kinh đã điều chỉnh lại quan hệ song phương với Nhật Bản – được thể hiện rõ trong chuyến thăng của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Bắc Kinh cuối tháng Mười vừa qua. Cùng lúc, Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn thống nhất được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông với các nước Đông Nam Á. Một chính sách ngoại giao châu Á thành công sẽ góp phần lớn vào những nỗ lực của Trung Quốc, nhằm đối phó lại các áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nguy cơ cũng không kém

Một trong những nguy cơ lớn nhất, theo ông Kai He, chính là Bắc Kinh… không thể tận dụng được những "lợi ích" đề cập ở trên. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tìm cách đáp trả bằng việc kiên quyết, hoặc thậm chí là đẩy mạnh hơn nữa các chính sách ban đầu. Bất kỳ sự thay đổi chính sách nào cũng có thể bị coi là nhượng bộ, thất bại, thậm chí là đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Ngoài ra, trong một bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ dường như đã mở rộng cuộc chiến thương mại sang cả địa hạt tư tưởng. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng cáo buộc những can thiệp từ Trung Quốc (nếu có) vào nền chính trị Mỹ còn nguy hiểm hơn cả từ Nga.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ