• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nóng tranh cãi Singapore và Malaysia xung quanh ẩm thực đường phố

Du lịch 28/08/2018 15:41

(Tổ Quốc) - Tuyên bố muốn UNESCO công nhận văn hóa hawker của mình là di sản văn hóa, Singapore đã vấp phải một số ý kiến phản đối.

Mới đây, Singapore đã tuyên bố sẽ đệ đơn lên UNESCO xin công nhận văn hóa ẩm thực hawker của mình là Di sản văn hóa phi vật thể. Điều này đã vấp phải sự phản đối của một số đầu bếp nổi tiếng đến từ Malaysia.

Trả lời phỏng vấn tờ The Star, đầu bếp Redzuawan Ismail nói, “những người thiếu tự tin vào đồ ăn của mình sẽ làm tất cả những việc tương tự để được ghi nhận”.

Hawker là những khu tập trung nhiều gian hàng ăn uống khác nhau, thường được đặt trong các trung tâm thương mại, chợ lớn, nơi có nhiều cư dân sinh sống… Đối với nhiều người Singapore và du khách quốc tế, văn hóa hawker đã trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của đảo quốc sư tử.

Trước bình luận của đầu bếp Redzuawan Ismail, anh Winston Tay, một nhân viên công sở tại Singapore cho biết: “Không khó hiểu khi một số người sẽ phản ứng như vậy, bởi vì văn hóa hawker có thể được tìm thấy tại cả Malaysia và Indonesia. Có rất nhiều sự tương đồng trong các nền ẩm thực tại khu vực Đông Nam Á”.

Còn theo cô Karen Koh, một nhân viên trong lĩnh vực truyền thông, trong hơn 50 năm qua, các nền ẩm thực quốc gia trong khu vực đã phát triển theo những cách độc đáo riêng biệt và đều xứng đáng được ca ngợi. “Tôi nghĩ có rất nhiều không gian để cùng tồn tại”, Koh nói.

Văn hóa hawker là một trong những nét rất đặc trưng trong cuộc sống người Singapore (ảnh: AP)

Đầu bếp Redzuawan Ismail cho rằng, ẩm thực mang tính toàn cầu, và giúp đem lại niềm vui và tình hữu nghị. “Ý nghĩa của đồ ăn là để mọi người cùng thưởng thức chứ không phải là để chúng ta tranh cãi với nhau xem ai sở hữu cái gì.

Một đầu bếp nổi tiếng khác của Malaysia Datuk Ismail Ahmad thậm chí còn chỉ ra sự khác biệt trong văn hóa hawker giữa hai nước láng giềng. Các hawker ở Singapore thường được đặt trong các tòa nhà lớn, không giống như ở Malaysia, nơi bạn có thể tìm thấy hawker ở cả nông thôn lẫn thành thị.

“Đó là sự độc đáo của riêng Malaysia,” Datuk Ismail Ahmad nói. “Các trung tâm hawker nhìn thì đẹp đấy nhưng lại rất vô vị”.  

Một người dân Malaysia khác nhấn mạnh, Singapore “không có lịch sử ẩm thực, và điều đó là không thể chối cãi”. “Nếu Malaysia muốn, họ cũng có thể để đơn lên UNESCO công nhận văn hóa hawker của mình,” người này nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tay Bing Sen, một sinh viên mới tốt nghiệp của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, nước này không cần phải quá bận tâm về những gì người khác nói: “Cho dù làm gì thì bạn cũng sẽ có người ủng hộ và phản đối. Singapore chỉ cần làm những gì mà chúng tôi cho là đúng thôi”.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ