• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nóng” tương lai Iran tại Syria trong chạm trán Nga-Mỹ

Thế giới 07/07/2018 14:06

(Tổ Quốc) - Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ có thể sẽ quyết định tương lai hiện diện quân sự Iran tại Syria?

Theo Bloomberg, một trong những chủ đề quan trọng nhất trong hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ sắp tới tại Helsinki (Phần Lan), chính là vai trò của Iran trong cuộc chiến Syria. Đáng chú ý, một quan chức giấu tên người Nga cho biết, Moscow hiện cũng đang tiến hành thương lượng với Tehran.

Nhìn chung, Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý với Mỹ và Israel rằng, các lực lượng do Iran ủng hộ ở miền nam Syria, sẽ tránh xa biên giới với Israel, và được thay thế bời những binh lính trung thành với chính quyền Damascus.

Hai cố vấn của Điện Kremlin tiết lộ, sau khi nghiên cứu cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Putin đã quyết định cần phải tự mình đàm phán với ông chủ Nhà Trắng. Còn theo phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov, hai nhà lãnh đạo có thể gặp mặt mà không kèm theo các cố vấn - giống như cách ông Trump và ông Kim đã làm tại Singapore.

Gặp măt “một đối một”

Hôm thứ Năm (5/7), Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã xác nhận những kế hoạch cho một cuộc gặp mặt “một đối một” giữa ông Trump và người đồng cấp đến từ nước Nga.

Khác với chính sách của người tiền nhiệm là yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời bỏ quyền lực, ông Trump đã theo đuổi một lập trường mới, sau khi Nga can thiệp vào cuộc chiến Syria và cùng với Iran thể hiện sự ủng hộ cho ông Assad. Hôm Chủ nhật (1/7), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton chia sẻ với kênh CBS News rằng, ông Assad không còn là “vấn đề chiến lược” tại Syria – thay vào đó, nó đã chuyển thành Iran.

“Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra khi hai người họ gặp nhau,” ông Bolton – một quan chức vốn luôn cổ suý cho sự thay đổi chính quyền tại Syria, nói. “Có nhiều khả năng dẫn tới một tiến trình thương lượng lớn hơn về việc đưa các lực lượng Iran ra khỏi Syria và quay trở về Iran”.

Trong mắt người Nga, cuộc gặp mở rộng đầu tiên giữa  hai Tổng thống là cơ hội để mở ra một trang mới trong mối quan hệ song phương vốn đang “chạm đáy” do nhiều bất đồng, bao gồm cuộc chiến tại Syria và các lệnh trừng phạt áp dụng cho Nga sau cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, sáp nhập Crimea và dính líu tới phong trào li khai tại Ukraine.

Tập đoàn Citigroup đánh giá, nếu thành công, hội nghị sẽ thúc đẩy khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Nga.

 Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Mỹ và Nga sẽ diễn ra vào ngày 12/7 tại Helsinki, Phần Lan (ảnh: cnn)

Những câu hỏi lớn

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những câu hỏi lớn về viễn cảnh liệu ông Putin có chấp nhận bất kỳ hiệp định nào liên quan tới hoạt động của Iran tại Syria, ngay cả khi Nga đề xuất triển khai quân lính để ổn định các khu vực biên giới. Điều này đang làm dấy lên những lo ngại trong nội tại Washington và các đồng minh của Mỹ tại châu Âu rằng, ông Trump có thể tuyên bố hội nghị Helsinki là một thành tựu, bất chấp việc không đạt được một nhượng bộ nào.

Tại thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng Sáu, ông Trump đã ca ngợi lời cam kết “phi hạt nhân” có phần thiếu rõ ràng của nhà lãnh đạo Kim, là một chiến thắng chủ chốt cho hoà bình thế giới. Tuy nhiên kể từ đó tới nay, đã có một số báo cáo về việc Triều Tiên đang đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hạt nhân, xây dựng thêm bệ phóng tên lửa và mở rộng một nhà máy sản xuất động cơ hoả tiễn...

Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga nhận định: “Ông Trump không thể ép ông Putin quay lưng với Iran.... Ông Putin sẽ không sẵn lòng ép Iran quá mức và ông ấy không thể thực sự tin tưởng vào chính quyền Trump”.

Lavrov “chạm trán” Pompeo

Hồi giữa tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, ông sẽ thảo luận với người đồng cấp nước Mỹ Mike Pompeo sau hội nghị Helsinki, về việc thực hiện bất kỳ hiệp định nào đạt được giữa hai nhà lãnh đạo. Ngay cả vậy, ông Lavrov cũng tỏ ra thận trọng khi khẳng định “sẽ là phi thực tế” nếu yêu cầu Iran hoàn toàn rút khỏi Syria.

“Giống như bất kỳ phần nào khác trên thế giới, bạn phải bắt đầu bằng việc ngồi xuống bàn thương lượng, đưa ra các vấn đề bạn quan tâm và nói về cách giải quyết chúng dựa trên một nền tảng được chấp nhận chung,” ông Lavrov phát biểu trước các phóng viên tại Moscow.

Điểm áp lực

Iran và các lực lượng đồng minh, bao gồm cả Hezbollah đã gây dựng được một sự hiện diện đáng kể dọc theo biên giới của Syria với Israel và Lebanon. Điều này đã dẫn đến những cuộc không kích liên tiếp từ Israel cũng như lời đe doạ sẽ mở rộng hành động. Theo ông Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moscow, Nga đang sử dụng chính lý do này để gây áp lực lên Iran.

Tác giả của cuốn sách “Nga muốn làm gì ở Trung Đông” cho rằng, trong khi Nga và Iran đang cùng thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Assad trước các lực lượng đối lập được Mỹ và đồng minh “chống lưng”, lợi ích của hai nước lại ngày càng cách xa khi Tổng thống Putin tìm cách bảo toàn lợi ích của mình trong khu vực.

Tuần tới, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến có cuộc gặp gỡ với ông Putin tại Moscow. Mới tháng trước, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri cũng đã công du tới thủ đô của Nga. Elena Suponia, một chuyên gia về Trung Đông nhận định, Moscow đang ủng hộ một kế hoạch nhằm thay thế các tay súng Hezbollah đang có mặt tại vùng biên giới Syria – Lebanon. Đây là một phần trong những nỗ lực khuyến khích hàng triệu người tị nạn Syria tại các nước láng giềng trở về quê hương.

“Giành quyền kiểm soát”

“Nga muốn nhìn thấy chính phủ Syria giành quyền kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt”, bà Suponia nói.

Việc ông Putin thay đổi lập trường về Syria và giá dầu đã khiến Tehran nổi giận. “Nga không chỉ đâm phía sau Iran trong vấn đề Syria, mà còn cùng Arab Saudi tuyên bố đẩy hạn ngạch của Iran ra ngoài khối OPEC”, Ali Khorram, cựu Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc chỉ ra.

Ông Kortunov phân tích, chiến lược của ông Putin là cố gắng tìm ra một vị trí trung gian giữa những lợi ích xung đột nhau của các nước lớn. Đặc biệt, ông có thể bật đèn xanh cho Israel để tấn công bất kỳ phái đoàn nào của Iran muốn vận chuyển vũ khí tối tân cho Hezbollah. Cùng lúc, Nga cũng cho phép Tehran được duy trì việc cung cấp vũ khí thông thường tới đồng minh Lebanon của mình.

Trong khi đó, Ehud Yaari, một học giả tại Viện Washington chỉ ra, đối với Iran, mục tiêu lớn nhất là duy trì ảnh hưởng bên trong Syria và giữ cho tuyến đường cung cấp được duy trì.

“Nga có lợi ích liên quan tới Iran tại Syria: đó là làm suy yếu Iran nhưng không khiến nó sụp đổ, bởi vì họ có thể sẽ mất đi chế độ Assad – và đây là một con bài chủ chốt”, Sami Nader, người đứng đầu Viện nghiên cứu chiến lược Levant ở Beirut nói. “Họ muốn Iran luôn trong tầm mắt và có thể kiểm soát được”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ