• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Bùi Sỹ Lợi: Cần có cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động

Thời sự 18/10/2018 11:30

(Tổ Quốc)- Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ những quan điểm về bình đẳng giới tại Việt Nam.

Thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội

- Xin ông cho một vài đánh giá về thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam trong thời gian qua?

+ Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhiều bước đột phá cả về nhận thức và hành động trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Về khía cạnh luật pháp với việc ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử; cũng như ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Về hành động, Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trong việc thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế nhằm xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình; khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội…

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Cần có cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên cho thấy, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được tập trung triển khai ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao.

Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế khác cũng đã dành nhiều đánh giá về những tiến bộ trong bình đẳng giới tại Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu về bình đẳng giới, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức đã tồn tại lâu dài như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân về bình đẳng giới còn hạn chế; tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít; tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống...

Ngoài ra, công tác bình đẳng giới ở Việt Nam cũng còn gặp phải những thách thức mới về nguy cơ tụt hậu; thách thức từ biến đổi khí hậu; Cách mạng công nghiệp 4.0; ngoài ra, còn có các thách thức khác như: hệ quả kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản của nam giới liên quan việc nâng cao chất lượng dân số; việc bảo đảm an sinh tuổi già đối với nhóm lao động nữ làm việc trong khu vực không chính thức.

- Vậy đâu là những điểm cần khắc phục nhất để cải thiện bình đẳng giới ở Việt Nam, thưa ông?

+ Theo tôi, chúng ta cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội. Đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải đặt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong tổng thể công tác cán bộ của cấp ủy. Trong từng cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ nữ theo quan điểm phát triển, chú trọng yếu tố giới. Trong quy hoạch, đào tạo của cơ quan phải nhất thiết bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp. Công tác luân chuyển cán bộ nữ phải phù hợp với điều kiện, sở trường công tác để đào tạo toàn diện từ thực tiễn đối với cán bộ nữ. Đồng thời, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ trẻ có triển vọng phát triển.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như: nghiên cứu, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hẹp dần khoảng cách giới trong quy định về tuổi nghỉ hưu tại Bộ Luật lao động hiện hành nhằm tạo điều kiện và cơ hội tham gia cho lao động nữ trên mọi lĩnh vực.

Thứ ba là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.

Cần có cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo

- Để cải thiện tình trạng bình đẳng giới tại Việt Nam, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất là nam giới được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

+ Quan điểm của tôi là ủng hộ để bảo đảm bình đẳng giới. Luật hiện hành đã cho phép lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con và được hưởng lương, chưa quy định nam giới được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, có thể quy định có thể chồng hoặc vợ được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội, đây cũng là vấn đề linh hoạt để người lao động lựa chọn vợ nghỉ hoặc chồng nghỉ chăm con cho phù hợp.

- Ngoài ra, một giải pháp khác là khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động. Ông bình luận gì về giải pháp này?

+ Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết giúp lao động nữ có điều kiện làm việc tốt hơn, bảo đảm thời gian và động lực tăng năng suất lao động, khi con cái được đến nhà trẻ, trường mẫu giáo; nếu không có điều kiện đi gửi trẻ, đi mẫu giáo thì được chủ sử dụng lao động hỗ trợ một phần kinh phí là điều rất tôt và cần thực hiện.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã làm và làm rất tốt, nhưng đa số các doanh nghiệp còn khó khăn nên chưa có điều kiện thực hiện hoặc cũng có doanh nghiệp có thể có điều kiện nhưng vì lợi nhuận nên không làm.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Theo tôi cần nghiên cứu tham vấn ý kiến của các bên trong quan hệ lao động để quy định được cụ thể mức hỗ trợ thì tốt hơn. Tuy nhiên phải có điều kiện do các bên thỏa thuận hoặc nêu nguyên tắc làm căn cứ trong thương lượng tập thể để các bên thống nhất quyết định và chỉ ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Vấn đề này cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, thiết chế của công đoàn và bản thân người lao động để hài hòa lợi ích.

- Xin chân thành cảm ơn ông!


Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ