• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Đặng Hùng Võ: Muốn đánh thuế nhà, tiền thuế của dân phải được sử dụng đúng

Kinh tế 17/04/2018 10:15

(Tổ Quốc) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng: “Chúng ta đang sử dụng nguồn ngân sách của dân còn nhiều điểm bất cập, chính vì vậy người dân có những cự nự rằng “tôi có nộp thì cũng chẳng để làm gì”, thậm chí còn gắn với tham nhũng, lãng phí…

Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đặng Hùng Võ đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về quan điểm của ông.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ  (Nguồn: Vietnamnet)

-Quan điểm của ông về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên – vốn đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày gần đây?

Ông Đặng Hùng Võ: Theo tôi việc đánh thuế nhà là cần thiết. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc đánh thuế nhà không phải đánh vào tài sản nhà mà đánh vào sự hiện diện của mọi người mà những người đó đang sử dụng hạ tầng hoặc dịch vụ công cộng nơi đô thị. Đã sử dụng thì phải chi trả phí.

Nước ta hiện nay đang không có nguồn để phát triển hạ tầng cũng như dịch vụ công cộng đô thị. Chúng ta vẫn đang phải dùng tiền ODA, trái phiếu Chính phủ và thậm chí là phải dùng tiền thu từ khoản khác để chi. Như vậy là vô lý.

Như vậy, theo quan niệm tiến bộ trên thế giới thì thuế nhà chính là việc người dân phải tri trả tiền để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng đô thị. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là Việt Nam áp dụng như thế nào? Đánh thuế như thế nào cho hợp lý?

Tôi không đồng ý với cách đánh thuế nhà theo giá trị như đề xuất của Bộ Tài chính. Bởi đánh thuế theo giá trị sẽ hạn chế việc đầu tư nhà. Ví như, nếu người dân mong muốn thiết kế căn nhà của mình thật thông minh hay mong muốn cho căn nhà của mình tiện nghi nhất, có gara ô tô, bể bơi… thì chắc chắn họ sẽ e dè không dám đầu tư vì khi đó giá trị căn nhà sẽ tăng lên.  

Vì thế, việc đánh thuế tài sản như Bộ Tài chính đề xuất sẽ kìm hãm đầu tư và phát triển nhà.

-Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể “hiến kế” về cách đánh thuế sao cho phù hợp?

Ông Đặng Hùng Võ: Như tôi đã nói, nộp thuế nhà chính là việc người dân phải tri trả tiền để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng đô thị - nơi mà chính họ cũng được hưởng. Nhưng tôi không ủng hộ cách đánh thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Theo quan điểm của tôi, nên đánh thuế theo diện tích sàn nhà ở theo đầu người và đánh theo lũy tiến, và với diện tích sàn nhà ở trên đầu người quá rộng. Ví như 25m2/đầu người thì nên đánh thuế. Còn diện tích bé hơn thì không nên đánh thuế vì họ là người nghèo.

Chung quy lại, tỉ suất thuế cần phải áp dụng cho những khu vực cụ thể. Như Hà Nội thì nên đánh thuế cho 4 quận nội thành. Các quận ngoại vi thì lại áp dụng mức thuế riêng, những nơi được quy hoạch thành đô thị lại áp dụng tỉ suất thuế riêng nữa, nhà chung cư riêng…Như vậy mới công bằng và hợp lý.

Với các nước, thuế đất và thuế nhà chiếm 30% nguồn thu ngân sách nhà nước trong khi chúng ta không như vậy. Từ xưa tới nay chúng ta xem chuyện thuế đất, sử dụng đất công nhiều khi còn bất hợp lý, thậm chí còn gắn với yếu tố tham nhũng… Nên chúng ta kém phát triển là đúng. Hiện chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên nhiều loại thuế xuất - nhập khẩu, nhiều loại thuế thương mại khác… đã không còn thu được nữa.  Đã đến lúc chúng ta phải “xốc” lại thuế đất, thuế nhà.  Tuy nhiên, cần phải đưa ra sắc thuế thật hợp lý, phù hợp với người dân Việt Nam hiện nay, ở mức độ mà người dân có thể “chịu” được.

-Như ông nói thì việc phải đóng thuế là trách nhiệm của người dân. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là sử dụng tiền thuế của dân như thế nào cho đúng, cho thật hiệu quả, không lãng phí. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình liên quan đến câu chuyện sử dụng tiền thuế tại nước ta?

Ông Đặng Hùng Võ: Các nước họ quy định tiền thuế đánh vào nhà được sử dụng phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng đô thị, giải quyết vấn đề môi trường chứ không được sử dụng vào mục đích khác. Điều này lại khác với Luật Ngân sách của nước ta. Chúng ta đang thu và hòa vào ngân sách chung .

Qua đây tôi cho rằng, chúng ta nên sửa lại Luật Ngân sách. Cụ thể là thu từ khoản gì thì được chi cho khoản gì. Khi đó mới đảm bảo được là nguồn thu từ đâu, chi vào đâu là hợp lý.

Chúng ta đang chi tiêu tiền thuế không hợp lý, thậm chí là lãng phí từ nguồn thu thuế của dân, gây mất lòng tin của người dân. Chúng ta đang sử dụng nguồn ngân sách của dân còn nhiều điểm bất cập, chính vì vậy người dân có những cự nự rằng “tôi có nộp thì cũng chẳng để làm gì”, thậm chí còn gắn với tham nhũng, lãng phí…Tôi cho rằng đây là điều mà chúng ta phải kết hợp làm cho tốt.

Chi ngân sách như thế nào là một câu chuyện dài để người dân tin kiểm soát và tin rằng “tiền tôi nộp vào phải được sử dụng đúng mức!”.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ