• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Putin gập ghềnh xoay xở ván cờ Nga trên toàn cầu

Thế giới 18/02/2019 11:29

(Tổ Quốc) - Làm cho nước Nga hùng mạnh trở lại. Đó là nhiệm vụ Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã đặt ra đối với hoạt động chính trị quốc tế.

Chuyên gia Dimitar Bechev tại Hội đồng Atlantic chia sẻ trong một bài viết trên Aljazeera rằng, sau khi trở lại Điện Kremlin vào năm 2012, ông Putin đã đưa ra một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, tìm cách đảm bảo một vị trí trong bàn đối thoại nhất của ngoại giao toàn cầu.

Tín hiệu lớn từ Trung Đông

Những nỗ lực này đã được đền đáp. Nhờ sự can thiệp của quân đội vào Syria, Nga đã thành công chuyển từ một người ngoài cuộc thành một bên trung gian quyền lực hàng đầu ở Trung Đông.

Thể hiện vai trò mới có được này, ông Putin mới đây đã tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani về việc phối hợp phản ứng chung trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi vùng đông bắc Syria.

Ông Putin gập ghềnh xoay xở ván cờ Nga trên toàn cầu - Ảnh 1.

Vị thế Nga được tăng cường nhưng ông Putin cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. (Nguồn: Sputnik)

Hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu kỷ niệm hai năm tiến trình hòa đàm Astana với mục tiêu kết thúc cuộc đổ máu ở Syria. Mỹ không phải là một phần của diễn đàn này. Do đó, Astana có thể là điềm báo cho một trật tự toàn cầu mới sắp tới khi các cường quốc ngoài phương Tây đang nổi lên như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và những bên khác là tâm điểm chú ý.

Trong vài năm qua, ông Putin không tránh khỏi việc đối đầu với phương Tây. Sự rạn nứt với phương Tây đã ngày càng leo thang sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào mùa xuân năm 2014.

Theo đó, về phía Mỹ và phương Tây, nhận thức về Nga cũng đã thay đổi. Cho đến năm 2014, Mỹ và EU coi Moscow là một đối tác khó khăn nhưng không phải là đối thủ chính thức. Giờ đây, chiến lược phòng thủ quốc gia của Lầu Năm Góc đã đặt Nga vào vị trí đe dọa quân sự ngang tầm với Trung Quốc đang trỗi dậy. NATO đã triển khai quân đội ở Đông Âu để kiềm chế Moscow theo đuổi hành động gia tăng sự hiện diện vượt ra ngoài biên giới.

Hơn nữa, có những lo ngại rằng Nga đang sử dụng nhiều công cụ khác nhau, từ phương diện kinh tế, tấn công mạng, các chiến dịch đánh lừa thông tin hay việc ủng hộ cho các đảng cánh hữu và phe cánh tả cực đoan để làm suy yếu các nước phương Tây.

Thực hư tổng lực Moscow

Nhưng rốt cuộc, Nga không mạnh đến như vậy. GDP khoảng 1,57 nghìn tỷ USD của họ kém xa Hoa Kỳ và tương đương với một quốc gia châu Âu cỡ trung như Tây Ban Nha. Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, được kế thừa từ Liên Xô hùng mạnh một thời, có cùng đẳng cấp với Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những cải cách quân sự đầy tham vọng trong thập kỷ qua, các lực lượng thông thường của Nga vẫn thua xa quân đội Mỹ về khả năng và sự tinh tế về công nghệ. Với 63 tỷ USD, ngân sách quốc phòng của Nga thua xa so với Mỹ và Trung Quốc, lần lượt đứng ở mức 643 tỷ USD và 168 tỷ USD.

Năng lực của Moscow trong các cuộc xung đột quy mô hạn chế như ở Ukraine và Syria đã trở nên tốt hơn nhưng họ chưa thể triển khai sức mạnh quân sự ra toàn cầu. Mặc dù có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với Trung Quốc và Ấn Độ, Nga không thể dựa vào một mạng lưới liên minh ổn định tương tự như các liên kết mà Mỹ đang châu Âu, Đông Á và nhiều nơi khác.

Các quốc gia ở Đông Âu, như Ukraine, Gruzia và Moldova có định hướng kinh tế và chính trị hướng đến phương Tây. Còn ở Trung Á, Trung Quốc đang ngày càng trở thành một lực lượng trung tâm.

Bản chất chiến lược của Nga là, trích lời cố chính trị gia người Nga Yevgeny Primakov, để "thể hiện tốt với một bàn tay yếu". Trong một số trường hợp, điều này liên quan đến việc khai thác các lỗ hổng của đối thủ. Chính trị nội địa phân cực ở phương Tây đã củng cố bàn tay của Nga. Điều này đã cho phép ông Putin xoay sở hiệu quả hơn trong ván bài "phân tách và chinh phục".

Trong các trường hợp khác, Nga đã được hưởng lợi từ sự linh hoạt. Ví dụ, ở Trung Đông, họ đã hợp tác thành công với tất cả các cường quốc đối kháng lẫn nhau: Iran, Israel, vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd, v.v.

Nhưng một lần nữa, có những giới hạn đối với sức mạnh của Moscow. NATO đang mở rộng, bất chấp sự phản đối từ Nga. Năm nay, Bắc Macedonia chuẩn bị gia nhập liên minh, theo bước chân của Montenegro.

Đồng thời, ông Putin không có nhiều tiến triển ở Ukraine. Cuộc xung đột ở Donbas từ lâu đã rơi vào tình trạng bế tắc trong khi Kiev không chấp nhận đề xuất của Nga về hiến pháp chia sẻ quyền lực.

Hơn nữa, thành công trên trường quốc tế đã đến cùng với nhiều cái giá phải trả. Các lệnh trừng phạt do EU và Mỹ áp đặt vẫn còn đó. Mặc dù - hoặc có lẽ vì - các cử chỉ thân thiện của ông Donald Trump đối với Điện Kremlin, Quốc hội Hoa Kỳ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Cuộc điều tra do ông Mueller dẫn đầu và cáo buộc có sự liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump và Điện Kremlin đã khiến việc hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp thậm chí còn khó xảy ra hơn.

Trong phần lớn thập kỷ qua, những thành công ở nước ngoài đã kéo theo những ảnh hưởng trong nước, khi ông Putin khẳng định được vị thế và sự tín nhiệm của mình. Tuy nhiên, mọi thứ ngày càng khó khăn hơn. Xã hội Nga đang ngày càng tập trung vào những thách thức trước mắt trong nước, như tăng trưởng chưa cao hay việc dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu. Khó khăn còn nhiều và sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với giá dầu biến động, đang làm tăng thêm sóng gió tại Nga.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ