Ông Putin "giăng bẫy", mưu đồ kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO: Không dễ!

Anh Tú | 25-11-2020 - 19:17 PM

(Tổ Quốc) - Giữ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tồn tại một số lợi ích chung nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra xung đột ở những địa bàn khác, chẳng hạn như tại Libya và Syria.

Liên minh Nga - Thổ có thành hiện thực?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng đề cập tới viễn cảnh hòa giải lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ theo mô hình như Pháp và Đức đã làm sau Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, một số cựu quan chức của cả NATO và Nga đều cho rằng việc Moscow muốn lôi kéo và chia tách Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi mối liên minh với phương Tây là ý tưởng chưa thật “chín muồi”.

“Ngày nay, Pháp và Đức đang cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của NATO theo cách mà họ nghĩ là phù hợp”, ông Putin phát biểu trên truyền hình ngày 17/11. “Vậy tại sao chúng ta, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, không thể làm điều tương tự ở đây, tại khu vực Biển Đen?”, ông Putin đặt câu hỏi.

Phát biểu trên của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Moscow cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tham gia một trung tâm quân sự mới do Nga thiết lập ở Azerbaijan tiếp theo thỏa thuận hòa bình với Armenia.

Nga đã xây dựng được các mối quan hệ tích cực với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới những hoạt động chung trong cuộc chiến ở Syria. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cũng đã mua và chính thức phóng thử thành công tên lửa từ hệ thống S-400 của Nga, bất chấp các mối đe dọa từ phía Mỹ.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ từng “uy hiếp” cả tàu chiến Pháp và tàu chiến Hy Lạp trên biển, hành động kiến châu Âu hết sức tức giận.

Ông Putin giăng bẫy, mưu đồ kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO: Không dễ! - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị Năng lượng Thế giới lần thứ 23 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10/2016. Ảnh: Time

Thế nhưng, với tất cả những việc làm trên, theo góc nhìn của Brussels, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể sẵn sàng hy sinh NATO và mối gắn kết của họ với phương Tây để đi theo một hướng mới với Nga.

“Tôi không ủng hộ quan điểm cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang liên minh lại theo cách Ai Cập đã làm khi nước này phá vỡ liên minh với Liên Xô vào những năm 1970 và chuyển sang kết thân với Mỹ. Tất nhiêu, cách làm của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây là ngược lại”, Jamie Shea, cựu quan chức NATO phụ trách các thách thức an ninh mới nổi chia sẻ trên tờ EUobserver.

Shea cho rằng ông Putin đã quá thông minh khi nghĩ rằng ông có thể thuyết phục được Tổng thống Erdoğan tham gia vào một liên minh mới. Thế nhưng, theo Jamie Shea, Thổ Nhĩ Kỳ là một tài sản quá lớn của phương Tây ở Trung Đông nên NATO không thể nào để mất nước này.

Tổng thống Erdoğan quyết định mua S-400 của Nga là để phản đối Mỹ không bán hệ thống phòng thủ Patriot cho Ankara mà thôi. Những lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn có thể né tránh được “vào phút 89”.

Jamie Shea nhận định, chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp tới có thể lại bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara có thể “niêm phong” S400 hoặc bán nó cho một quốc gia nào đó như cách Pháp đã làm vài năm trước đây: Bán tàu chiến Mistral cho Ai Cập khi thương vụ vũ khí với Nga không suôn sẻ.

Theo chuyên gia Jamie Shea, NATO đã quá quen với việc quản lý lâu dài các đồng minh, những nước có thể phải gặp nhiều khó khăn.

“Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có một vai trò lớn hơn trong phạm vi ảnh hưởng cũ của Đế chế Ottoman mà ông Putin coi là phạm vi ảnh hưởng của Nga trong 20 năm qua”, Shea lý giải.

Ông Putin giăng bẫy, mưu đồ kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO: Không dễ! - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thứ hai bên phải và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2019 ở Zhukovsky, ngoại ô Moscow. Ảnh: AP

Chỉ là mối quan hệ "thuận vua, vừa bán"!

Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cũng chia sẻ cùng quan điểm trên khi nói rằng sẽ “không có liên minh nào giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ” và tham vọng của ông Putin về quan hệ với Tổng thống Erdoğan chỉ giới hạn trong phạm vi “chính trị thực dụng” tại khu vực.

“Ông Putin quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc đang nổi lên trong khu vực, sẽ hợp tác khi các lợi ích đủ gần, đồng thời cố gắng quản lý những khác biệt, không để chúng biến thành xung đột”, ông Dmitri Trenin, người từng là cựu đại tá tình báo Quân đội Nga bình luận.

Nhận xét về thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây ở Nam Caucasus, ông Trenin cho rằng: “Sự hợp tác ở Nagorno-Karabakh sẽ tạo ra một môi trường tốt hơn cho mối tương tác trên diện rộng. Thiếu sự hợp tác ở đây có thể làm xấu đi mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều mặt trận khác. Tuy nhiên, mỗi tình huống được giải quyết dựa trên những giá trị riêng của nó”.

Ông Trenin cũng nói rằng “lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khác nhau và thậm chí xung đột ở những địa bàn khác, chẳng hạn như tại Libya và Syria. Người Nga có thể đối phó với bất kỳ ai dựa trên nền tảng chính trị thực dụng”.

Nhà phân tích Asli Aydıntaşbaş thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) chia sẻ quan điểm tương đồng:

“Thực hiện các thỏa thuận giải quyết xung đột bằng cách bắt tay khiến ông Putin và Tổng thống Erdoğan cảm thấy dễ chịu theo cách mà bạn không bao giờ có thể làm với một nhà lãnh đạo châu Âu. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ chỉ mang tính giao dịch, thuận mua vừa bán”.

Trong khi đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có ý nghĩa quá lớn khiến NATO không thể buông tay thì tiền của phương Tây cũng quá lớn để ông Erdoğan không thể bỏ qua.

Phương Tây cần các căn cứ radar và thông tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ về các chiến binh thánh chiến Trung Đông, nhưng ông Erdoğan cũng cần sự đầu tư của phương Tây, hoặc hơn thế nữa, trang trải cho khoản nợ của mình.

“Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, kinh tế châu Âu, vì vậy hơn bất cứ điều gì, họ cần vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ông Putin không phải là nhà tài trợ khả thi cho Tổng thống Erdoğan”, nhà nghiên cứu Aydıntaşbaş lập luận.

“Nga là quốc gia có nền kinh tế cỡ trung bình, dù họ có sức mạnh quân sự. Nước này chưa thể đạt tới vị trí tiệm cận một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, còn nhu cầu kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì lại quá lớn”.

Video ghi lại cảnh Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống radar của S-400

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM