• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Putin “giấu” gì trong thỏa thuận Syria vừa lòng cả Iran và Israel?

Thế giới 19/09/2017 16:32

(Tổ Quốc) - Điều tưởng như không thể thành sự thật vẫn có thể xảy ra nếu ông Putin đưa ra được một thỏa thuận khiến cả Iran và Israel hài lòng.  

Nhiều nguồn tin cho biết, Moscow đang lên kế hoạch đề xuất một quy định, theo đó, các quốc gia bên ngoài không được phép biến Syria thành một một “bệ đỡ” để tấn công các quốc gia láng giềng.

Tờ Haaretz của Israel đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm kiếm một giải pháp tại Syria mà có thể làm vừa lòng cả Israel và Iran. Haaretz nhận định, điều này trong mắt Israel là không tưởng, nhưng lại hoàn toàn có ý nghĩa đối với Moscow.

Hai năm sau khi Nga tiến hình chiến dịch không kích đầu tiên tại Syria, giờ đây tương lai của quốc gia Trung Đông đang phụ thuộc không ít vào các quyết định từ Điện Kremlin. Trong khi chính quyền Obama từ chối giữ một vai trò quan trọng tại Syria và chính quyền Trump còn chưa hoàn thiện một chính sách rõ ràng cho khu vực này – Nga đã bước lên sân khấu và kịp thời lấp đầy khoảng trống.

“Ông Putin không muốn đánh mất bất kỳ Iran hay Israel”

Theo Haaretz, tháng 9/2015, sau khi nhận ra quyết tâm của Nga muốn giữ vị trí chủ đạo trong vấn đề Syria, Thủ tướng Israel Netanyahu đã bay đến Moscow để gặp gỡ Tổng thống Putin. Kết quả của chuyến đi là “một cơ chế giảm xung đột” được thiết lập giữa Israel và không lực của Nga, bao gồm cả một đường dây nóng giữa Trung tâm chiến dịch Nga và trụ sở Các lực lượng phòng thủ của Israel tại Tel Aviv.

Tin tức Israel không kích vào các mục tiêu Hezbollah tại Syria, ngay cả trong khu vực do không lực Nga kiểm soát - tiếp tục hiện diện trên báo chí quốc tế. Hầu như không có bất kỳ phản ứng chính thức nào xuất hiện từ Điện Kremlin. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Putin vẫn có các cuộc gặp gỡ và điện đàm thường xuyên.

Cờ Syria và Hezbollah trên một chiếc xe quân sự tại Syria

Cùng lúc, Nga vẫn phát triển quan hệ với Iran và lực lượng thân cận của Tehran là Hezbollah. “Ông Putin không muốn đánh mất bất kỳ Iran hay Israel,” Andrey Kortunov, tổng giám đốc của Hội đồng các vấn đề đối ngoại Nga – một tổ chức nghiên cứu uy tín tại Moscow, được thành lập bởi Văn phòng Tổng thống Nga từ 6 năm trước, nói. “Có một sự tôn trọng lẫn nhau giữa ông Putin và ông Netanyahu, và Nga có một thái độ đặc biệt trước các hành động quân sự của Israel tại Syria; đồng thời [Nga] đã cảnh báo Assad và Hezbollah không được tiến hành trả đũa.”

Tuần trước, ông Kortunov đã có bài phát biểu đại diện cho lập trường của Nga tại Diễn đàn chiến lược châu Âu thường niên Yalta tổ chức tại Kiev.

Ông nhấn mạnh cách Tổng thống Putin đã đưa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại gần với nhau như thế nào trong các cuộc hòa đàm về Syria tại Astana. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận việc chính quyền Assad tiếp tục tồn tại và đang hợp tác với Iran trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc đối phó với những nỗ lực giành độc lập của người Kurd tại Iraq.

Nước Nga cũng đã kết nối Jordan và Saudi nhằm đặt dấu chấm hết cho sự ủng hộ của hai nước này với các lực lượng đối lập tại Syria. Và giờ đây, ông Putin có đủ tự tin khi nghĩ rằng, mình có thể đưa ra một thỏa thuận giữa Israel và Iran.

Theo Haaretz, một số người trong các cơ quan an ninh và tình báo của Israel cho rằng, mối quan hệ Nga – Iran có thể bị chia rẽ. Tuy nhiên, điều này gần như là không tưởng. “Iran đã cung cấp quân lính thực địa cho ông Putin tại Syria,” một nhà ngoại giao phương Tây, người từng có nhiều năm làm việc với phía Nga nói với Haaretz. “Ông Putin không thể từ bỏ việc đó.”

Một nhà báo lâu năm tại Moscow giải thích: “nhờ vào Iran, người Nga đã có thể hoạt động tại Syria mà không gặp nhiều thương vong.” Điều này đã giúp chiến dịch Syria nhận được sự ủng hộ của người dân Nga.

Nga – Iran: không hoàn toàn gặp nhau, nhưng cũng sẽ không từ bỏ

Tất nhiên, vẫn có những nốt lặng tồn tại trong quan hệ Nga và Iran. Tổng thống Putin không muốn cộng đồng người Sunni tại Trung Đông, cũng như hàng triệu người Hồi giáo Sunni tại Nga, coi mình là người “mở lối” để Iran xây dựng “đế chế người Shia” trên toàn khu vực. Ngoài ra, Moscow cũng từ chối lời yêu cầu của Iran được sử dụng chung cảng hải quân Tartus. Mặc dù hiện nay người Nga đang toàn quyền sử dụng cảng này, nhưng chính phủ hai bên vẫn chưa ký kết một thỏa thuận lâu dài (một thỏa thuận tương tự đã có hiệu lực đối với căn cứ không quân Khmeimim gần Latakia.) Nguyên nhân được cho là do Iran đã gây sức ép với chính quyền Assad nhằm giành quyền “chia sẻ” sự hiện diện tại Tartus.

Quân đội Nga phân phát hàng viện trợ tại Syria

Gần đây, Nga cũng đã từ chối giúp đỡ các lực lượng do Iran “chống lưng” trong các cuộc đụng độ với những tay súng người Kurd (được Mỹ ủng hộ) tại Thung lũng Euphrates, phía đông Syria, hoặc khi bị máy bay Mỹ tấn công. Tuy nhiên, cho dù lợi ích Nga và Iran không phải lúc nào cũng gặp nhau, cũng như việc trong quá khứ, cả hai nước từng là đối thủ địa chính trị - điều này không có nghĩa là Điện Kremlin sẽ từ bỏ đồng minh Iran trong thời gian gần.  

Theo các nguồn tin tại Moscow, ông Putin sẽ trao đổi với ông Netanyahu về đề xuất không một quốc gia nào được phép sử dụng Syria để tấn công các nước láng giềng. Đề xuất này sẽ không đi xa đến mức như Israel yêu cầu là Iran không được hiện diện lâu dài tại Syria. Tuy nhiên, nếu trở thành hiện thực, nó có thể sẽ hạn chế việc Iran được thiết lập các căn cứ không quân và tên lửa tại đây. Haaretz dự đoán, ông Netanyahu gần như chắc chắn sẽ không chấp nhận quy định trên một cách công khai, nhưng bên trong, Israel cũng không còn quá nhiều lựa chọn.

Tổng thống Nga có thể sẽ tôn trọng Thủ tướng Netanyahu và năng lực quân sự của Israel. Điện Kremlin có thể vẫn tiếp tục “mắt nhắm mắt mở” trước các chiến dịch dội bom, được cho do Israel tiến hành tại Syria, nhưng Moscow cũng sẽ không từ bỏ binh lính của Iran trên chiến trường.

(Theo Haaretz)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ