• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ông Tây” nặng lòng với di sản văn hóa Việt Nam

Văn hoá 02/08/2017 15:00

(Tổ Quốc) - 10 năm ở Việt Nam vì yêu mến mảnh đất, con người, văn hóa Việt, “ông Tây” Réhahn đã đặt chân đến mọi miền của dải đất hình chữ S và lưu giữ những hình ảnh hiếm về con người, văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Để chụp được một bức ảnh, Réhahn bỏ ra vài ngày tiếp cận, sinh sống cùng nhân vật

Bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” gồm 35 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn tái hiện sinh động và đa dạng cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam. Những bức chân dung nổi tiếng của anh về hình ảnh cụ bà, trẻ con đại diện cho các dân tộc từ nhóm có hàng trăm ngàn người đến nhóm vài trăm người, như người Ơđu, Rơmăm. Réhahn cho biết, những hình ảnh về văn hóa, con người cộng đồng các dân tộc Việt Nam với đậm chất văn hóa truyền thống của dân tộc của họ sẽ dần mai một trong xu thế phát triển chung và anh muốn lưu giữ những hình ảnh đó lại, như một di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. Đó cũng là lý do mà bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” ra đời.

Cảnh báo về nguy cơ mai một di sản

Rehahn là một tay máy có tiếng trong giới nhiếp ảnh du lịch thế giới với những khoảnh khắc nhiếp ảnh đầy cảm xúc và chiều sâu, phản ánh tâm hồn của cả người chụp và người được chụp. Tình yêu dành cho nhiếp ảnh đã đưa Réhahn đến với hơn 35 quốc gia, để rồi cuối cùng anh lựa chọn Hội An là nơi gắn bó dài lâu.

Trong vòng 10 năm ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Rehahn đã đi đến khắp các vùng miền để chụp hình các dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống và nơi sinh sống đặc trưng của họ.

Nhiếp ảnh gia Réhahn: Tôi muốn những bức ảnh, những trang phục này vẫn được bảo tồn tại Hội An, tôi muốn khi đó tặng bộ sưu tập này lại cho Việt Nam

Réhahn cho biết, khi đến với các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam, anh nhận thấy nhiều vùng đồng bào không nói được tiếng phổ thông, hẻo lánh, khó khăn, nhưng cũng có những vùng đồng bào phát triển, không còn trang phục truyền thống, không còn nhiều văn hóa đặc trưng của họ. Qua trò chuyện với những người già của các cộng đồng dân tộc, anh chia sẻ với họ nỗi buồn về việc người trẻ không còn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống: không mặc trang phục dân tộc, không nói tiếng dân tộc mình…và Réhahn mong muốn, những hình ảnh mình ghi lại sẽ phần nào lưu giữ những giá trị di sản đang dần mai một qua đó cũng thôi thúc các bạn trẻ yêu hơn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Các nhân vật chụp trong ảnh của Réhahn đều mặc trang phục truyền thống, tất cả thể hiện phong tục tập quán và những kiến thức cổ xưa được truyền từ đời này sang đời khác, sự thách thức trong việc gìn giữ và niềm hy vọng những giá trị ấy sẽ sống mãi trong cộng đồng. Bộ sưu tập ảnh “Di sản vô giá” nâng tầm vẻ đẹp và niềm tự hào của những cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo nên một bức khảm đẹp về con người Việt Nam.

Réhahn tin rằng: “Cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các dân tộc là thúc đẩy họ vươn ra bên ngoài, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục tập quán của cộng đồng. Đôi khi, chúng ta chỉ nhận ra những giá trị mình đang có qua cách nhìn của người khác ".

Cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người

 

Bộ sưu tập của Việt Nam

Ngoài các bức ảnh chân dung khổ lớn của người dân tộc mặc trang phục truyền thống của họ, bộ sưu tập “Di sản quý giá” còn có những trang phục truyền thống và các hiện vật gắn với đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. “Không biết tương lai 10 năm hay 20 năm nữa ra sao, nếu ngày mai tôi chết đi hay là không ở Việt Nam nữa, tôi muốn những bức ảnh, những trang phục này vẫn được bảo tồn tại Hội An, tôi muốn khi đó tặng bộ sưu tập này lại cho Việt Nam”, nhiếp ảnh gia Réhahn chia sẻ.

Trong hành trình đi sáng tác nghệ thuật để thực hiện được những bức chân dung độc đáo anh đã trải qua nhiều thử thách. Có những vùng đồng bào dân tộc không cho “ông Tây” đến như vùng Sa Thầy (Kon Tum). Anh phải mất hơn 3 năm để tiếp cận, thân thiết với đồng bào dân tộc ở đây. Để có được một bức ảnh ưng ý, Réhahn phải bỏ thời gian sinh sống, thân thiết với đồng bào, cùng chia sẻ, đồng cảm với họ. “Nhiều trường hợp ban đầu người ta không cho tôi chụp. Tôi phải tiếp cận, chia sẻ một phần văn hóa của họ. Tôi cùng ăn cơm, trò chuyện, uống rượu khi ngồi phệt xuống đất, hút thuốc lào bằng tẩu… với đồng bào. Có những bức ảnh, tôi phải ở cùng nhân vật 3, 4 ngày mới chụp được, nắm được thần thái nhân vật”- Réhahn cho hay.

Những bức ảnh, bộ sưu tập “Di sản vô giá” sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày 2/8/2017 đến hết ngày 1/10/2017, tại tầng 2 trong tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

PGS.TS. Võ Quang Trọng- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Trưng bày Di sản vô giá thêm một cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người. Qua ống kính của  nhiếp ảnh gia người Pháp, các bức chân dung nổi tiếng được Réhahn thực hiện luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc, khiến người xem thích thú và tràn đầy niềm tự hào”./.

 

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ