• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải dừng hệ trung cấp, Nhạc viện và trường Múa kêu cứu

Giáo dục 28/07/2020 14:33

Không được phép đào tạo trình độ trung cấp, cả Học viện Múa Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia đang kêu cứu vì những xáo trộn rất lớn trong công tác đào tạo.

Vừa được nâng cấp lên Học viện một năm, chưa được đào tạo trình độ đại học, thế nhưng Học viện Múa Việt Nam (trước đây là Trường CĐ Múa Việt Nam) lại nhận được văn bản đề nghị phải dừng đào tạo trình độ trung cấp.

Lý do là bởi trước kia, Luật Giáo dục Nghề nghiệp cho phép các trường đại học được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với điều kiện được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép. Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nữa.

Điều này khiến các trường đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Trần Văn Hải, Quyền giám đốc Học viện, cho biết đặc thù của ngành nghệ thuật nói chung, ngành múa nói riêng phải đào tạo từ khi 6-10 tuổi. Học viên học từ trình độ sơ cấp đến trung cấp rồi mới đến trung cấp chuyên nghiệp. Do đó, diễn viên múa cần phải học ít nhất từ 3-7 năm mới có thể theo đuổi nghề.

Giờ đây, “đứt” mất khâu trung cấp, theo ông Hải là một vấn đề nghiêm trọng.

“Không thể có khái niệm "đào tạo đại học diễn viên múa" được vì sau 18 tuổi, cơ thể đã cứng rồi. Quy trình đào tạo diễn viên tài năng phải bắt đầu uốn nắn, rèn luyện từ nhỏ. Khi đó, cơ thể của người học còn mềm mại thì mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như độ dẻo, độ mở của khớp xương hông”, ông Hải chia sẻ.

Phải dừng hệ trung cấp, Nhạc viện và trường Múa kêu cứu - Ảnh 1.

Trường nghệ thuật kêu cứu vì phải dừng đào tạo hệ trung cấp

Ông Hải cho biết Trường CĐ Múa Việt Nam được nâng lên Học viện Múa Việt Nam để nghiên cứu, đào tạo đại học chứ không có nghĩa cắt bỏ hoàn toàn bậc trung cấp.

“Nếu cắt bỏ đi thì nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ở đâu? Hơn nữa, hiện tại với bậc đại học trường chưa được đào tạo, nếu bậc trung cấp cũng không được đào tạo nữa thì trường sẽ ra sao? Gần 100 cán bộ, giảng viên chỉ chuyên đào tạo trung cấp, họ sẽ về đâu? Giờ đây, chúng tôi đang rất hoang mang”, ông Hải nói.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện, cho biết những thay đổi này đã khiến trường rơi vào thế khó.

“Trong suốt 64 năm nay, hệ trung cấp vẫn tồn tại cùng với lịch sử nhà trường kể từ khi thành lập. Thế nhưng, khi luật thay đổi, nếu tiếp tục chúng tôi bỗng chốc trở thành đào tạo “chui”.

Song cũng không thể dừng lại vì đặc thù của ngành nghệ thuật vốn mang tính chuyên sâu, đòi hỏi phải tuyển chọn khắt khe, lâu dài, có sự sàng lọc và đào thải. Do đó, hệ trung cấp tuỳ theo từng loại hình âm nhạc cần phải đào tạo từ 6-9 năm”.

Muốn có cơ chế riêng

Chính vì những lẽ trên, ông Tuấn cho rằng các trường nghệ thuật đang đứng trước hai làn đường mà không biết nên chọn lối đi nào cho phù hợp.

Theo ông Tuấn, việc phân luồng là một hướng đi đúng đắn, nhưng không thể vì thế mà xếp các ngành nghệ thuật - vốn cần từ 6-9 năm đào tạo - cùng với các ngành học vốn chỉ đòi hỏi vài tháng đến 2 năm.

“Chúng tôi mong muốn có một cơ chế riêng với hệ trung cấp tài năng, năng khiếu đặc thù”, ông Tuấn nói và khẳng định sẽ rất sai lầm nếu bỏ đi hệ trung cấp của các ngành nghệ thuật.

“Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm, học sinh hệ trung cấp của Học viện đã mang về khoảng 50 giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ ở tầm khu vực và thế giới. Điều này đã chứng minh việc đào tạo hệ trung cấp là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Do đó, tới đây nếu không tuyển hệ trung cấp nữa, không đầu tư lâu dài nữa, chúng ta sẽ mất đi một nguồn tài năng”.

Ông Tuấn cũng cho biết Học viện đã có phương án riêng. Tuy nhiên, đây là một đề án tốn kém, dài hơi và cần có quá trình để chuyển đổi.

"Học viện đã có báo cáo trình Chính phủ, trong đó kiến nghị về giải pháp nhằm đáp ứng được cả hai Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Đó là tới đây, nếu được phép, Học viện sẽ có một quá trình chuyển đổi thành hệ đào tạo dự bị đại học 3 năm.

Đây không phải là hệ trung cấp, mà trong khóa dự bị đại học 3 năm này, có những em chỉ cần 1 hay 2 năm là có thể lên đại học được, nhưng tối đa vẫn phải là 3 năm dự bị".

Còn đối với Học viện Múa Việt Nam, ông Trần Văn Hải cho rằng hiện nay luật và thực tế cuộc sống đang không song hành.

"Những học viên năm nay học xong trung cấp trường cũng không thể cho liên thông, vì như thế là vi phạm luật. Chúng tôi đang tìm mọi cách tạo điều kiện cho các em bằng việc liên kết với các trường cao đẳng khác. Tuy nhiên, học tiếp hay không còn phụ thuộc vào học viên và phụ huynh".

Đại diện lãnh đạo cả hai trường đều bày tỏ mong muốn có sự đặc cách để các trường đặc thù, chuyên sâu vẫn được tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong thời gian tới và có lộ trình chuyển đổi dần dần.

"Trong thời điểm hiện nay và cho đến 10 năm nữa, mô hình này vẫn đang phát huy hiệu quả thì không lý gì chúng ta lại xóa bỏ đi", ông Tuấn nói.

Theo: Thúy Nga/Vietnamnet

NỔI BẬT TRANG CHỦ