• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Phải làm sao để nói đến may đo áo dài, người ta nghĩ ngay đến Huế"

Văn hoá 21/04/2020 22:10

(Tổ Quốc) - Đó là một trong những kết luận của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế tại cuộc họp bàn về xây dựng Đề án "Ngày hội áo dài Huế" trong Festival Huế 2020 và Festival bốn mùa vừa được tổ chức với các đơn vị liên quan.

Tại cuộc họp, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho hay, ngày nay, chúng ta có áo dài là có công rất lớn của người khai sáng chúa Nguyễn Phúc Khoát. Huế có thể xem như là quê hương của áo dài. Trong thế kỷ 20, trước năm 1945 thì gần như mọi người Huế đều mặc áo dài. Phụ nữ Huế thì mang áo dài đi chợ, đàn ông mang áo dài tại các nghi lễ.

Do đó, áo dài là một trong những di sản quý của Huế, đề án này nhằm mục đích giữ gìn những di sản của Huế phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng "Thừa Thiên Huế là một đô thị di sản đặc thù của Việt Nam, là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản".

"Phải làm sao để nói đến may đo áo dài, người ta nghĩ ngay đến Huế" - Ảnh 1.

Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu của đề án "Ngày hội Áo dài Huế" cũng nhằm đổi mới hoạt động Festival Huế theo hướng tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật, trình diễn mang tính cộng đồng,... Đặc biệt là đưa hoạt động "Ngày hội áo dài Huế" trở thành hoạt động thường niên trong Festival 4 mùa, nhất là tạo điểm nhấn tại các kỳ Festival.

Bàn về vấn đề này, nhiều thành viên có mặt tại buổi họp cũng đánh giá cao về mục đích cũng như ý nghĩa của việc xây dựng đề án.

Theo ông Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn Học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, áo dài là chuẩn mực về ăn mặc của xứ Đàng Trong. Sự ra đời của áo dài là chủ trương cải tổ triều phục, là trang phục chính thức, vậy nên chương trình hưởng ứng Ngày hội áo dài Huế cần làm sống lại các chuẩn mực văn hóa áo dài.

Trong thời gian tới, cần phải có các chương trình giới thiệu cho được lịch sử áo dài, những cuộc thi hoa khôi áo dài, thi thiết kế áo dài tổ chức thường niên. Việc đàn ông Huế mang áo dài vào những dịp lễ hội và tại một số khu vực cũng nên được nghĩ đến.

"Phải làm sao để nói đến may đo áo dài, người ta nghĩ ngay đến Huế" - Ảnh 2.

Chương trình "Lễ hội áo dài" được tổ chức tại các kỳ Festival Huế.

Trong khi đó, Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đánh giá, Huế là một trong những nơi mà các nhà thiết kế áo dài, may áo dài truyền thống rất nhiều.

Ông Hằng góp ý, cần phải thành lập một hiệp hội những người may, sưu tầm, lưu giữ áo dài, quy tụ những người thợ may giỏi. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần kết nối những người có công trong phục dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa áo dài Huế. Đồng thời đề xuất cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đơn vị, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, Huế vùng đất văn hóa truyền thống và áo dài Huế đã thực sự trở thành trang phục nổi tiếng của vùng đất Cố đô xưa. Áo dài đã được phụ nữ Huế sử dụng như một trang phục thường xuyên, tôn lên vẻ đẹp riêng có cho người con gái Huế.

Gần đây áo dài Huế dần dần được hồi sinh với diện mạo mới qua các hoạt động, các lễ hội, và cả trong môi trường làm việc của cán bộ công chức, viên chức và người lao động nữ trên địa bàn tỉnh. Do đó, đề án "Ngày hội Áo dài Huế" nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế. Đây là nội dung quan trọng của Festival Huế 2020, là cơ sở xây dựng đề án Huế Kinh đô áo dài.

"Phải làm sao để nói đến may đo áo dài, người ta nghĩ ngay đến Huế" - Ảnh 3.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Qua nhiều lần góp ý từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa, nhà thiết kế và các chuyên gia, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế đánh cao ý tưởng hình thành đề án của Sở Văn hóa và Thể thao đồng thời nhấn mạnh "Ngày hội Áo dài Huế" cần có nét đặc trưng riêng, với mục tiêu đạt được phải khác biệt. Cần chú trọng đến việc tôn vinh người có công "ông tổ áo dài", tổ chức các hoạt động áo dài hướng đến không gian tự nhiên, cộng đồng, tạo hình ảnh thương hiệu của áo dài Huế xứng đáng là chiếc nôi, là kinh đô của áo dài của Việt Nam.

"Việc tổ chức các hoạt động "Ngày hội áo dài Huế" phải phát huy được thế mạnh bản sắc văn hóa Huế, qua đó làm tăng hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa- du lịch và góp phần khẳng định áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam.

Cần phải đưa hoạt động này thành hoạt động thường niên, làm sống dậy, tôn vinh áo dài Huế. Làm sao khi nói đến may đo áo dài người ta nghĩ ngay đến Huế và đến Huế để may, sắm áo dài", ông Thọ nói.

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ