• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải triệt tiêu những “con sâu” đang đục khoét, phá hoại đất nước

Thời sự 22/03/2019 07:15

(Tổ Quốc) - "Không phải ai cũng tham nhũng được mà chỉ có những người có vị trí, có quyền hạn thì mới có quyền ký...Phải triệt tiêu những “con sâu” đang đục khoét, phá hoại đất nước", bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng chia sẻ quan điểm.

Phải triệt tiêu những “con sâu” đang đục khoét, phá hoại đất nước  - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị An (Nguồn: Dân Việt)

Thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý vì lợi dụng chức quyền để tham nhũng, gây thiệt hại cho đất nước. Ngay sáng 21/3, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử ông Từ Thành Nghĩa – nguyên TGĐ Vietsovpetro và đồng phạm về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trước vấn đề gây nhức nhối dư luận này, bà Bùi Thị An đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc:

-Ngày 21/3, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử ông Từ Thành Nghĩa – nguyên TGĐ Vietsovpetro và đồng phạm về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trước đó chỉ vài ngày, dư luận cũng quan tâm tới vụ việc khởi tố phó TGĐ Tổng Cty Thăm dò khai thác dầu khí... Cùng với hàng loạt những vụ việc đưa ra toà trong năm 2018, bà nhận định như thế nào khi tham nhũng cứ lừng lững như sóng thần đang dâng ngày càng cao?

+ Trung ương đã ra quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí nhưng phải nói rằng trong thời gian qua có khá nhiều vụ việc sai phạm xảy ra đối với những người có chức vụ, quyền hạn.

Trước hết cần phải nói rằng, công tác tuyển dụng, đề bạt và quản lý cán bộ của chúng ta yếu. Để xảy ra như vậy là do chúng ta bổ nhiệm, đào tạo sai, quản lý kém. Đáng lẽ những sai trái của các cá nhân này phải được phát hiện ra từ lâu chứ không phải kéo dài cho đến nay. Điều này cũng để thấy rằng, vị trí cán bộ trong giai đoạn tới là vô cùng quan trọng, đặc biệt là việc chuẩn bị cho công tác cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian này, tôi cho rằng, các cơ quan nên rà soát công tác cán bộ theo phân cấp quản lý để tìm xem những gì còn đang âm ỉ chưa phát hiện ra, từ đó làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Tôi cho rằng, để chuẩn bị cho công tác cán bộ Đại hội XIII thì dịp này phải rà soát luôn để lựa chọn cán bộ cho những vị trí trọng yếu của địa phương cũng như các ngành, chứ nếu không sẽ rất khó khăn và sẽ lặp lại tình trạng tham nhũng, hết chỗ này lại "bục" ra chỗ khác.

Chỉ khi nào làm công tác cán bộ thật tốt, tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý cán bộ thật tốt thì mới hạn chế được tình trạng tham nhũng.

-Tham nhũng ở Việt Nam là một vòng tròn khép kín, từ lúc bắt đầu vẽ ra một dự án cho tới lúc hoàn thành đều có hàng chục, hàng trăm con người liên quan tìm cách chia chác ngân sách nhà nước. Bà có cùng quan điểm này không?

+ Việc phát hiện ra tham nhũng được ví như những vệt bục từ chỗ bị mưng mủ cũ. Tôi cho rằng bây giờ vẫn có những người đang tiếp tục âm mưu tham nhũng bằng việc lợi dụng những kẽ hở trong luật pháp của chúng ta. Chính phủ đã "ra" đầy đủ các luật như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... Tuy nhiên, tôi cho rằng, đi cùng với đó thì cụm từ "minh bạch" phải được áp dụng từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và đối với mọi lĩnh vực.

Ví như đối với việc đấu thầu các dự án thì như thế nào? Giá bao nhiêu? Năng lực, tiềm năng của chủ đầu tư thế nào? Thời hạn và tiêu chí thế nào?... Phải làm rõ những điều này để dân có thể giám sát. Trong tất cả mọi lĩnh vực từ công tác cán bộ đến công tác đầu tư công... đều phải làm rõ.

Như chủ trương BOT, chủ trương xã hội hoá là đúng nhưng cuối cùng tổ chức sai dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Cho nên, cụm từ "minh bạch" phải được áp dụng trong mọi lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng. Nếu không minh bạch thì cứ mãi nhập nhèm, tranh tối tranh sáng dẫn tới "đục nước béo cò, đục nước thả câu", lợi dụng kẽ hở luật pháp để tham nhũng.

Phải triệt tiêu những “con sâu” đang đục khoét, phá hoại đất nước  - Ảnh 2.

Phiên xử bị cáo Từ Thành Nghĩa (phải) và Võ Quang Huy sáng nay. (Nguồn: Pháp luật TPHCM)

Tôi cho rằng, không phải ai cũng tham nhũng được mà chỉ có những người có vị trí, có quyền hạn thì mới ký giao đất, ký giao nhà, ký dự án...

 Phải minh bạch thì dân mới giám sát được, để những "con sâu" không tiếp tục đục khoét được nữa.  

-Đầu năm 2019, trong trả lời phỏng vấn TTXVN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: Chống tham nhũng không chỉ là cao trào, càng không thể chững lại. Bởi đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những "ung nhọt" trong nội bộ mình rất đau xót nhưng vẫn phải làm, kiên quyết, kiên trì bền bỉ... Bà bày tỏ tin tưởng vào sự quyết liệt trong phòng chống tham nhũng của người đứng đầu cuộc chiến này như thế nào?

+ Tôi chia sẻ với Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đồng tình rằng cuộc đấu tranh này vô cùng cam go, phức tạp vì phải "đánh" vào nội bộ mình. Vì thế, nếu người đứng đầu có đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh, tấm lòng vì dân vì nước thì sẽ làm được, dù rất khó khăn. Dù sao đi nữa thì chúng ta cũng phải triệt tiêu, triệt hạ những "con sâu" đang đục khoét, phá hoại đất nước.

Tôi tin vào sự quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong trận chiến chống tham nhũng, dù cuộc chiến sẽ còn kéo dài trong năm nay hay năm sau nữa. Và cũng như tôi, toàn dân sẽ ủng hộ cuộc chiến này.

-Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ