• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus

Thời sự 13/12/2019 16:45

Chiều 12/12 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Minsk của Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova và Chủ tịch Hạ viện Belarus Vladimir Andreichenko.

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova - Ảnh: TTXVN

Tại các cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Belarus được kế thừa truyền thống tốt đẹp từ thời Liên bang Xô Viết; cảm ơn sự ủng hộ to lớn và quý báu của nhân dân Belarus dành cho Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển Tổ quốc ngày nay và sự giúp đỡ đó đã trở thành nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Belarus không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao việc hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc (LHQ).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự phối hợp, ủng hộ của Belarus dành cho Việt Nam tại cơ chế hợp tác đa phương như LHQ (Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng kinh tế-xã hội LHQ nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021, Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021) và Phong trào Không liên kết.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh hợp tác giữa các địa phương của hai nước với việc nhiều địa phương đã ký kết Thỏa thuận hợp tác như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Minsk, Đà Nẵng với Grosno, Quảng Ninh với Minsk, Grosno và Brest với Hải Phòng, Bình Thuận với Vichebsk, Lào Cai với Brest; mong muốn Thượng viện Belarus và Quốc hội Việt Nam phối hợp thúc đẩy các tỉnh này có kế hoạch và chương trình hợp tác cụ thể để triển khai trong thời gian tới.

Nhất trí với nhận định của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 500 triệu USD trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Trong đó, hai bên cần tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại, nhất là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Belarus có nhu cầu như: Hàng dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản, dược phẩm, máy tính, gạo…; tập trung, trao đổi thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản có thế mạnh và bổ trợ lẫn nhau; tìm thêm cơ hội, khả năng hợp tác mới, nghiên cứu xem xét khả năng ký kết các thỏa thuận hợp tác... Hai bên cần khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu; thúc đẩy phổ biến thông tin về các ưu đãi của Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm mở rộng cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Belarus - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Belarus là đối tác truyền thống, tin cậy của Việt Nam trong triển khai hợp tác quốc phòng-an ninh; đề nghị hai bên tiếp tục duy trì hợp tác hiệu quả và với độ tin cậy cao, trao đổi đoàn các cấp, triển khai tốt Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn 2016-2020 và tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Thượng viện và Hạ viện Belarus đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Belarus ổn định cuộc sống và hòa nhập với xã hội sở tại. Cộng đồng người Việt Nam tại Belarus đã và sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai nước.

Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam mong Belarus tiếp tục ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các hình thức hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của mỗi nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống khủng bố, di cư trái phép…

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Belarus Vladimir Andreichenko - Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội, lượng khách du lịch Belarus đến Việt Nam tăng nhanh từ sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus (nằm trong số 40 nước được Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử từ 1/2/2017), mong phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo; mong muốn Belarus xem xét khả năng miễn học phí và cấp học bổng trong thời gian một năm học dự bị tiếng cho các sinh viên Việt Nam theo học tại các cơ sở đào tạo ở Belarus như đã được thực hiện trước đây.

Về phần mình, Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova bày tỏ tin tưởng, chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên tầm cao mới. Bà cho biết Belarus luôn dõi theo sự phát triển của Việt Nam và vui mừng khi kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Theo Chủ tịch Thượng viện Belarus, những thành tựu của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Belarus, nhất là triển khai nhiều dự án, hợp tác kinh tế, đưa quan hệ chính trị lên tầm cao mới.

Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova cho rằng, quan hệ kinh tế thương mại song phương chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; mong muốn hai bên nỗ lực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Bà nhận định hai bên có cơ sở để tăng cường quan hệ trên mọi lĩnh vực và khẳng định Quốc hội Belarus sẽ làm hết sức để quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội và giữa hai nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Bà Natalia Kochanova khẳng định, Belarus luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế trên cơ sở hai bên cùng có lợi và có tính đến quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Thượng viện Belarus cho biết, Tổng thống Belarus đã có thông điệp rất rõ ràng về vấn đề này.

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Belarus - Ảnh: TTXVN

Tại hội đàm, các nhà lãnh đạo đánh giá cao hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Belarus coi Việt Nam là đối tác chiến lược, là cầu nối giúp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với khu vực Đông Nam Á. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt. Ủy ban Hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam-Belarus vừa tiến hành khóa họp lần thứ 11 vào tháng 9/2019 tại Hà Nội. Hai bên nhất trí cần làm cho liên doanh giữa các doanh nghiệp hai nước tiếp cận được với thị trường châu Á và châu Âu. Cùng với hợp tác kinh tế, hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, tổ chức Ngày Belarus tại Việt Nam vào năm 2021...

Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, hai bên cần tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Belarus có nhu cầu như hàng dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản, dược phẩm, máy tính, cũng như những lĩnh vực Belarus có thế mạnh như phân bón, máy móc, thiết bị, phụ tùng ô tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất…

Trao đổi về hợp tác giữa Quốc hội/Nghị viện hai nước, các nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Belarus không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua. Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và đoàn ủy ban chuyên môn; thường xuyên tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, các nhà lãnh đạo nhất trí hai cơ quan lập pháp hai nước tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực; tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Belarus ký tháng 4/2009 và phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như IPU và các tổ chức liên nghị viện khác. Hai bên phối hợp rà soát, giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký giữa Chính phủ và các bộ, ngành hai nước để các hiệp định này được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai nước đang hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác lâu dài trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết, trong đó có Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn 2016-2020; phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự.

Chủ tịch Hạ viện Belarus Vladimir Andreichenko cho rằng Quốc hội hai nước cần đóng vai trò tích cực hơn nữa để bổ trợ cho những hợp tác này, ngài Vladimir Andreichenko đưa ra ý kiến hai bên có thể thúc đẩy sự tham gia của các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ vào các hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và Belarus vì khi các đại biểu Quốc hội tiếp cận, tham gia thì không những có thêm thông tin mà còn có thể đưa ra những đề xuất, sáng kiến tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước.

Theo ngài Vladimir Andreichenko, để đạt mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 500 triệu USD/năm, hai bên cần phát huy hơn nữa các sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN, Liên minh kinh tế Á-Âu, nhất là khi sắp vào năm 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Belarus đảm nhận Chủ tịch luân phiên Liên minh kinh tế Á-Âu. Hai bên cùng nhau nỗ lực phát huy những tiềm năng hợp tác sẽ tạo ra cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch thương mại song phương.

Ngài Vladimir Andreichenko cho biết, vào tháng 5/2020, tại Belarus sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế và đầu tư, mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tham dự, cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu khả năng hợp tác.

Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Belarus - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova gặp gỡ báo chí - Ảnh: TTXVN

Ngay sau hội đàm cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova đã gặp gỡ báo chí hai nước, thông báo kết quả hội đàm.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Thượng viện Natalia Kochanova nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đã trao đổi về hợp tác thương mại thời gian qua, dù kim ngạch song phương đã tăng nhiều so với trước nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam và Belarus là hai nền kinh tế không cạnh tranh với nhau mà mang tính chất bổ sung, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Việt Nam là nước có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và các sản phẩm hai bên cùng hợp tác sản xuất trong thời gian tới có thể xuất khẩu sang thị trường thứ ba. Tôi cũng đề nghị Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Belarus, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như cao su, chè, cà phê, hoa quả nhiệt đới. Hai bên cùng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác tại khu vực và Quốc hội hai nước sẽ đạt nhất trí cao về việc này. Hai bên cũng nhất trí ủng hộ những sáng kiến của hai Chính phủ để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Belarus. Chúng tôi tin tưởng rằng những thỏa thuận đạt được sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Chúng tôi cam kết sẽ cùng nhau phát triển quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Belarus. Việt Nam và Belarus đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Chúng tôi luôn trân trọng và ghi nhớ sự ủng hộ quý báu mà nhân dân Belarus đã dành cho Việt Nam trong công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay”.


Theo TTXVN

NỔI BẬT TRANG CHỦ