Phát hiện nguyên nhân hàng trăm con voi chết bí ẩn ở châu Phi

Thi Anh | 22-09-2020 - 05:58 AM

(Tổ Quốc) - Ông Cyril Taolo cho biết, số xác voi được tìm thấy kể từ khi phát hiện ra những cái chết đầu tiên hồi đầu tháng 5 đã tăng lên 330.

Độc tố trong nước sản sinh bởi vi khuẩn lam (cyanobacteria) đã giết chết hơn 300 con voi ở Botswana trong năm nay, Reuters dẫn nguồn giới chức Botwana cho hay. Đây là kết quả cuộc điều tra của vụ việc đang khiến các nhà bảo tồn đau đầu và lo ngại.

Vi khuẩn lam là vi sinh vật phổ biến trong nước và đôi khi được tìm thấy trong đất. Không phải tất cả đều sản sinh độc tố nhưng các nhà khoa học cho rằng những vi khuẩn có độc đang xuất hiện thường xuyên hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ trái đất.

Phát biểu trong cuộc họp báo, phó giám đốc Cục Công viên Quốc gia và Hoang dã Cyril Taolo cho biết, số lượng xác voi được tìm thấy kể từ khi phát hiện ra những cái chết đầu tiên hồi  tháng 5 đã tăng lên 330, trong khi con số này vào tháng 7 là 281.

"Theo như chúng tôi biết ở thời điểm này, đó là một loại độc tố gây ra bởi vi khuẩn lam", ông Taolo nói thêm rằng loại độc tố thần kinh cụ thể vẫn chưa được xác định.

Chính quyền sẽ theo dõi tình hình trong suốt mùa mưa tới. Ông Taolo cho rằng, hiện giờ chưa có bằng chứng nào cho thấy thiên nhiên hoang dã của Botswana vẫn còn bị đe dọa bởi các quan chức không còn phát hiện thấy các vụ chết chóc nữa.

Chuyên viên thú y Mmadi Reuben nhấn mạnh, hiện vẫn còn để ngỏ câu hỏi vì sao chỉ có loài voi bị ảnh hưởng. Các động vật khác ở vùng Okavango có vẻ không bị tổn hại.

Một số trường hợp bùng phát của vi khuẩn lam có thể gây hại cho con người và động vật. Hiện các nhà khoa học đang lo ngại về tác động tiềm tàng của chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng lên, tạo ra môi trường ưa thích của nhiều vi khuẩn lam.

Nhiệt độ ở miền Nam châu Phi đang tăng gấp đôi mức trung bình toàn cầu, theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu.

"Điều này giống như là đạt điều kiện phù hợp, vào đúng lúc, ở đúng nơi và những loài này sẽ sinh sôi nảy nở", Patricia Glibert - giáo sư thuộc Đại học Maryland nhận định với Reuters.

"Những điều kiện này xảy ra cùng lúc ngày càng thường xuyên hơn, ở nhiều nơi hơn, nên chúng ta đang chứng kiến thêm nhiều trường hợp bùng phát độc tố như vậy khắp thế giới".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM