• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bệnh nhân phi công người Anh 2 phổi đông đặc, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO

Sức khỏe 12/05/2020 14:03

(Tổ Quốc) - Bệnh nhân 91 vẫn đang trong tình trạng tiên lượng rất nặng. Ghép phổi là cơ hội cuối cùng để có thể cứu được bệnh nhân này.

Bệnh nhân 91 (phi công người Anh, 43 tuổi) khi nhập viện đã có tổn thương phổi. Bệnh nhân diễn biến nặng nhanh.

9 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy. Hai ngày sau, bệnh nhân được chuyển sang thở CPAP (áp lực dương liên tục). Đến ngày 5/4, tình trạng suy hô hấp tăng dần. Ngày 6/4, bệnh nhân được hỗ trợ thở máy xâm lấn.

Trong quá trình điều trị cho thấy phản ứng miễn dịch của bệnh nhân này là rất dữ dội. Từ khi bệnh nhân mắc bệnh liên tục sốt cao. Về phản ứng viêm của bệnh nhân mạnh, các bác sĩ đang nghĩ tới nguyên nhân là do cơ thể của bệnh nhân có bất thường mà khoa học chưa giải thích được.

Mới đây, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã nhận định bệnh nhân số 91 là bệnh nhân nặng nhất ở Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Để cứu bệnh nhân này, Bộ Y tế đã xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa đủ điều kiện ghép phổi và còn nhiễm trùng nặng nên tiếp tục điều trị.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh viện đang làm lại toàn bộ xét nghiệm để đánh giá chức năng của phổi, tim mạch và các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, tiếp tục các xét nghiệm tầm soát vi khuẩn bội nhiễm. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn để xem xét tình hình.

Sau 55 ngày điều trị và 36 ngày can thiệp ECMO chi phí của bệnh nhân khoảng 3 tỷ đồng. Dự kiến chi phí ghép phổi (nếu có) khoảng 1-1,5 tỷ đồng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn cho hay, nam phi công đang trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, nguy cơ phổi trở thành "ổ vi khuẩn".

Theo các chuyên gia về hồi sức tích cực, ECMO chỉ là can thiệp để duy trì sự sống cho người bệnh trong thời gian chờ phổi phục hồi. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân này rất xấu, các cơ quan khác cũng tổn thương, ghép phổi là cơ hội cuối cùng của bệnh nhân 91.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng ghép phổi có thành công hay không cũng rất khó nói. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tìm được phổi tương thích với bệnh nhân này.

Nếu được ghép thành công, cơ thể thích nghi tốt, bệnh nhân có thể uống thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép trong vòng 3-4 năm. Trong trường hợp có dấu hiệu đào thải, người bệnh phải uống thuốc này gần như suốt đời.

Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.

Ngọc Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ