Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị đã trao đổi với PV Báo Tổ Quốc về công tác kiều bào trong năm 2018 và những trọng tâm trong năm 2019.

PV: Xin ông đánh giá về những công tác Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong năm 2018 có nét gì mới so với những năm trước?

Ông Lương Thanh Nghị: Cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trong năm qua có những mặt ổn định và tiếp tục phát triển sâu rộng ở nước sở tại, về cả chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Điều rất khác biệt so với năm trước là xu hướng bà con ngày càng hướng về cội nguồn và đóng góp ngày càng gia tăng cho quê hương đất nước; thể hiện trước hết ở việc bà con tham gia vào các hoạt động do nhà nước và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức như Xuân Quê hương, chuyến đi Trường Sa, trại hè cho thanh thiếu niên kiều bào, các hội nghị - diễn đàn trực tiếp nhắm vào đối tượng trí thức nhà khoa học trẻ của Việt Nam đang làm việc học tập bên ngoài. Trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học, trí thức kiều bào khi về nước đã đưa ra rất nhiều đề xuất ý tưởng và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các nhà hoạch địch chính sách của Việt Nam.

Cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 4,5 triệu người, có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% sinh sống tại các nước phát triển. Đây là nguồn lực quan trọng có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như tri thức. Số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức 300 lượt người/năm.

Trong năm 2018, Ủy ban đã phối hợp cùng các bộ ngành liên quan để tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo như vậy. Tháng 6/2018, Uỷ ban phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị start-up Việt, với sự tham dự rất đông đảo các bạn trẻ người Việt trở về từ nước ngoài. Các bạn đã đưa ra nhiều ý tưởng đề xuất về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, làm sao bắt kịp trình độ quốc tế và phù hợp hoàn cảnh đặc thù Việt Nam… Sau hội nghị như vậy, rất nhiều nhà khởi nghiệp trẻ trong và ngoài nước đã kết nối với nhau và kết nối với địa phương. Ví dụ như Sở Khoa học công nghệ TP Hồ Chí Minh đã có đề án riêng để thu hút các bạn trẻ kiều bào nước ngoài về cùng khởi nghiệp.

Hội nghị đáng chú ý thứ hai là tháng 8/2018, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc gặp mặt 100 nhà khoa học, trí thức kiều bào từ nước ngoài; và công bố mạng lưới đổi mới sáng tạo – lần đầu tiên được thành lập ở Việt Nam; trong đó, chủ yếu thành viên là các nhà khoa học người Việt đã thành danh ở nước ngoài. Điều này đã đáp ứng nhu cầu thiết thực phát triển đất nước trong bối cảnh Cách mạng 4.0… Không nhất thiết phải về nước, với trình độ công nghệ hiện nay, kiều bào tri thức vẫn có thể ở nước sở tại và tham gia đóng góp cho quê hương.

pcn3
pcn3
pcn5
pcn5
pcn4
pcn4
pcn2
pcn2

Nhiều sự kiện kết nối tri thức kiều bào đã được tổ chức tại nhiều địa phương trong suốt năm 2018, thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều nhà khoa học, tri thức trẻ người Việt đến từ khắp nơi trên thế giới

Gần đây nhất cuối tháng 11/2018, Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp các bộ ngành tổ chức diễn đàn trí thức trẻ kiều bào, trong đó có sự tham gia của 70 các bạn trẻ kiều bào từ nước ngoài. Các bạn đã đưa ra tới 250 ý tưởng và đề xuất rất cụ thể. Trong nước ngay lập tức đã có đặt hàng, ví dụ như một số địa phương Bộ ngành đã đặt hàng ý tưởng liên quan tới đối phó với biến đổi khí hậu... Chính các bạn được khuyến khích được tạo môi trường để cống hiến, thể hiện khả năng của mình. Các bạn cũng nói, ở bên ngoài khi có một vấn đề nào xuất hiện ở Việt Nam, các bạn sẽ biết ngay ai ở nước khác chuyên về lĩnh vực đó, có thể liên kết với nhau. Đây là việc rất có ý nghĩa, rất quan trọng trong thời gian tới; và trên thực tế hiện nay các bạn đang liên kết rất chặt chẽ trong mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới trí thức.

Những ngày cuối của năm 2018, Ủy ban đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối kiều bào với địa phương tại Nghệ An. Tại hội nghị, kiều bào cũng đưa ra nhiều đóng góp rất cụ thể về tiềm năng, cũng như làm thế nào để khai thác những tiềm năng của địa phương về văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế…

Ngoài ra, trong năm 2018, thống kê từ các địa phương cho thấy có 3.000 doanh nghiệp kiều bào đầu tư tại 45 tỉnh TP với tổng số vốn góp và vốn đăng ký là 4 tỷ USD. Những dự án thiết thực, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân địa phương. Đây chính là xu hướng hiện tại của bà con là trở về nước, đóng góp rất thiết thực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, bản thân sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao, cũng khuyến khích, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, và bà con có niềm tin để trở về và khát khao được cống hiến, đóng góp điều gì đó cho quê hương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN Lương Thanh Nghị: Năm 2019 tập trung phát huy nguồn lực tri thức KHCN kiều  bào phục vụ nhu cầu phát triển đất nước - Ảnh 3.

Lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 2007 - 2017. Năm 2018, dự đoán, lượng kiều hối về Việt Nam lên tới gần 16 tỷ USD

PV: Tiếp nối đà thành công của năm 2018, trong năm 2019, Ủy ban và Bộ Ngoại giao sẽ có những biện pháp nào để khuyến khích nguồn nhân lực kiều bào quay trở lại Việt Nam, để họ không chỉ đưa ra ý tưởng mà còn trực tiếp tham gia công hiến hoặc cam kết làm việc lâu dài cho đất nước?

Ông Lương Thanh Nghị: Trước hết, phải xây dựng được những chủ trương chính sách rất cụ thể, toàn diện, liên quan tới trọng dụng và ưu đãi đối với kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh.

Trên thực tế, Việt Nam đã có rất nhiều ưu đãi, như miễn thị thực, chính sách kiều bào về nước được mua nhà, tạo điều kiện đầu tư kinh doanh… Nhưng những cái đó vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tầng lớp trí thức Việt kiều về nước.

Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách; cụ thể nhất là nghị định 87/2014/NĐ-CP Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà'

Chúng tôi cũng sẽ cùng với Bộ tư pháp rà soát, nghiên cứu sửa đổi nghị định hướng dẫn việc nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam của kiều bào. Đây cũng là yêu cầu, nguyện vọng rất chính đáng của bà con ở bên ngoài, bao gồm rất nhiều kiều bào trẻ, thế hệ thứ 2, 3 sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, nhưng vẫn mang trong mình dòng máu Việt Nam; và rất mong muốn được trở lại nhập quốc tịch Việt Nam để được cống hiến cho đất nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổ chức các hội nghị, hội thảo diễn đàn để tạo cơ sở, cơ hội cho bà con về nước đề xuất, đóng góp ý kiến, hiến kế…

PV: Tại một số địa bàn, cộng đồng NVNONN có địa vị pháp lý chưa vững chắc, rõ ràng – hoặc hoạt động kết nối cộng đồng tỏ ra còn chưa thực sự hiệu quả, trong năm 2019, Ủy ban sẽ triển khai những biện pháp giải quyết và hỗ trợ như thế nào đối với các vấn đề trên?

Ông Lương Thanh Nghị: Những năm vừa qua, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban triển khai các hoạt động nhằm tập hợp kiều bào và khuyến khích kiều bào có nhiều đóng góp thiết thực cho quê hương.

Đối với một bộ phận kiều bào còn gặp khó khăn về địa vị pháp lý, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện, chính quyền các nước sở tại tìm cách tháo gỡ khó khăn, để kiều bào có địa vị pháp lý rõ ràng. Cuộc sống chỉ ổn định khi địa vị pháp lý tốt. Đó chính là một trong những trọng tâm mà chúng tôi sẽ phải làm trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN Lương Thanh Nghị: Năm 2019 tập trung phát huy nguồn lực tri thức KHCN kiều  bào phục vụ nhu cầu phát triển đất nước - Ảnh 5.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị (ảnh: Đăng Huy)

Trên thực tế, đã hình thành nhiều hội, câu lạc bộ trí thức, khoa học công nghệ … của kiều bào ta ở hầu hết các địa bàn, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Với sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan đại diện, các hội, câu lạc bộ như vậy đang có hoạt động tích cực. Trước hết, nó tạo sân chơi gắn kết các nhà khoa học, trí thức kiều bào tại các địa bàn đó. Ngoài ra, thông qua các hội này, kiều bào có thể đóng góp cho cơ quan đại diện hoặc về nước rất nhiều ý tưởng, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng Khoa học công nghệ đang phát triển, nếu không tận dụng được thì sẽ rất đáng tiếc. Ví dụ như tại thung lũng silicon, hiện tại có khoảng hơn 200 bạn trẻ người Việt làm việc có danh tiếng về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn.. Làm thế nào để kết nối và hướng các bạn trẻ đóng góp về trong nước, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ trong nước; từ cơ quan đại diện, và chúng ta phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các bạn trở về… Cho dù làm trong nhà nước hay tư nhân, thì đó đều là những đóng góp quý báu của lực lượng trí thức kiều bào.

xqh5
xqh5
xqh4
xqh4
xqh1
xqh1

Một số hình ảnh trong Xuân Quê Hương 2019 - chương trình nghệ thuật thường niên được chờ đón bởi hàng triệu kiều bào Việt Nam trên toàn cầu

Đối với một số địa bàn nhỏ mà kiều bào còn gặp khó khăn trong công tác hội đoàn, Ủy ban cũng sẽ hỗ trợ. Đáng chú ý là sự thành lập hội đoàn cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của mình mà còn theo luật pháp nước sở tại. Vì vậy, chúng ta phải cùng với bà con tìm ra phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm địa bàn và luật pháp nước đó. Tuy nhiên, tựu chung lại sẽ tập trung vào ba mảng chính. Thứ nhất là thúc đẩy đại đoàn kết dân tốc, trước hết là gắn kết trong kiều bào với nhau. Kiều bào càng đoàn kết thì cuộc sống càng ổn định, càng có điều kiện đóng góp cho quê hương đất nước. Thứ hai, cùng nhau duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là sức mạnh mềm quốc gia mà chúng ta phải biết bảo tồn, phát huy, đặc biệt là ở bên ngoài. Thứ ba, phát huy nguồn lực trí thức khoa học công nghệ, trí thức nói chung của kiều bào ở nước ngoài.

Tất cả những việc này chúng tôi đã, đang làm và sẽ tập trung trong năm 2019, đặc biệt là việc phát huy nguồn lực trí thức khoa học công nghệ của kiều bào để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong nước.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn

Nội dung: Lan Phương

Đồ họa: Minh Trang