• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xu thế Kiều bào quay về cống hiến cho quê hương, đất nước ngày càng gia tăng

Thời sự 27/01/2020 09:06

(Tổ Quốc) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị nói về công tác kiều bào trong năm 2019 và những trọng tâm trong năm 2020.

PV: Xin ông cho biết những kết quả chính của công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong năm 2019?

Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị: Công tác NVNONN trong năm 2019 tập trung vào bốn nội dung chính như sau.

Thứ nhất là đề xuất tham mưu kiến nghị những chủ trương lớn, xây dựng và triển khai các chính sách của nhà nước liên quan tới NVNONN.

Trong số này, nổi bật là việc UBNVNONN đã cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, trao đổi tiến hành sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện tốt và hiệu quả hơn Luật Quốc tịch 2016 và theo hướng cụ thể hóa và nới lỏng những điều kiện để làm sao Kiều bào có nguyện vọng nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học – công nghệ cùng các cơ quan khác tiến hành rà soát và xây dựng một nghị định sửa đổi bổ sung cho NĐ87/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2014/NĐ-CP liên quan tới thu hút các cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam là Kiều bào. Trong thời gian tới sẽ có rất nhiều điểm mới, góp phần tạo động lực để Kiều bào có thể trở về nước đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

[Bài Tết] Phó Chủ nhiệm Uỷ ban NVNONN Lương Thanh Nghị: Xu thế Kiều bào quay về cống hiến cho quê hương, đất nước ngày càng gia tăng - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị

Thứ hai là thực hiện đại đoàn kết dân tộc:

Trong năm qua, UBNVNONN đã tổ chức nhiều sự kiện cả trong và ngoài nước, ví dụ Xuân quê hương, các chuyến thăm Trường Sa, trại hè cho Kiều bào trẻ… Những hoạt động như vậy làm gia tăng liên kết cho cộng đồng nhưng mục đích cuối chính là đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, UBNVNONN cũng phối hợp các cơ quan địa phương xử lý các vấn đề di sản do chiến tranh để lại nhằm phục vụ cho công tác hòa hợp dân tộc, khuyến khích bà con trở về đóng góp cho đất nước nhiều hơn.

Thứ ba là thu hút nguồn nhân lực tri thức Kiều bào về cống hiến cho đất nước.

So với các năm trước, số lượng hội nghị, hội thảo liên quan tới lĩnh vực trí thức khoa học công nghệ Kiều bào đã tăng lên rất nhiều, ít nhất là tăng thêm 6 sự kiện khác nhau. Nó phản ánh nỗ lực của chúng ta, đồng thời là sự thay đổi về mặt tư duy nhận thức, đối với việc đánh giá vị trí, vai trò của cộng đồng NVNONN.

Số lượng Kiều bào về nước làm việc cho các cơ quan nhà nước hiện vào khoảng 300 – 500 người. Xuất hiện nét mới là các nhà tri thức kiều bào trở về làm việc ở khu vực tư nhân, điển hình như Vingroup...

Trong thời gian qua, các nhà khoa học và tri thức đã có đóng góp tích cực vào việc triển khai các mục tiêu phát triển đất nước như Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững, phát triển thương hiệu... Ví dụ như Tiến sỹ Võ Kim Quy – kiều bào Thụy Sỹ đi đầu trong lĩnh vực áp dụng công nghệ blockchain vào y tế và hiện đang hợp tác rất nhiều với cơ quan của Bộ Y tế. Hay ông John Trần hiện đang làm chủ công ty về nông nghiệp công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh. Hoặc hai nhà đầu tư quốc tịch Mỹ Lê Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn đã lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp Việt Nam. Mạng lưới đổi mới sáng tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập từ cuối năm 2018 đã đi vào hoạt động và có những kết quả rất tích cực. Trung tâm đổi mới sáng tạo vừa được phép xây dựng tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ góp phần thay đổi tư duy và kêu gọi Kiều bào quay về cống hiến cho đất nước.

Thứ tư là duy trì văn hóa Việt Nam và tăng cường dạy và học Tiếng Việt

Để góp phần duy trì văn hóa Việt Nam cũng như việc dạy và học Tiếng Việt, UBNVNONN đã có nhiều hỗ trợ dưới các hình thức khác nhau. Ví dụ như đưa các đoàn ca múa nhạc đi phục vụ biểu diễn tại nhiều khu vực có cộng đồng người Việt sinh sống. Các bộ ban ngành khác, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức cho nhiều đoàn nghệ thuật sang phục vụ bà con Kiều bào, góp phần giúp bà con nhận thức và duy trì bản sắc văn hóa, dân tộc.

Phong trào dạy và học Tiếng Việt ngày càng lan toả. Cộng đồng Kiều bào có nhiều sáng kiến để khuyến khích con em học tập, nói và viết Tiếng Việt. Chúng ta đang đứng trước một thử thách là số lượng con em Kiều bào thế hệ 2 và 3 trở đi nói Tiếng Việt rất ít; nên việc duy trì và phát triển Tiếng Việt cũng là một trong những trọng tâm công tác của chúng tôi trong thời gian qua.

PV: Một xu thế rất dễ nhận thấy và đang ngày càng được phát triển trong những năm gần đây, đó là việc các tri thức Kiều bào quay trở về cống hiến nhiều hơn cho quê hương và đất nước. Ông có thể giải thích lý do cho việc này?

Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị: Có một số nguyên nhân dẫn tới xu thế bà con ngày càng quay trở lại cống hiến nhiều hơn cho quê hương đất nước.

Đầu tiên, bà con rất vui mừng phấn khởi trước các thành tựu về kinh tế, văn hóa và xã hội trong nước, đặc biệt là vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được nâng cao, thể hiện ở việc Việt Nam được bầu là Thành viên không thường trực ở ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao kỷ lục, thành công của VESAK 2019, thành công của SEA Games tại Philippines… cũng góp phần khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc của Kiều bào, kêu gọi họ hướng về quê hương đất nước và đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước.

Nguyên nhân thứ hai là trong năm 2019, đội ngũ doanh nhân trí thức, nhà khoa học, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng gia tăng kết nối giữa các địa bàn với nhau, và giữa cộng đồng với trong nước. Điều này thể hiện ở việc Kiều bào ngày càng quan tâm, tham gia tích cực các diễn đàn hội thảo về khoa học- công nghệ và trí thức trong nước. Một ví dụ tiêu biểu như Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, gồm 106 đại biểu đến từ 102 quốc gia va lãnh thổ, thể hiện sự quan tâm và đổi mới suy nghĩa tích cực của Kiều bào.

Một nguyên nhân nữa là công tác NVNONN đã được tiến hành đồng bộ, toàn diện và có nhiều đổi mới. Công tác luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp, bộ ngành và địa phương, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao. Trong các chuyến công du nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao, thì nội dung công tác NVNONN luôn được lồng ghép trong các chương trình. Ví dụ như các lãnh đạo luôn gặp gỡ Kiều bào và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con về những vấn đề liên quan tới cuộc sống; đề nghị chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lơi cho bà con sinh sống làm việc, đóng góp vào sự phát triển cho quê hương thứ hai của mình; đề nghị nhiều chính phủ xem xét đưa Tiếng Việt trở thành ngoại ngữ thứ hai được dạy trong các trường phổ thông và đại học.

Công tác NVNONN cũng nhận được sự quan tâm lớn của các bộ ngành địa phương. Hiện có hơn 20 hội liên đoàn về NVNONN địa phương hoạt động tích cực và là cầu nối quan trọng giữa địa phương với Kiều bào.

Cuối cùng, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước dành cho Kiều bào ngày càng đi vào cuộc sống và có hiệu quả hơn nhiều so với các năm trước - từ đầu tư kinh doanh cho tới nhà ở đất đai hay khi Kiều bào về nước được gia tăng thời hạn lưu trú… Chúng đã phát huy tác dụng, góp phần khiến Kiều bào tin tưởng vào các chủ trương, đường lối và công tác NVNONN của chúng ta.

[Bài Tết] Phó Chủ nhiệm Uỷ ban NVNONN Lương Thanh Nghị: Xu thế Kiều bào quay về cống hiến cho quê hương, đất nước ngày càng gia tăng - Ảnh 3.

Đoàn Kiều bào tiêu biểu thả cá phóng sinh tại Đền Đô, Bắc Ninh trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2020 (ảnh: Báo Quốc tế)

PV: Xin ông cho biết trong năm 2020, UBNVNONN sẽ có những hoạt động chính nào để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của công tác NVNONN?

Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị: Một trong những hoạt động nổi bật nhất của Ủy ban trong năm 2020 là phối hợp với các ban bộ ngành tiến hành Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới. Đây sẽ là dịp để nhìn lại công tác NVNONN trong 5 năm qua có những khó khăn, thuận lợi gì, cũng như những gì đã và chưa làm được. Từ đó, có những kiến nghị và đề xuất tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có những chủ trương chính sách xuất phát từ thực tiễn có tính hiệu quả hơn trong công tác NVNONN.

Dự kiến Ủy ban sẽ phối hợp với các ban ngành tổ chức hội nghị Kiều bào toàn thế giới để đánh giá giá tình hình cộng đồng NVNONN. Đặc biệt, nhân dịp này Kiều bào cũng sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13.

UBNVNONN cũng sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện khác nhau, tập trung vào thu hút, phát huy nguồn lực Kiều bào đặc biệt là tri thức trẻ. Ví dụ như hỗ trợ cùng Hội Khoa học và Chuyên gia Toàn cầu tổ chức Diễn đàn Vietnam Innovation Links, Diễn đàn Đổi mới, Sáng tạo người Việt Toàn cầu lần thứ nhất do Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam và UBNVNONN tổ chức, các hội trại đổi mới sáng tạo cho nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài vv.

Đối với các sự kiện lớn cho Kiều bào như Xuân Quê hương, đoàn Kiều bào thăm Trường Sa, trại hè cho thanh thiếu niên Kiều bào…, mặc dù là các hoạt động thường niên nhưng Ủy ban sẽ cố gắng đổi mới về nội dung chương trình nhằm đáp ứng nguyện vọng của Kiều bào là về thăm quê hương đất nước, giao lưu với đồng bào trong nước, trải nghiệm văn hóa lịch sử đất nước…

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan tới công tác NVNONN, đặc biệt là vấn đề quốc tịch và trọng dụng nhân tài.

PV: Xin cám ơn ông đã nhận lời phỏng vấn.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ