• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Bamboo Airways: "Là doanh nghiệp đi sau, chúng tôi thấm thía nhiều về cạnh tranh"

Kinh tế 17/05/2019 08:47

(Tổ Quốc) - "Bamboo Airways là doanh nghiệp đi sau, chúng tôi đã thấm thía rất nhiều về sự cạnh tranh. So với doanh nghiệp hàng không đi trước, chúng tôi phải theo cả Luật đầu tư 2014, phải theo cả Nghị định 92, như vậy phải đi theo 2 lần thủ tục", ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ.

Phó Chủ tịch Bamboo Airways: Là doanh nghiệp đi sau, chúng tôi thấm thía nhiều về cạnh tranh - Ảnh 1.

Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ tại buổi Toạ đàm.

Tại buổi Toạ đàm "Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn ra chiều 16/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) đặt câu hỏi với ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways: "Là một doanh nghiệp vừa mới xuất hiện, "sinh sau đẻ muộn", anh có cảm thấy cái gì đó cạnh tranh không lành mạnh không?".

Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Tất Thắng cho biết, với FLC hay Bamboo Airways, doanh nghiệp và Chính phủ đang hướng tới cạnh tranh lành mạnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế tư nhân tháng 5/2019 đã tuyên bố hướng tới bình đẳng cho doanh nghiệp.

"Bamboo Airways là doanh nghiệp đi sau, chúng tôi đã thấm thía rất nhiều về sự cạnh tranh. So với doanh nghiệp hàng không đi trước, chúng tôi phải theo cả Luật đầu tư 2014, phải theo cả Nghị định 92, như vậy phải đi theo 2 lần thủ tục.

Doanh nghiệp đã phát triển, và rồi muốn phát triển thêm lại phải đi một vòng các bộ để xin ý kiến, trong khi chúng tôi tin rằng việc đó hoàn toàn ở Cục Hàng không và cùng lắm ở Bộ Giao thông vận tải. Doanh nghiệp chúng tôi mong có sự thống nhất về thể chế đối với tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực", ông  Đặng Tất Thắng nói.

Ông Nguyễn Đình Cung bổ sung: "Có nhiều điều theo cá nhân tôi thấy rất phi lý, vốn của người ta, tiền của người ta tại sao lại phải đi xin, nhưng rồi nhận được câu trả lời không có đường băng, không có chỗ đậu, không đồng ý đề xuất mở rộng quy mô đội bay. Nói như thế chúng tôi thấy vô lý. Cá nhân tôi cho rằng ai nói như thế là kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề đó chứ không thể lấy điều đó kìm hãm sự phát triển".

Trước đó, phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư và kinh doanh trong ngành hàng không đang là không gian lớn cho sự phát triển, còn nhiều không gian cho sự huy động sức dân, không chỉ các hãng trong nước phải nâng cao chất lượng vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh với nhau, nâng cao năng lực của ngành hàng không nội địa để sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới để cạnh tranh với hãng quốc tế là vấn đề đặt ra với ngành hàng không chúng ta.

Phó Chủ tịch Bamboo Airways: Là doanh nghiệp đi sau, chúng tôi thấm thía nhiều về cạnh tranh - Ảnh 2.

Nguồn: Dân trí.

"Dư địa của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, cần nhìn nhận rõ vai trò của ngành hàng không và phát triển ngành trở thành động lực để các ngành khác phát triển", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, điểm nghẽn của ngành hàng không là nỗi khổ không của riêng ai, cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tất cả là do vấn đề thể chế.

Với ngành hàng không, cơ hội rất lớn nhưng điểm nghẽn cũng rất nhiều và từ nhiều phía, từ hạ tầng cơ sở còn yếu kém, sân bay ít, điểm đỗ chưa nhiều đến các cơ sở vật chất phục vụ bay chưa đáp ứng được.

"Theo tôi thấy, sự tham gia của tư nhân ngày càng lớn và thành công, nên cái gì tư nhân làm tốt hơn thì để tư nhân làm, cái gì nhà nước làm tốt thì để nhà nước làm", ông Lộc nhấn mạnh.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ