Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử: Ở Việt Nam, logistics là làm dâu ngàn họ chứ không chỉ trăm họ

Q.L | 30-09-2020 - 16:36 PM

(Tổ Quốc) - Ngày 30/9, tại TP HCM đã diễn ra hội thảo chuyên đề "Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số, Quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng và hiệu quả" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TPHCM (CIIS) đồng phối hợp tổ chức.

Tại đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ông Nguyễn Ngọc Dũng đã đánh giá ngành logistics Việt Nam hiện nay vẫn rất cồng kềnh, khó khăn. Lý do là doanh nghiệp logistics quyết định phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như hải quan, các doanh nghiệp liên quan,...

Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhận định: "Làm một doanh nghiệp logistics là làm dâu ngàn họ, chứ không chỉ trăm họ".

Đối với chuyển đổi số trong ngành logistics, đại diện VECOM chỉ ra rằng tình trạng chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay giống như việc kéo điện về nông thôn nhưng các gia đình lại không có thiết bị điện.

Ông Dũng phát biểu: "Cho đến bây giờ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các nhà quản lý doanh nghiệp logistics vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thấp dẫn đến việc khó khăn trong các hoạt động đầu tư, từ đó không nâng cao được tính cạnh tranh".

"Tuy nhiên, nếu không áp dụng chuyển đổi số, thì sẽ không thể tồn tại trong thời điểm hiện nay. Vấn đề bây giờ là tồn tại hay không tồn tại".

Thương mại điện tử phát triển liên quan đến một chuỗi cung ứng không thể thiếu đó là logistics.

Theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt mức 35%/năm. Tuy nhiên, 70% tỷ trọng thương mại điện tử lại thuộc về hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM. Các tỉnh thành còn lại của cả nước chỉ chiếm 30%.

Thực tế, các doanh nghiệp logistics cũng tập trung hầu hết ở TP HCM và Hà Nội. Điều này khiến cho giá thành tăng do các địa phương khác không có kho bãi.

Một thách thức khác mà ông Dũng chỉ ra đó là thực tế khách quan của Việt Nam, người giao hàng phải giao tận tay đến người nhận. "Nếu so với thế giới, một người giao hàng trong một ngày có thể giao được 200 đơn hàng, thì ở Việt Nam có khi chỉ được 2 đơn. Lý do là vì họ không tìm được địa chỉ nhận hàng, hoặc nếu tìm được ra thì người nhận lại không nghe điện thoại. 

Khi nhận được hàng rồi, chúng ta còn phải tiền trao cháo múc, cầm hàng xem rồi mới trả tiền, người giao hàng lại phải dừng để đếm tiền mặt. Trong khi đó, ở các nước, người giao hàng không cần liên lạc với ai, họ chỉ để đúng địa chỉ người nhận", Phó Chủ tịch VECOM kết luận.

Bất chấp những khó khăn kể trên, ông Nguyễn Ngọc Dũng các doanh nghiệp vẫn cần phải hành động ngay bây giờ, thống nhất và đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy quá trình đổi mới này.

Theo đó, trong thời gian tới, Sở Công thương phối hợp các sở khác sẽ xây dựng và hoàn thiện bản đồ GIS về logistics. Bản đồ số sẽ cung cấp thông tin về hệ thống kho hàng, hệ thống bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) và dữ liệu xe tải hàng hóa để giúp cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng "nhìn thấy" những luồng di chuyển hàng hóa chủ yếu trên địa bàn. Dữ liệu bản đồ số sẽ giúp cho việc khai thác hiệu quả các kho hàng, các cung đường vận chuyển.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá thử thách cực hot trên mạng xã hội của Yakult “Một người thử - Vạn người vui”

Thử thách “Một người thử - Vạn người vui” có gì hot mà khiến cộng đồng mạng rần rần khắp mạng xã hội những ngày gần đây? Điều đặc biệt gì đã thúc đẩy người dùng mạng tham gia các hoạt động truyền thông này của Yakult? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới dây.