• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Không để "bài học Đà Nẵng" trở thành vô nghĩa

Thời sự 03/10/2020 21:37

(Tổ Quốc) - Sáng 3/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng: Không để bài học Đà Nẵng trở thành vô nghĩa - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thông tin về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất. Dự báo, mùa đông năm nay sẽ khốc liệt đối với các nước trong phòng, chống COVID-19.

Đối với các địa phương, nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực, trong đó hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp), người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam vẫn kiên định các giải pháp phòng, chống dịch từ trước đến nay theo đúng 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn cách ly đối với các nhóm đối tượng nhập cảnh hợp pháp.

Về công tác xét nghiệm, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới, đảm bảo chính xác, tiết kiệm.

Trong phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế của Bộ Y tế, ông Long nêu rõ phải gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Theo đó sẽ tạm đình chỉ công tác người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. 

Cho rằng ở nhiều nơi đã xuất hiện tâm lý chủ quan, nới lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa".

"Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác" - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nói.

Theo Phó Thủ tướng, chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bằng công nghệ thông tin, các lực lượng phòng, chống dịch đã được kết nối chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành để truy vết, theo dấu ca nhiễm, hỗ trợ điều trị từ xa.

Quan trọng nhất là lực lượng quân đội, tiếp đó là lực lượng công an đã tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng với lực lượng y tế. Đây chính là điểm độc đáo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam, tới đây phải tiếp tục phát huy.

Để không lặp lại câu chuyện như ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát lại các hướng dẫn, phối hợp với bộ ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí chi tiết, cụ thể, khả thi để từng trường học, bệnh viện, siêu thị, khách sạn. 

Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Bảo Trân (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ