• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Quyết liệt xử lý tồn tại, vướng mắc cho các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thời sự 25/07/2019 14:13

(Tổ Quốc) - Sáng nay (25/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm.

C12A7371

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì phiên họp đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu nhận diện tồn đọng, vướng mắc

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là cuộc họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó xây dựng kế hoạch trung hạn cho các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đề nghị đại diện các bộ ngành tập trung báo cáo về khó khăn, thách thức trong hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương, việc huy động các nguồn lực..., trong đó nhấn mạnh về kết quả của việc xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản...

Về giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc nêu lên những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ những vướng mắc, tồn đọng, đánh giá kỹ, nêu cụ thể việc phân bổ, giải ngân chương trình mục tiêu giảm nghèo, những địa phương giao vốn chậm, giải ngân thấp, những "địa phương phải chấn chỉnh, nhắc nhở". 

"Vừa rồi, kiểm toán có văn bản báo cáo với Thủ tướng, Ban chỉ đạo liên quan đến việc nhiều địa phương thực hiện chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công trong triển khai chương trình giảm nghèo bền vững. Vậy trách nhiệm của Bộ LĐTBXH, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và các địa phương cụ thể thế nào? Khắc phục thế nào?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo rõ.

Về tồn tại trong thực hiện giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành nêu chi tiết về tỷ lệ thôn, xã thoát khỏi tình trạng khó khăn (hiện rất thấp: 44/292 xã), về kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh...

"Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao, cứ 100 hộ thoát nghèo thì lại có gần 18 hộ phát sinh mới. Lý do, giải pháp xử lý thế nào?", phó Thủ tướng nêu vấn đề. 

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành báo cáo về khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

"Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH thì khoảng cách chênh lệch không những không được rút ngắn mà còn tăng lên. Qua đây để nhận diện và định hướng chiến lược thời gian tới thế nào?", Phó Thủ tướng nói thêm. 

Giảm nghèo chưa bền vững

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết, theo kết quả tổng hợp rà soát hộ nghèo, đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo là 1.304.001 chiếm tỷ lệ 5,23% (trong đó: số hộ nghèo về thu nhập là 1.167.439 hộ, tương ứng 89,52% so với tổng số hộ nghèo; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 136.562 hộ, tương ứng 10,48% so với tổng số hộ nghèo).

Ước đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước còn khoảng 4%, giảm khoảng 1-1,5% so với đầu năm 2019, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII đề ra.

Theo ông Lê Quân, dù kết quả giảm nghèo là rất đáng khích lệ, đạt mục tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao, bằng 17,82% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng...

"Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 55% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2018), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước", ông Lê Quân nói.

Báo cáo thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, trước đây, bà con hộ nghèo đi khám chữa bệnh thực hiện theo Quyết định số 139 của Thủ tướng thì họ được hỗ trợ khám chữa bệnh và phương tiện đi lại và có thể hỗ trợ cho thân nhân chăm lo. Nhưng khi chuyển sang thực hiện thống nhất theo BHYT thì những hỗ trợ này không được thực hiện.

Dù vậy, ông Sơn thông tin, hiện Bộ Y tế đang triển khai sáp nhập trung tâm y tế cấp huyện và trạm xá cấp xã sẽ được tăng cường cơ sở vật chất và tủ thuốc ở cấp xã tương đương tủ thuốc ở trung tâm y tế huyện sẽ giúp người dân tiếp cận y tế dễ hơn nhất là địa phương khó khăn.

C12A7379

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nêu rõ tồn tại, vướng mắc của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM, tăng 6,96% 

Về xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đến hết tháng 6/2019, cả nước đã có 4.458 xã (50,01%) đạt chuẩn NTM, tăng 620 xã (6,96%) so với cuối năm 2018, hoàn thành mục tiêu 5 năm trung hạn 2016-2020 được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Có 82/664 đơn vị cấp huyện thuộc 36 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn NTM, tăng 19 đơn vị so với cuối năm 2018; bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Nông thôn mới đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành như Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi.

Đặc biệt, 03 tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và thành phố Đà Nẵng đã trở thành 04 địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, Đồng Nai đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Dù vậy, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền, cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam Bộ (70%) thì Miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%), Đồng bằng sông Cửu Long (42,77%), DH. Nam Trung Bộ (45,82%).

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn chậm. Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch. 

Quyết liệt giải quyết những tồn tại 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng vừa qua vẫn còn những tồn tại. Tỷ lệ các xã thôn bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn rất thấp, mới có 44/292 xã, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019 – 2020, cũng như chưa thể xoá hộ nghèo là người có công trong năm 2019 và vướng mắc trong thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng mô hình giảm nghèo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng chung của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là giao vốn thấp và giải ngân đầu tư công còn rất chậm. Điều này gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải quyết những tồn tại này.

Để triển khai các nhiệm vụ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung làm tốt Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Nam Định, gắn với tổng kết Nghị quyết của, Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp công ty nông lâm nghiệp, đề xuất với Chính phủ, Trung ương các phương hướng triển khai trong giai đoạn tới.

Bộ LĐTB&XH nhanh chóng sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đánh giá thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, làm cơ sở thực hiện trong 5 năm tới, đặc biệt là làm rõ chuẩn nghèo đối với trẻ em; sớm trình BCĐ kế hoạch tổ chức Ngày Quốc tế chống đói nghèo, Ngày vì người Nghèo Việt Nam năm 2019 cũng như các chương trình an sinh xã hội khác.

Bộ KH&ĐT kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới 2 chương trình này. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ báo cáo Thủ tướng giải quyết nguồn khen thưởng cho các tỉnh có kết quả cao trong NTM giai đoạn 2011- 2015.

Các bộ NN&PTNT, LĐTB&XH cùng với Bộ Tài chính KH&ĐT hướng dẫn các địa phương sớm tổng hợp thông tin để báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo nhu cầu, kế hoạch, kinh phí triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ, thế chế chính sách về tín dụng từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tính dụng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà cơ bản trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ