• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phối hợp tham gia xây dựng hồ sơ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm

30/08/2018 14:32

(Cinet) - UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Công văn số 3614/UBND-KGVX gửi UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phối hợp tham gia xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO.

(Cinet) - UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Công văn số 3614/UBND-KGVX gửi UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phối hợp tham gia xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO.

Nghệ nhân Chăm chế tác gốm. Ảnh: bienphong.com.vn

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đang lưu giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm truyền thống. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố và nguyên nhân tác động nên nghề gốm của người Chăm ở nơi đây chỉ được duy trì, hoạt động cầm chừng và ngày càng suy giảm cả về số lượng nghệ nhân cũng như sản phẩm làm ra. Nghề gốm của người Chăm Bình Thuận đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đứng trước nguy cơ mai một dần theo thời gian.

Trường hợp UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thống nhất xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO xem xét, công nhận di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp tham gia xây dựng hồ sơ.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận cử đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ và đồng chí Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tham gia Ban xây dựng hồ sơ.

Việc xây dựng “Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp nhằm nâng cao nhận thức và hành động của Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở Việt Nam. Qua đó, góp phần tôn vinh nghề thủ công truyền thống của dân tộc; Quảng bá, giới thiệu nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở quy mô quốc gia và quốc tế.

Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân, các nhóm, các đoàn thể và các tổ chức thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, phù hợp với mục tiêu của Luật di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO, và kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ