Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất

Bài viết: Ánh Nguyệt; Thiết kế: Hà Mỹ | 21-10-2020 - 19:52 PM

(Tổ Quốc) - 12 tuổi bị dị dạng mạch tủy sống, 20 tuổi chính thức ngồi xe lăn, 26 tuổi thực hiện chuyến đi đầu tiên… Đó là những dấu mốc không thể quên trong hành trình đương đầu cùng khó khăn của chàng trai đầy bản lĩnh Phan Vũ Minh.

Năm 20 tuổi, chúng ta hiên ngang bước vào đời, dẫu chẳng có gì trong tay nhưng vô cùng tự tin vì mình tươi trẻ, căng tràn nhiệt huyết, đam mê và cả tự do. Chúng ta ôm ấp nhiều giấc mơ và sẵn sàng tâm thế lao vào thực hiện chúng. Thế nhưng, ở một nơi khác, vào năm 20 tuổi, có một chàng trai phải gác lại mọi thứ kể cả việc học trước tin sét đánh rằng đôi chân của mình sẽ không thể cử động cũng không thể đứng vững được nữa.  

Kể từ đó đến nay, tròn 9 năm ròng anh phải ngồi xe lăn, coi xe lăn như một người bạn và chấp nhận việc song hành cùng nó đến cuối đời. Biến cố quá lớn xảy đến khi chỉ mới đôi mươi khiến anh từng suy sụp thậm chí trầm cảm, để rồi giam mình trong 4 bức tường và không giao tiếp với bất kỳ ai. 

Thế nhưng, sau chừng ấy quãng thời gian gặm nhấm nỗi đau, phép màu đã xảy đến. Và câu chuyện cổ tích giữa đời thực này chẳng phải do ông bụt hay bà tiên nào tạo ra mà nó được xây dựng từ chính nghị lực, bản lĩnh, sự dũng cảm đương đầu với khó khăn để lượt lên trên số phận của con người. Nhân vật mà tôi đang nói đến chính là Phan Vũ Minh - 9X đến từ Vĩnh Long với hành trình tìm lại chính bản thân cũng như thỏa mãn đam mê được đi đây đi đó bù đắp cho thanh xuân từng đánh mất gây nhiều ấn tượng và xúc động. 

    Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 2.

Mình sinh ra không phải người khuyết tật. Mình hoàn toàn khỏe mạnh cho đến năm học lớp 6, lưng mình thường xuyên đau nhức và chân cũng yếu dần. Sau khi đi khám thì phát hiện mắc dị dạng mạch máu tủy sống. Bệnh này hiếm lắm, mình là trường hợp thứ hai trên cả nước mắc bệnh và ở Việt Nam cũng chưa có thuốc điều trị. Hồi đó vẫn gắng đi học dù lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và đau đớn. Chân yếu lại phải leo cầu thang 3 tầng, cực lắm mà vẫn ham đến lớp.

Kiên trì điều trị trong nhiều năm liền, mình đỡ dần cho đến năm thứ hai đại học, sau ca điều trị cuối cùng không thành công làm tủy sống bị phù lên thì mình bị liệt từ đó. 

Buồn lắm chứ… Những năm đầu mình rất tự ti và ngại ngùng khủng khiếp khi tiếp xúc với mọi người, nhất là bạn bè đồng trang lứa. Mình tự hỏi: Ủa tại sao mình với người ta cùng độ tuổi mà họ có đôi chân khỏe khoắn, di chuyển linh hoạt còn mình có chân mà không thể đi, phải ngồi xe lăn? 

Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 3.

Tật nguyền khi đang ở cái tuổi đẹp nhất đời người, mông lung và hoang mang, không biết sau này sẽ sống thế nào với đôi chân này. Nhưng thú thật, bên cạnh suy nghĩ tiêu cực thì sâu trong lòng, mình luôn an ủi bản thân phải cố gắng vượt qua. 

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, mình tâm niệm, cứ ngủ đi, sáng mai tỉnh dậy biết đâu đấy điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra với mình. Cứ thế, mình đấu tranh với sợ hãi, bi quan và hướng tới việc sẽ khỏi bệnh. 

    Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 4.

Mình rời Sài Gòn, bỏ dở việc học để về Vĩnh Long sinh sống. Hồi đầu mình ở nhà miết, phải 4-5 năm liền sống khép mình và không có nhu cầu giao tiếp với ai. Khoảng năm 2015, mình nhận ra có một thứ đáng sợ hơn bệnh tật đó là trạng thái sống như đã chết và đánh mất chính bản thân.

Mình bắt đầu suy nghĩ khác đi, hành động nhiều hơn. Mình không ngồi im chờ đợi phép màu nữa mà bắt đầu chăm tập thể dục, tập di chuyển trên xe lăn và bắt đầu kinh doanh cây kiểng để xem khả năng mình làm được gì và cũng muốn chứng minh cho cha mẹ thấy: Dù có chuyện gì xảy ra với con, con vẫn tự nuôi được mình. Nếu cha mẹ có chuyện gì con cũng tự sống được. 

Năm 2017, mình thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Bạc Liêu để thăm một người bạn cũng mắc bệnh giống mình. Ngày trước mình và bạn ấy cùng điều trị trong bệnh viện. Hai đứa từng hứa khi khỏi bệnh sẽ về quê nhau chơi. Giờ mình có đủ khả năng và sức khỏe để về thăm bạn ấy. Hy vọng trong tương lai có thể mời bạn về quê mình. 

Từ đây, chuỗi ngày khám phá dải đất hình chữ S bắt đầu, điều trước đến giờ mình chỉ được nhìn qua tivi và chỉ dám nghĩ trong giấc mơ nay đã thành hiện thực. Một tuần, một tháng và nhiều ngày sau, các chuyến đi của mình thực hiện nhiều hơn, dài ngày hơn. Đi đến đâu mình cũng muốn hét lên: Hóa ra cảnh đời thực đẹp hơn truyền hình. Mình được đặt chân đến đây rồi. Khi chạy xe, mình không nghĩ mình là người khuyết tật. Mình thấy vui và tự tin như được bay đến vùng đất mới, háo hức, háo hức và háo hức... 

Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 6.

Mình đã lần lượt chinh phục đỉnh Langbiang, ngắm hoàng hôn đẹp nao lòng tại làng chài Rạch Tràm (Kiên Giang), chịu cái nắng đổ lửa tại Eo Gió (Bình Định), vượt qua "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" - đèo Hải Vân, về với cố đô Huế. Đến nay, cũng đi qua 30 tỉnh/thành phố trên khắp cả nước. 

Mọi người có hỏi vì sao lại tự đi xe chi cho cực thế mà không chọn xe khách hoặc máy bay. Đó là vì mình không muốn phải lệ thuộc vào xe hoặc giờ giấc chuyến đi. Chỉ có xe tự lái, tự đi mình mới có quyền chủ động, muốn đi đâu thì đi. 

Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 7.

Mình đã từng dành cả thanh xuân để ở nhà trị bệnh, để phục hồi chức năng, để ngại ngùng, rụt rè và sợ hãi… bây giờ là lúc mình bù đắp cho chính mình thôi. Lúc này mình không dũng cảm thì chừng nào mình mới dũng cảm được. Hơn nữa, đi phượt là đam mê rất lớn của mình, nên mình không có ngại đâu. 

Nếu ông trời đã “buộc chuông" mình phải tự tay tháo chứ làm gì có ai làm giúp mình được. Mình vẫn còn trẻ, có sức khỏe, có thời gian, tội gì mà không đi ra ngoài để tháo dỡ những rào cản xung quanh. Mình nghĩ rồi, không gì là không thể, có chăng là dám hay không dám thôi! Thời gian đầu đi xa mình có mệt và gặp nhiều khó khăn, nhưng chẳng là gì so với niềm hạnh phúc được đặt chân đến những vùng đất mới, thưởng thức những món ăn ngon và kết bạn bốn phương. Cảm giác đó nó đã thiệt là đã luôn á! 

    Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 8.

    Giấc mơ trước năm 20 và sau năm 20 của mình thay đổi rất nhiều. Hồi trước, mình cứ nghĩ rằng phải kiếm cái gì đó thật là nhiều tiền, mua cái này cái kia thật giá trị. Sau này thì mình lớn lên lại hoàn cảnh như này nữa thì ước mơ mình thực tế và bình dân hơn nhiều. Vì di chứng để lại nên trong người mình nhiều bệnh lắm, vậy nên hiện tại mình chỉ mong có sức khỏe, có một tí xíu tiền để đi du lịch này kia. Chỉ nhiêu đó thôi à…

Cuộc đời mình từng là bức tranh màu đen nhưng mình cảm ơn chính bản thân vì đã tự tay vẽ những vì sao lên đó. Giờ đây khi gặp khó khăn, mình mạnh mẽ hơn nhiều vì mình biết rằng những biến cố nhỏ nhặt đó chẳng nhằm nhò gì so với những điều kinh khủng mình từng trải qua. Nỗi buồn có thể kéo dài 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng… nhưng trên tất cả phải phấn đấu vượt qua thôi, nếu không thì đâu còn gọi là cuộc sống. Hơn hết, mình phải nghĩ đến bố mẹ nữa. Không ai muốn sinh một đứa con ra mà thấy con đau khổ, buồn bã. Mình phải nhìn vào đó để phấn đấu nhiều hơn, vì mình và vì cả gia đình. 

Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 9.

Năm 2020, vì dịch bệnh nên công việc buôn bán của mình cũng trắc trở nhưng đây lại là năm cực kỳ thành công và thuận lợi khi mình được nhiều người yêu thương hơn, quan tâm hơn. Họ nhắn tin động viên mình, gửi quà chúc mừng mình. Mình cũng đã nói chuyện với nhiều người và biết có những người hoàn cảnh còn tệ hơn mình và họ không thể lấy được sự cân bằng cuộc sống giống mình. Lúc đó mình mới thấy, à thì ra mình đã làm nên điều phi thường và mình thực sự cảm ơn ông trời, cảm ơn đầu óc suy nghĩ tích cực có thể tạo cho mình nghị lực và sự dũng cảm để vượt qua mọi thứ.

Những thứ mình đang làm khiến cho mọi người biết đến những nỗ lực của mình vì để phục vụ sức khỏe và đam mê của mình thôi, chứ mình không làm để mọi người trầm trồ tung hô. Còn nếu mọi người nhìn vào mình, coi mình như tấm gương để có thêm nghị lực phấn đấu thì mình rất hạnh phúc. 

Nhìn lại chặng đường vừa qua mình thấy mình đã đúng đắn với mọi quyết định. Tuổi trẻ của mình vẫn được neo giữ theo cách riêng với những kỉ niệm tuyệt đẹp. Giờ đây mình có nhiều bạn bè hơn, biết nhiều điều hơn. Mọi người nhìn mình đều nói mình tràn đầy năng lượng và mình vẫn đang cố gắng mỗi ngày trong cuộc sống hơn đó.  

Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 11.

Với nỗ lực đem những giá trị tích cực tới cộng đồng, hành trình Road to WeChoice 2020 với sự đồng hành của Tiger Beer đã bắt đầu. Với nhiều nhân vật và câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích, là mang lại niềm cảm hứng sống tích cực và bản lĩnh đương đầu trước bất kỳ thử thách nào để một lần nữa tạo nên những diệu kỳ bản lĩnh Việt Nam.

Hãy cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị này bằng cách chia sẻ câu chuyện của bạn tại Road to WeChoice 2020 kể từ ngày 22/09/2020.

Phượt thủ liệt hai chân đi khắp Việt Nam bằng xe lăn: Không mong người khác trầm trồ, chỉ muốn bù đắp thanh xuân từng đánh mất - Ảnh 13.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM