Project Syndicate: Không nên quá lạc quan vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu

(Tổ Quốc) - Nền kinh tế thế giới đã có những tín hiệu đi lên từ vực sâu của đợt lao dốc COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên sự phục hồi diễn ra rất mờ nhạt và không đồng đều, hơn nữa tình trạng này có khả năng sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Những điểm sáng

Đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19, các quốc gia trên thế giới vừa phải đảm bảo các biện pháp ngăn chặn vi rút chặt chẽ đồng thời cần nhanh chóng đưa ra các gói kích thích tài khóa phù hợp. Nếu không có những chính sách kịp thời sẽ dẫn đến nhu cầu và niềm tin người dân liên tục giảm, tăng trưởng toàn cầu cũng tiếp tục chững lại trong tương lai.

Vượt qua những hạn chế về sức khỏe cộng đồng và mối lo ngại cản trở nhu cầu sử dụng dịch vụ, thương mại hàng hóa thế giới đã cho thấy những tín hiệu tích cực phản ánh sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế.

Hơn nữa, thị trường tài chính đã hoạt động tốt một cách bất ngờ, thị trường chứng khoán ở nhiều quốc gia đang phục hồi và thậm chí vượt mức trước đại dịch. Mặc dù lãi suất gần bằng 0, hệ thống ngân hàng và tài chính tương đối ổn định. Thêm vào đó, nhu cầu của người tiêu dùng và công nghiệp đã thúc đẩy giá hàng hóa  và giá dầu phục hồi.

Tuy nhiên...

Nền kinh tế thế giới đã có những tín hiệu đi lên từ vực sâu của đợt lao dốc COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên sự phục hồi diễn ra rất mờ nhạt và không đồng đều, hơn nữa tình trạng này có khả năng sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Theo cập nhật mới nhất Báo cáo Brooking - Financial Times về chỉ số phục hồi kinh tế toàn cầu (TIGER) cho thấy nhiều nền kinh tế có tăng trưởng bằng không hoặc âm. Niềm tin của khu vực tư nhân cạn kiệt và cuộc chiến chống dịch chưa thể kết thúc dẫn đến nguy cơ của một "vết sẹo kinh tế" sâu rộng ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Điều này đúng ngay cả với những nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Dù quốc gia này đã xoay chuyển tình thế kịp thời, hoạt động công nghiệp và thị trường lao động đã cho thấy những tín hiệu tích cực, tỷ lệ thất nghiệp giảm và số việc làm tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao và số việc làm thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp dài hạn, cùng với gián đoạn khu vực dịch vụ mang lại những thách thức lớn cho phục hồi nền kinh tế.

Hàng loạt các biện pháp kích thích tài khóa đã hết hiệu lực và những cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới liên tục thất bại. Mục tiêu tăng trưởng bền vững quá xa vời khi thu nhập khả dụng hộ gia đình giảm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân yếu đi, đầu tư kinh doanh lao dốc.

Ngay cả các thị trường chứng khoán, vốn đã trải qua một đợt phục hồi mạnh hồi đầu năm cũng đang dừng lại, điều này có thể phản ánh những lo ngại về chiến lược ngăn chặn đại dịch đang được chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, sự không chắc chắn về chính sách khiến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp càng giảm sút.

Khu vực đồng Euro thậm chí còn tồi tệ hơn khi đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn và giảm phát làm tăng nguy cơ nền kinh tế sẽ giảm sâu và kéo dài trong tương lai. Lĩnh vực dịch vụ của Vương quốc Anh đã trải qua một sự hồi sinh nhưng sự kết hợp của các chính sách cách li thất thường và những bất ổn sâu rộng xung quanh Brexit đang góp phần khiến nền kinh tế tiếp tục thu hẹp.

Trong khi đó, ở phía bên kia thế giới, Nhật Bản cũng đang gặp rủi ro nghiêm trọng về kinh tế, mặc dù cho đến nay nước này đã tránh được tình trạng giảm phát trở lại.

Hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi cũng không tăng trưởng tốt. Ấn Độ đang trải qua sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế, có thể trở nên trầm trọng hơn do sự gia tăng kinh hoàng trong số lượng ca nhiễm COVID-19, nguyên nhân bởi việc nới lỏng các biện pháp cách li. Chính phủ đã thúc đẩy một số cải cách về nông nghiệp và thị trường lao động, nhưng hệ thống ngân hàng đang phải gánh hàng loạt các khoản nợ xấu dẫn đến kìm hãm tăng trưởng.

Brazil và Nga có kết quả khả quan hơn một chút khi cả hai nước đều đã trải qua những suy thoái kinh tế, nhưng chưa có chính sách đòn bẩy thích hợp để phục hồi tăng trưởng.

Một quốc gia đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ là Trung Quốc, phần lớn nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch Covid-19. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tại Trung Quốc đã phục hồi, doanh số bán lẻ và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng gia tăng. Theo nhiều chỉ số, hoạt động kinh tế của đất nước hiện nay thậm chí còn mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch.

Tuy nhiên, khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự hồi phục mạnh mẽ của Trung Quốc không có khả năng tác động nhiều đến phần còn lại của nền kinh tế thế giới. "Chiến lược lưu thông kép" được công bố gần đây của Trung Quốc - theo đó nước sẽ củng cố phụ thuộc vào sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước để phát triển lâu dài.

Thêm vào đó, những ngân hàng trung ương lớn có ít hỏa lực hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Nhiều ngân hàng trung ương lớn đã theo đuổi chính sách mở rộng tiền tệ chưa từng có để hỗ trợ hoạt động kinh tế và chống giảm phát. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thậm chí đã phải điều chỉnh khuôn khổ chính sách và chấp nhận mức lạm phát cao hơn. Các ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế nhỏ hơn, chẳng hạn như Úc và New Zealand, hay các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, cũng áp dụng những biện pháp chưa từng có tiền lệ.

Các giới hạn của chính sách tiền tệ đối với việc thúc đẩy tăng trưởng ngày càng trở nên rõ ràng. Trong khi đó, việc mua lượng lớn trái phiếu công ty và trái phiếu chính phủ cùng với hoạt động tài trợ trực tiếp cho các công ty, đang tạo ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sự độc lập của ngân hàng trung ương.

T.N

Tin mới