• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quân bài tàu ngầm trong cuộc cạnh tranh quyền bá chủ ở Đông Á

Thế giới 04/10/2016 06:48

(Tổ Quốc)- Chống tàu ngầm Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương là lực lượng chống ngầm Hạm đội 7 Mỹ. 

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tàu ngầm phần nào bị xem thường. Hiện nay nó lại trở thành một lực lượng chủ lực của hải quân nhiều nước trên thế giới. Khi xảy ra chiến sự, tàu ngầm có thể tiêu diệt cả một hạm đội; tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. Tàu ngầm còn có thể thu thập tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền.

Quân đội Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Á đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển, mua và triển khai các tàu ngầm, bởi vì những tàu chiến mặt nước hay máy bay chiến đấu, dù tối tân đến đâu cũng khó mà tránh được các tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không. Cho nên, hải quân nhiều nước tăng cường lực lượng tàu ngầm để tiến hành một số chiến dịch tấn công.

Các lực lượng tàu ngầm non trẻ của các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu nhập cuộc.

Trung Quốc có lực lượng tàu ngầm lớn nhất tại châu Á

Hải quân Trung Quốc có khoảng 65 tàu ngầm các loại trong đó có 6 tàu ngầm nguyên tử tấn công, 12 tàu ngầm lớp Kilo có ưu thế chiến trường trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Quân đội Trung Quốc đang tiếp tục đóng tàu ngầm mới và khả năng đến năm 2026, Trung Quốc sẽ có khoảng 72 đến 81 tàu ngầm các loại. Đồng thời, hồi tháng 3/2013, trong chuyến đến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thỏa thuận mua của Nga 4 tàu ngầm lớp Lada, bên cạnh 24 máy bay chiến đấu Su-35. 

Tàu Lada duy trì khả năng ít bị phát hiện, lặn sâu, hoạt động dài ngày so với tàu ngầm lớp kilo. Vào lúc Việt Nam ký thỏa thuận thuận mua 6 tàu kilo vào năm 2009, hải quân Nga bắt đầu thay thế tàu kilo bằng lada cho các hạm đội của Nga. Trung Quốc quan tâm đến tàu ngầm lada vì nó thích hợp với nhiệm vụ tác chiến ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo tạp chí tình báo quốc phòng IHS Jane’s, các quan chức quân sự của Mỹ đã xác nhận rằng Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một tàu ngầm năng lượng hạt nhân đạn đạo lớp Type-094 nhằm mục đích răn đe hạt nhân. Nếu nhận định này đúng thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một tàu ngầm hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Do quân đội Trung Quốc luôn giữ bí mật các thông tin nên vẫn chưa thể xác nhận liệu chiếc tàu ngầm này có thực sự trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không. Đô đốc Mỹ Cecil Haney nhận định: “Trung Quốc có thể cài đặt tên lửa trong các cuộc tuần tra chiến lược của họ. Nếu có, đây sẽ là một bước tiến mới trong chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh”.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Mississippi của Mỹ: Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong về công nghệ đóng tàu ngầm thế giới

Lực lượng Mỹ-Nhật Bản đối chọi với tàu ngầm Trung Quốc

Hiện thực hóa chiến lược “chiến tranh chống ngầm” của Hải quân Mỹ chống lại đối tượng tác chiến tiềm năng – hạm đội tàu ngầm Trung Quốc – là tổ chức lực lượng chống ngầm liên minh các nước đồng minh và đối tác của Mỹ thành một hệ thống thống nhất với sự hậu thuẫn của Hải quân Mỹ mà lực lượng tác chiến chủ đạo trên vùng nước Tây Thái Bình Dương là lực lượng chống ngầm của Hạm đội 7 Mỹ.

Hai bài viết của nhà bình luận quân sự Dave Majumdar trên báo National Interests (Mỹ) cho biết Hải quân Mỹ có 71 tàu ngầm, trong đó có 47 tàu ngầm nguyên tử tấn công và 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Chưa rõ số lượng tàu ngầm của Mỹ hoạt động tại Tây Thái Bình Dương là bao nhiêu, những trong nỗ lực xoay trục sang châu Á, Bộ quốc phòng Mỹ chủ trương đến năm 2020 sẽ triển khai theo tỷ lệ 60/40 lực lượng  quân sự Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thống kê của các chuyên gia nước ngoài, Nhật Bản có biên chế 16 tàu ngầm diesel, có 80 máy bay chống ngầm P-3 Orion và 2 chiếc máy bay chống ngầm P-1 Kawasaki, 140 máy bay trực thăng chống ngầm SH-60J và SH-60K. Lực lượng này phối hợp với lực lượng chiến hạm nổi của Nhật Bản có thể là một lực lượng chống ngầm mạnh trên biển Hoa Đông 

Các đơn vị đặc biệt chống ngầm của Mỹ có mục tiêu then chốt là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ các tàu ngầm đang hoạt động trên vùng phóng tên lửa, nhưng quan trọng bậc nhất là phát hiện, theo dõi và có các biện pháp ngăn chặn ngay từ khi tàu ngầm ra khỏi căn cứ đóng quân và đang trên đường tập kết khu vực tổ chức đội hình hành quân chiến đấu. Trong điều kiện thời chiến, quá trình theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tàu ngầm địch cho phép tiêu diệt đối phương tại thời điểm bắt đầu chiến tranh. Chính vì vậy, hoạt động theo dõi tàu ngầm đối phương sẽ buộc các tàu phải hoạt động trong vùng phòng không của các chiến hạm nổi mang tên lửa phòng không hiện đại, giảm thiểu tối đa hiệu quả tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. 

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, khả năng phát hiện và tiêu diệt được tàu ngầm đối phương khi đã tập kết tại khu vực chiến đấu thực sự khó khăn, do đó chiến thuật hiệu quả nhất sử dụng lực lượng chống ngầm là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ các vùng nước then chốt của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ví dụ như eo biển Tsushima, eo biển Luzon, eo biển Đài Loan, eo biển Malacca…

Phương án tối ưu được lựa chọn để chiến đấu chống lại tàu ngầm đối phương là tổ chức theo dõi chặt chẽ các tàu ngầm của đối phương trong điều kiện thời bình và tiêu diệt các tàu ngầm đối phương khi xảy ra chiến tranh, làm cho các tàu ngầm đó không thể tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình.

Cuộc chiến tranh chống ngầm trên vùng nước Biển Đông và biển Hoa Đông cần được sử dụng tất cả các phương tiện chống ngầm hiện có của lực lượng Hải quân Mỹ tại khu vực và lực lượng chống ngầm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, và các nước đồng minh của Mỹ.

Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công nghệ tàu ngầm, bảo đảm thế thượng phong cho đội tàu ngầm của họ. Hải quân Mỹ đang dự trù trang bị cho tàu ngầm lớp Virginia một module đặc biệt mới vào năm 2019 để tàu ngầm này có thể phóng và thu hồi các tàu ngầm không người lái, một phương tiện quân sự được dự báo là sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tương lai./.

Lưu Việt

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ