• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ Mỹ-Triều: Dư âm Hà Nội

Thế giới 05/03/2019 08:57

(Tổ Quốc)- Ông Trump chủ động kết thúc các cuộc đàm phán cuối sáng 28/3 phục vụ nhu cầu đối nội.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội đã để lại dư âm lâu dài đối với việc giải quyết những vấn đề gai góc trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp đầu tiên tại Singapore nêu 3 vấn đề chính: bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều, Hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, và phi hạt nhân hóa đi kèm với xóa bỏ cấm vận. Cuộc gặp Singapore "phá băng", cuộc Việt Nam nhằm cụ thế hóa các lộ trình thực hiện các vấn đề ấy.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, hai bên đã dự thảo xong tuyên bố kết thúc chiến tranh. Về thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đạt được thoả thuận sẽ lập văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau.

Quan hệ Mỹ-Triều: Dư âm Hà Nội - Ảnh 1.

Cuộc gặp tại Việt Nam nhằm cụ thế hóa các lộ trình thực hiện các vấn đề gai góc trên bán đảoTriều Tiên. (Nguồn: AP)

Về vấn đề phi hạt nhân hoá, Mỹ đưa phương án cao: kiểm kê đầy đủ các cơ sở hạt nhân, số lượng chủng loại đầu đạn, các phương tiện phóng; yêu cầu Triều Tiên chấp nhận thanh sát không giới hạn; phá huỷ tại chỗ các cơ sở; chuyển khỏi Triều Tiên một số những phương tiện, nguyên liệu nhạy cảm như các đầu đạn hạt nhân, các phương tiện phóng, đặc biệt là tên lửa tầm xa. Mỹ yêu cầu Triều Tiên thống kê các chuyên gia hạt nhân; cuối cùng, có cơ chế giám sát và đảm bảo thực thi.

Phía Triều Tiên chỉ muốn thực thi từng bước và có lộ trình; không chấp nhận kê khai đầy đủ những điều Mỹ đòi hỏi; đề nghị gỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận.

Điểm mấu chốt dẫn đến hai bên không ký được tuyên bố chung là bất đồng về gói cấm vận và vấn đề phi hạt nhân hoá.

Ông Trump là người chủ động kết thúc các cuộc đàm phán mà không ký kết các thỏa thuận, một phần, vì muốn chứng tỏ với dư luận Mỹ rằng, ông ta là một nhà thương lượng cứng rắn, không phải là người dễ dàng thỏa hiệp có hại cho lợi ích của Mỹ.

Hai năm qua, trong nhiều vấn đề quyết sách, ông Trump thường dựa theo cảm xúc, không phải lúc nào cũng nghe theo các cố vấn. Nhưng lần này Tổng thống đã nghe theo các cố vấn. Theo một số nguồn tin, các thành viên cao cấp như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, khuyên ông Trump nên từ bỏ đàm phán nếu các cuộc đối thoại tỏ ra không hiệu quả. Trước Hội nghị vài ngày, thậm chí vài giờ, ông Trump được cảnh báo các nhà đàm phán Triều Tiên không thay đổi yêu cầu của họ về các lệnh trừng phạt trong các cuộc họp sơ bộ với phái đoàn Mỹ do Stephen Biegun, đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên, dẫn đầu.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, người đứng cùng ông Trump trong cuộc họp báo Hà Nội chiều 28/2, cho biết bất chấp cuộc đàm phán lúc 11:00 giờ kết quả thế nào, "chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho khả năng (không có thỏa thuận) này".

Cuộc đặt cược lớn của hai bên

Tờ Nhật báo Hoa Nam buổi sáng ngày 2/3 dẫn ý kiến của một chuyên gia Mỹ cho rằng, điều bị xem là "thất bại" tại Hà Nội thực tế lại tạo nền tảng vững chắc hơn cho những cuộc đàm phán tương lai… "Thất bại" sẽ giúp hai bên hiểu hơn về những điều bên đối thoại mong muốn.

Cần biết rằng quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã diễn ra hơn 2 thập kỷ; 3 đời tổng thống Mỹ đã tìm cách giải quyết nó, mà không thành công. Nó xứng đáng được các nhà lãnh đạo hai nước hiện nay thử nghiệm một "con đường mới". Điều này đòi hỏi tầm nhìn, sự dũng cảm và nghệ thuật đàm phán "cho và nhận".

TNS Mitchell McConnell, lãnh tụ phe đa số Thượng nghị viện Mỹ, nhận xét: "Thật là khôn ngoan khi gặp gỡ Kim Jong-un tại Singapore và Việt Nam để chứng minh về sự thịnh vượng kinh tế (mà Triều Tiên) có thể đạt được nếu ông Kim lựa chọn một con đường mới. Ngoại giao cấp cao có thể đi liền với rủi ro ở mức cao. Nhưng Tổng thống (Trump) đáng được biểu dương vì đã kết thúc cuộc gặp khi thấy rằng đã không đạt được tiến bộ thích đáng về phi hạt nhân hóa".

Việt Nam – nước trung gian kiến tạo hòa bình

Việt Nam, bên thứ ba, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nước chủ nhà, đảm bảo cho Thượng đỉnh diễn ra trôi chảy. Chứng tỏ năng lực tổ chức cao, xã hội ổn định, an ninh, dân chúng thân thiện và hiếu khách. Việt Nam đã tạo điều kiện để hai bên đàm phán muốn thể hiện hay diễn vở kiểu gì như họ mong muốn. Các đại diện truyền thông quốc tế được tạo các điều kiện cần thiết để tác nghiệp.

Có lẽ ấn tượng lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên và các khách quốc tế, đó là Việt Nam đã thể hiện với thế giới về một xã hội cởi mở và lành mạnh. Điều này rất quan trọng khi gia nhập một xã hội toàn cầu như hiện nay.

Điều không kém quan trọng là quan hệ song phương Việt-Mỹ, Việt-Triều trưởng thành lên bước mới.

Điều mà Tổng thống Mỹ hiện nay đang thực hiện trong đàm phán với Triều Tiên có nét giống cuộc đàm phán Mỹ-Việt năm 1976, có thể là một kinh nghiệm hữu ích cho cuộc đàm phán hiện nay. Lúc đó các nhà đàm phán Mỹ ra sức thuyết phục Việt Nam không nêu Điều 21 (bồi thường chiến tranh) mà hãy thỏa thuận bình thường hóa, Mỹ sẽ hợp tác kinh tế với Việt Nam xây dựng sau chiến tranh. Một cơ hội bị bỏ lỡ, khi đến đầu năm 1977, quan hệ Trung-Mỹ chuyển giai đoạn gây bất lợi cho quan hệ Mỹ-Việt. Phải mất 20 năm thì Mỹ-Việt mới bình thường hóa. Và 15 năm nữa mới đạt tới quan hệ hợp tác đối tác như hiện nay.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội cho thấy hai bên đặt cược rất lớn vào cuộc đối thoại nhằm tìm ra giải pháp chấp nhận được cho vấn đề gai góc tại bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-un nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội sáng 28/2: "Nếu tôi không mong muốn làm điều đó thì tôi đã không có mặt tại đây"./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ