• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quán INDOCHINA của St.Petersburg

30/09/2013 15:16

(Toquoc)-Không có Cường chắc không chết ai nhưng Saint sẽ buồn hơn vì không được trở về ngôi nhà của mình ở nơi xa lạ. Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, đỡ khắc khoải vì thiếu món ăn quê mẹ.

Trên phố Engelsa, nhà 28, Thủ phủ St. Petersburg có quán Indochina. Quán của vợ chồng Cường - Thuý. Quán ngoại - giao- Nem !

Ngự song song với một giao lộ lớn, cái ngã ba Đông Dương này hình như mọc lên để đón khách, bày tỏ lòng hiếu khách với tất cả sự tận tình!

Mặt tiền 11m. Quán rộng chừng 150 m , có những ngày không chứa hết khách.

Sáng phở, mỳ tôm. Trưa cơm tự chọn dành cho nhân viên văn phòng. Tối cho dân nhậu , cho sinh nhật, cho tiệc đãi bạn bè, cho gia đình ngại nấu, cho kẻ đến nhâm nhi vì cãi nhau với vợ, xung khắc với bạn hàng, làm ăn thua thiệt và cả những kẻ thất tình hoặc may mắn bỏ rơi được một người đàn bà nào đó với tinh thần chỉ vui vẻ thôi chứ không thích đa mang trách nhiệm. Đại khái là đủ hạng người, nhiều quốc tịch. Nhiều nhất vẫn là người Nga và người Việt. Người Việt định cư và người Việt vãng lai.

Người Nga và người chủng khác vì lạ mà ăn. Ai chẳng tò mò và mê của lạ. Ăn dần hoá quen. Quen thấy ngon không chịu được lại ăn, vì cái của lạ này không sợ bị trói bởi câu ngạn ngữ" đi đêm có ngày gặp ma" nên lại ăn tiếp. Ăn chứ có làm gì ai mà sợ...

Người Việt thì theo lối" ngựa quen đường cũ". Mới vẫy tay chào vợ, khi máy bay chưa kịp cất cánh đã cồn cào nhớ... phở. Huống hồ, những người lìa quê hàng mấy chục năm trời, không cúi lạy linh hồn ẩm thực Việt là kẻ bội ơn. Cái loại người không nhớ quê, chối bỏ văn hoá, lắc đầu trước đậm đà ẩm thực quê choa ấy phải được liệt vào danh sách những kẻ âm mưu "Diễn biến hoà bình".

Quán vì thế mà đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, nhiều món. Món Việt được ưu tiên hơn cả: cơm, rau muống, cà pháo , sấu chua, mắm tôm, mắm cáy, chanh, ớt,tỏi... Đây là cái bếp di động từ Việt Nam sang vì có cả ...tiết canh vịt cơ mà!

*

*  *

Trước kia Indochina ở trong một Viện nghiên cứu của St. Petersburg. Một địa  điểm đã cũ kỹ đến tồi tàn. Giá thuê rẻ nhưng rồi bất ngờ bị lấy lại do đổi lãnh đạo. Con thuyền Đông Dương tưởng đắm.

Thế rồi Cường - Thuý cùng hai đứa con lại trục vớt nó lên, đặt nó lên Engelsa . Thế là lại có một Indochina gần ga tàu điện ngầm, gần đủ siêu thị, ở một khu mới mà người Việt quen gọi là Mỹ Đình của Hà Nội. Một quán có phong thuỷ thật đẹp, thật sáng và thật phát...

Cường vốn là tiến sỹ toán kinh tế, ở lại và vật lộn với Saint đã quá 20 năm. Bếp lửa chinh chiến quá 10 năm không ngừng nghỉ. Chắc Cường có số điện thoại của 1/10 dân số của các thành phố lớn ở Việt Nam thông qua du lịch, thăm thân và công tác và cũng chừng ấy dân Saint. Cộng đồng người Việt thì khỏi nói rồi. Ai cũng biết KoLia - Cường.

Đôi mắt buồn và tư lự thế kia chắc không nhiều may mắn mà lại lắm suy tư. Đừng rảo nhanh chân quá và đừng nhìn xuống thì bớt đi nhọc nhằn và lo lắng.  Nhưng nụ cười ngay ngắn biểu đạt một chừng mực lắm, lì lắm. Một duyên thầm có thể chết người !

Một nhà báo Cường cũng rất hay. Câu chữ cảm động, súc tích và cẩn trọng. Bình luận quốc tế sắc sảo quan điểm. Chỉ có điều... cái bếp nó cứ ám khói bận bịu  vào người.

 Một con thoi của các thuật toán hằng ngày...

Hoá ra từ củi lửa, cháo rau đến vũ đài toán học chỉ cách nhau một bến xe điện ngầm. Cách từ chợ nông trang về cái quán Indochina này.

Xin đừng lý thuyết và nói những lời to tát...

Người Nhật bắt đầu mình đâu phải bằng bom nguyên tử, leo lên mặt trăng hay sao Hoả, sao Kim mà bằng sản xuất đồ tiêu dùng bán ra khắp thế giới. Hàng Nhật đắt nhưng bền chắc và là vật nhân tính...

 Không có bàn tay lao động lương thiện nào bẩn cả ...

*

*  *

Chiều nay vợ chồng Cường lại ngoại giao nem cho một cặp vợ chồng mới cưới. Họ mời bạn bè thân thiết đủ các lứa tuổi. Cả hai vợ chồng đều yêu cầu món nem chứ không ai.... ăn chả .

Hứa hẹn một thuỷ chung bền chặt...

Thuý đang trộn bia vào với nước sôi để nguội , phết mềm những lá bánh đa mang sang từ quê nhà. Trộn miến, mộc nhĩ, thịt lợn xay nhỏ, hạt tiêu rải đều, miến ngâm mềm rồi thong thả, nhẹ nhàng đặt vào lá bánh và cuốn lại. Từng cái, từng cái một sắp hàng trên một chiếc đĩa lớn nuột nà.

Chảo mỡ lớn đã sôi sùng sục. Thả trôi từng cái  cho đến hết xèo xèo là vớt ra bỏng giãy.

Thơm điếc mũi. Beo béo. Ngầy ngậy. Bùi bùi. Cái vị của giỗ chạp, lễ tết quê hương...

Tây ăn xuýt xoa với vodka, rượu vang đỏ. Hít hà chán rồi nhảy, rồi ngã, rồi đứng dậy xin lỗi, rồi uống. Rồi cứ thế...

Cường trở thành Đại sứ ẩm thực Việt vô danh mà Nem là tiêu biểu.

Không có Cường chắc không chết ai nhưng Saint sẽ buồn hơn vì không được trở về ngôi nhà của mình ở nơi xa lạ. Ngôi nhà có ngọn lửa ấm , đỡ khắc khoải vì thiếu món ăn quê mẹ. Được nói tiếng của dân tộc mình. Có thể đề đạt những nhu cầu tưởng chừng hoang tưởng. "Cường ơi có mùi tàu và húng chó không?" . "Có chứ".

Hoá ra, cái gốc quê hương không bấng lên được, không di dời được .

Nó không phải là sự bảo thủ trong tình yêu mà là tình yêu không thể nào thay máu...

Xa Cường, Thuý, cháu Linh, Indochina Quán, nhớ như điên một góc đường vàng rực của Thu...

 (Gửi từ St. Petersburg 30/9/2013)


 

Mai Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ