Quảng Bình: Bệnh viện bị "nhấn chìm" trong trận lụt lịch sử, bác sĩ bồi hồi kể về 4 tiếng căng thẳng mổ sinh cấp cứu giữa tâm lũ

(Tổ Quốc) - Sau những ngày chìm trong biển nước, hiện tại Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh đang dồn nhân lực, khắc phục hậu quả, đi vào hoạt động ổn định để cứu chữa bệnh nhân.

Chia sẻ với PV sáng 23/10, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh cho hay: "Chiều tối ngày 18/10, nước lũ lúc đó dâng vào sân bệnh viện, nước lên rất nhanh. Ngay lúc đó, toàn bộ kíp trực và ban chỉ huy phòng chống thiên tai của bệnh viện tập trung cán bộ có thể đến được bệnh viện. Bên cạnh đó, chúng tôi huy động tối đa mọi lực lượng (gồm cả người nhà bệnh nhân) để kê, kích, vác tài sản, thiết bị máy móc ở tầng 1, rồi khẩn trương di chuyển bệnh nhân từ tầng 1 lên tầng 2."

"Đến 20h tối 18/10, nước đã ập vào nhà khoảng 60 cm, lúc đó chúng tôi vừa vận chuyển, vừa phải bảo đảm tính mạng cho cán bộ nhân viên an toàn để chiến đấu với lũ trong những ngày sau. Đến khoảng 12h đêm, mọi thứ có thể vận chuyển được coi như đã xong, chúng tôi điều chỉnh xem có thể cứu được chỗ nào nữa không nhưng nước đã dâng quá cao rồi", ông Tiến nói và cho biết thiệt hại theo thống kê ban đầu lên tới khoảng 8 tỷ đồng. 

Bệnh viện tại Quảng Bình tan hoang sau cơn ‘đại hồng thuỷ’ nhưng câu chuyện về tình người còn đáng giá gấp bội - Ảnh 3.

"Ngày 21/10, chúng tôi đã tiến hành mổ lấy thai ca cấp cứu không thể chuyển lên tuyến trên được tại bệnh viện. Sau khoảng 4 giờ thì mẹ tròn con vuông. Ngoài ca bệnh đặc biệt này, chúng tôi cũng tiếp nhận 3 ca tai nạn, trong đó có 1 trường hợp của đoàn cứu trợ bị ngã trật khớp vai được chúng tôi tiến hành xử lý nắn, chỉnh ngay tại sân bệnh viện lúc đó vẫn còn nước lũ", ông Tiến nói tiếp.

Bệnh viện tại Quảng Bình tan hoang sau cơn ‘đại hồng thuỷ’ nhưng câu chuyện về tình người còn đáng giá gấp bội - Ảnh 4.

Nói về những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh cho các bệnh nhân, ông Tiến chia sẻ: "Bệnh nhân được dồn về tầng 2 hết nên chúng tôi khám chữa bệnh lần lượt, xong phòng này sẽ đến phòng khác. Đặc biệt, khó khăn nhất là chúng tôi không có xuồng để di chuyển vì trận lũ vượt quá sức tưởng tượng nên bệnh viện không chuẩn bị phương tiện đó. Chúng tôi phải động viên cán bộ lội vào khác khu, mỗi người mang sẵn áo quần ướt để sang khu kia để thay rồi khám bệnh. Cần thiết thì chi viện, rất may, chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra".

Bữa cơm ăn vội của các y bác sĩ trong ngày nước rút. Một nữ y tá chia sẻ: "Lũ thế này thì chỉ quan trọng làm sao sửa sang lại mọi thứ thật nhanh để bệnh viện đi vào hoạt động phục vụ người dân sớm thôi, dân khổ quá rồi ạ:". 

Bệnh viện tại Quảng Bình tan hoang sau cơn ‘đại hồng thuỷ’ nhưng câu chuyện về tình người còn đáng giá gấp bội - Ảnh 6.

Là 1 trong số bệnh nhân trải qua cơn lũ lịch sử ở bệnh viện, bà Bùi Thị Tuyến cho biết, chân bà do bị nhiễm trùng bởi trận lụt lần trước nên nhập viện vào ngày 14/10. Hôm 18/10 nước lũ dâng cao, bà bị đau chân không thể di chuyển nên được bác sĩ cõng lên tầng 2. “Bác sĩ tốt lắm, như mẹ hiền ấy. Họ cõng tôi lên tầng rồi giúp đỡ nhiều lắm. Hoàn cảnh tôi rất khó khăn do chồng mất, con còn nhỏ nên không có ai giúp đỡ, toàn là bác sĩ chăm sóc trong những ngày qua. Các bác sĩ tốt lắm, tôi rất cảm ơn họ”.

Bệnh viện đang trở lại hoạt động, các y bác sĩ chung tay vào khắc phục hậu quả sau lũ để phục vụ cho người dân tốt nhất. Trong những ngày chiến đầu với cơn lũ lịch sử, vị giám đốc bệnh viện nhớ nhất là hành động của nhiều bác sĩ gần nhà, họ không quản khó khăn huy động người nhà đến giúp đỡ bệnh viện. Còn người nhà bệnh nhân cũng nhiệt tình, họ nói một câu mà ông Tiến nhớ như in : “Nếu bệnh viện cần gì thì thông báo cho chúng tôi biết”.

Đinh Huy

Tin mới