• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Ninh bước đầu hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa

Văn hoá 16/07/2020 16:12

(Tổ Quốc) - Quảng Ninh bước đầu hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa; Triển khai thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đất Tổ; Tập huấn về công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng trưởng thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Quảng Ninh bước đầu hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa

Theo Báo cáo Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, công tác triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua nhìn chung đạt được những thành quả nhất định.

Tỉnh đã bước đầu hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa: du lịch văn hóa đã từng bước phát triển và có những kết quả đáng ghi nhận, số lượt khách du lịch tăng dần hàng năm, doanh thu từ du lịch tăng dần đóng góp cho cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh; công tác tuyên truyền quảng bá trong lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Với những kết quả bước đầu đạt được cho thấy du lịch đã từng bước góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo được triển khai thực hiện và tăng cường theo đúng quy định.

Quảng Ninh bước đầu hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: quangninh.gov.vn

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức các ngành công nghiệp văn hóa tiếp tục được triển khai đến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí đã tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, qua đó góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.

Tỉnh đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 bao gồm: tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Triển khai thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đất Tổ

UBND tỉnh Phú Thọ đã có Báo cáo Sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh được sự thống nhất chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc hướng dẫn tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ trong các giai đoạn tiếp theo.

05 ngành: Du lịch văn hóa; Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Quảng cáo đều có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã tác động tích cực đến tư duy và nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp; cá nhân và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Bước đầu triển khai thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đất Tổ, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của tỉnh có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tập huấn về công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng trưởng thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Phú Thọ, ngày 15/7, 65 cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng trưởng thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tham gia Hội nghị tập huấn về công tác tuyên tuyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số do Sở VHTTDL phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc – Bộ VHTTDL tổ chức tại Bảo tàng Hùng Vương (thành phố Việt Trì).

Cụ thể, Hội nghị tập huấn 5 chuyên đề: "Một số chủ chương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác văn hóa dân tộc; công tác triển khai các chính sách cụ thể về lĩnh vực văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu"; "Xây dựng làng bản văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến về bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ rừng"; "Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn, xây dựng cơ sở tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở y tế…"; "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; xây dựng làng bản văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý nhà nước về gia đình và hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình ở cơ sở; bình đẳng giới"; "Công tác giữ vững an ninh, trật tự ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số".

Thông qua các nội dung được tập huấn, trao đổi, các cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng trưởng thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước về công tác tuyên truyền, bảo tồn văn hoá cho học viên, từ đó góp phần nâng cao năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ