• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Trị tháng 7 máu và hoa: Bài 3: Người lính Thành Cổ và lá thư kỳ lạ

Thời sự 24/07/2017 07:01

(Tổ Quốc) - Trong bức thư cuối cùng chưa kịp gửi về gia đình, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh nhắn đến người vợ trẻ “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh”. Lời nhắn nhủ đó không chỉ mang ý nghĩa riêng tư, đó còn như một lời nhắc nhở đối với thế hệ sau về sự hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sỹ.

Khi nói đến Quảng Trị, nhiều người thường nhắc đến địa danh Thành Cổ với 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa. Cách đây 45 năm, mảnh đất nhỏ bé này đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Để bảo vệ Thành Cổ, đã có hàng nghìn chiến sỹ của ta anh dũng ngã xuống và mãi mãi nằm lại nơi này.

Dự cảm thiêng liêng

Phần đông những chiến sỹ đã hy sinh ở Thành Cổ khi tuổi đời còn rất trẻ. Các anh có người vừa mới lập gia đình, có người còn chưa kịp có người yêu. Thế nhưng nhiều người trước lúc ngã xuống vẫn thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng.

 Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng nghìn chiến sỹ của ta đã anh dũng ngã xuống và mãi nằm lại nơi đây.

Tại Bảo tàng Thành Cổ hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, trong số đó có lá thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bức thư được anh viết gửi cho gia đình vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của chiến tranh đang vào lúc cao trào.

Đó là ngày 11/9/1972, trước ngày anh hy sinh 3 tháng 20 ngày (2/1/1973). Hiện vật là minh chứng hùng hồn cho tinh thần lạc quan, quả cảm của những người lính Thành Cổ ngày đó.

Trước khi lên đường nhập ngũ, liệt sỹ Huỳnh là sinh viên năm thứ 4 khoa Xây dựng, khóa 13 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bức thư viết vội ngày ấy chính là nỗi niềm, tâm tư tình cảm của anh dành cho người mẹ già, cho người vợ mới cưới được 7 ngày và những người thân khác đang ở quê nhà.

Nội dung bức thư là những dự cảm thiêng liêng của một người lính. Dường như liệt sỹ Lê Văn Huỳnh biết trước được sự ra đi của mình nên đã viết những lời dặn dò với những người thương yêu nhất.

 Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị.

Đầu thư, anh đã linh cảm được điều chẳng lành: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…”.

Tiếp đó là những dòng tâm sự của người con trai đối với người mẹ già. Anh trăn trở với mẹ bởi mẹ đã nuôi nấng anh khôn lớn nhưng chưa một ngày đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành đã vội lên đường nhập ngũ.

Trích thư: “Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm… Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Trước những dự cảm về tương lai của mình, liệt sỹ Huỳnh đã động viên mẹ già gác lại những đau thương để cùng hy vọng vào một ngày chiến thắng. Đoạn thư đã khiến nhiều người rơi nước mắt.

 Hành trang của một người lính Thành Cổ.

Tin ở ngày mai…

Không chỉ gửi lời biết ơn đến mẹ hiền, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh còn dành những dòng tình cảm đối với người vợ mà anh hết mực yêu thương. Theo anh, người vợ ấy vì anh mà phải chịu “nỗi buồn nhất và cũng là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời”.

Trong thư anh trăn trở:“Em thương yêu! Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì cùng em, chỉ mong em khỏe yêu đời”. Anh cũng dặn vợ: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu của anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương… Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh”.

Dù biết mình sẽ “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” nhưng lời thư anh gửi cho gia đình luôn trong tâm thế bình thản, khí phách hiên ngang đến lạ lùng. Trong thư anh luôn nhắc đến hai từ “Hòa bình”. Thế mới thấy được dù đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết thì người lính trẻ vẫn luôn giữ trọn niềm tin mãnh liệt vào ngày mà đất nước hoàn toàn chiến thắng. “..khi được sống hòa bình, hãy nhớ tới công anh”, lời nhắn nhủ đó không chỉ mang ý nghĩa riêng tư, đó còn như một lời nhắc nhở đối với các thế hệ sau về sự hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sỹ.

Nôi dung bức thư đặc biệt có đoạn nói lên tâm nguyện cùng lời hướng dẫn: “Ngày hòa bình, nếu có thương anh em hãy vào Nam đưa hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh khi đưa hàng sang sông. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng. Về đấy, tìm sẽ thấy mộ anh ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.

Cuối thư, người lính trẻ Lê Văn Huỳnh kết thúc bằng lời chào tạm biệt nhẹ nhàng và dự đoán ngày mình hy sinh khi bản thân vẫn đang còn sống: “Thôi con đi đây, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương. H đã hy sinh ngày 2/1/1973 (tức ngày 28/11/1972, Âm lịch). Con của gia đình”.

Bức thư được liệt sỹ Huỳnh nhờ một đồng đội quê ở Thanh Hóa gửi giúp, tuy nhiên sau đó người này cũng hy sinh. Bức thư vẫn nằm trong chiếc ba lô, mãi đến tháng 3/1973 mới đến tay của người thân trong gia đình.

Nhiều du khách xúc động khi được nghe hướng dẫn viên đọc lại bức thư của liệt sỹ Huỳnh.

Theo lời hướng dẫn viên tại Bảo tàng Thành Cổ, nhờ sự chỉ dẫn trong thư mà vào năm 2002, chị Đặng Thị Xơ (vợ liệt sỹ Huỳnh) và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh. Những lời trong bức thư đúng đến lạ kỳ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải thôn Nhan Biều I. Hai thôn này nằm sát cạnh nhau.

Sau 45 năm, những dòng thư của người lính Thành Cổ vẫn khiến nhiều người kinh ngạc.

Được biết, lúc liệt sỹ Lê Văn Huỳnh lên đường nhập ngũ thì anh và chị Đặng Thị Xơ cũng mới cưới nhau được 7 ngày và chưa kịp có con. Ngày anh hy sinh cũng vừa tròn một năm ngày cưới.

Từ khi nghe tin chồng mất, chị Xơ đã không nghe theo lời anh “đi thêm bước nữa” mà vẫn ở vậy thờ chồng cho đến nay. Câu chuyện của anh chị khiến nhiều người xúc động bởi nó đẹp như tiểu thuyết giữa đời thường.

Nhiều du khách hôm nay khi đến thăm Thành Cổ đều bày tỏ lòng cảm phục trước sự quả cảm của những người lính như liệt sỹ Huỳnh. Có một cựu chiến binh Mỹ khi quay lại chiến trường Thành Cổ và đọc được lá thư này đã từng thốt lên rằng: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng. Vì các bạn biết trước tất cả. Các bạn biết mình sẽ hy sinh nhưng vẫn chiến đấu đến cùng cho đất nước của mình”.

Thế Trung - Đức Hoàng

Đức Hoàng - Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ