• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quên đi cuộc chiến thương mại: Mỹ đang nắm quân bài Trung Quốc lo sợ

Thế giới 14/03/2018 15:15

(Tổ Quốc) - Bất chấp sóng gió hiện tại, mâu thuẫn tiềm tàng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là vấn đề thép và sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu đang chuyển mối lo ngại từ xung đột trên bán đảo Triều Tiên sang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì những bất đồng Washington – Bắc Kinh kéo dài hàng thập kỉ về Đài Loan vẫn đang sôi sục. Đối với Trung Quốc, ít nhất, đó là một mối quan ngại nghiêm trọng hơn.

Mấu chốt trong quan hệ Mỹ - Trung

Fu-Kuo Liu, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, nói: "So với các vấn đề kinh tế và thương mại, vấn đề Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và nhạy cảm hơn về mặt chính trị. "Mỹ sẽ tính toán mối quan hệ với Đài Loan dựa trên lợi ích quốc gia của mình và Đài Loan sẽ là quân cờ (của Mỹ) trong quan hệ với Bắc Kinh".

Trong khi Mỹ là bên bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự thì Trung Quốc lâu nay luôn coi Đài Loan là một tỉnh và đã đề ra nguyên tắc "một Trung Quốc" khẳng định chủ quyền với Đài Loan - điều kiện tiên quyết của họ trong các mối quan hệ ngoại giao - kể cả với Hoa Kỳ.

Về thương mại, Trung Quốc đang tìm cách duy trì cái gọi là "sự bình tĩnh chiến lược" trong bối cảnh ông Trump tăng cường các mối đe dọa. Chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Trump áp đặt mức thuế cao đối với pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời ra cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, mức thuế mới về thép và nhôm của ông Trump sẽ áp dụng cho nhiều quốc gia, không chỉ riêng Trung Quốc.  Còn vấn đề Đài Loan – một trọng tâm trong “Giấc mơ Trung Quốc” của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thực sự là một đòn giáng nghiêm trọng hơn hẳn.

Trung Quốc luôn phản đối mọi thương vụ vũ khí Mỹ - Đài,

Việc ông Trump vừa sa thải Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, cựu giám đốc điều hành Exxon Mobil Corp. với nhiều năm kinh nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc đã gia tăng sự không chắc chắn cho vấn đề này.

Người được đề cử thay thế là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mike Pompeo, vài ngày trước đã cảnh báo về "mối đe dọa từ Trung Quốc" đối với lợi ích của Hoa Kỳ, mặc dù ông không nói gì về Đài Loan.

Một số quan chức an ninh quốc gia “diều hâu” Mỹ từ lâu đã ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Đài Loan như là một bức tường chắn chống lại Trung Quốc. Mặc dù Tổng thống Trump đã ra tín hiệu rằng ông có thể thử chiến lược này trong cuộc điện đàm chưa từng có tháng 12 năm 2016 với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, nhưng sau đó ông vẫn khẳng định lại ủng hộ nguyên tắc một Trung Quốc khi tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh về Triều Tiên.

“Sóng gió” Đài Loan nóng trở lại

Hiện tại, một loạt các động thái từ Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington đang kéo theo nguy cơ đưa vấn đề Đài Loan “nóng” trở lại. Một quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, đang có quan ngại rằng, ông Trump có thể chơi "quân bài Đài Loan" và chính phủ nước này cũng đã chuẩn bị để chống lại bất kỳ động thái nào từ Hoa Kỳ về vấn đề này.

Căng thẳng ngày càng gia tăng kể từ cuộc bầu cử năm 2016 tại Đài Loan – khi người đứng đầu đảng Dân tiến - ủng hộ Đài Loan tự chủ thắng cử. Bà Thái Anh Văn đã khiến Trung Quốc tức giận khi từ chối tán thành nguyên tắc một Trung Quốc và đưa ra đề nghị ký thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ và xúc tiến các thương vụ mua vũ khí Mỹ tiên tiến hơn.

Phản ứng lại, Trung Quốc đã gây áp lực lên bà Thái, thu hẹp số đồng minh ngoại giao ít ỏi của Đài Loan và triển khai các phi cơ quân sự "tuần tra " thường xuyên không phận xung quanh Đài Loan. Quyết định của Trung Quốc hôm Chủ nhật nhằm xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước báo hiệu việc Bắc Kinh vẫn hướng tới thực hiện cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về một cuộc “tái hợp hòa bình” với Đài Loan.

Trong khi đó, các đồng minh của Đài Loan trong Quốc hội Hoa Kỳ đã kêu gọi sự ủng hộ lớn hơn, tháng trước thông qua một đạo luật cho phép trao đổi ngoại giao với Đài Loan "ở mọi cấp độ", đặc biệt là "các quan chức an ninh quốc gia cấp cao."

Việc kí thông qua đạo luật này và tổ chức các chuyến thăm trao đổi như vậy báo hiệu ông Trump có thể sẽ “kiểm nghiệm” Trung Quốc về vấn đề  Đài Loan, thậm chí có thể ủng hộ các yêu cầu mua vũ khí tiên tiến như tiêm kích F-35 của tập đoàn Lockheed Martin từ Đài Loan.

Trong khi những động thái như vậy có nguy cơ gây ra một cuộc đối đầu với Trung Quốc, ông Trump đã thể hiện sự sẵn sàng sử dụng các đòn bẩy sẵn có khi ông giải quyết vấn đề Triều Tiên, chăm sóc sức khoẻ và nhập cư. Và ông sẽ phải áp dụng rất nhiều sức ép, nếu ông hy vọng Trung Quốc sẽ cắt giảm gần 100 tỉ USD trong thặng dư thương mại 375 tỷ USD với Mỹ.

"Đài Loan là một quân bài ngoại giao cho Trump khi ông ấy cần để thách thức Trung Quốc", ông Cheng Yu-Chin, giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị EU-Trung Quốc ở Prague, nói. "Trong tương lai, Đài Loan sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn nữa, khi họ bị kẹt giữa một Trung Quốc mạnh hơn và một nước Mỹ đề cao lợi ích quốc gia".

Các văn bản chính sách an ninh quốc gia do chính quyền Trump soạn thảo đã mô tả Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" và kêu gọi các nỗ lực lớn hơn để hỗ trợ các đồng minh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Hoa Kỳ hiện vẫn hỗ trợ quân sự cho Đài Loan theo đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.

Hiện tại, lập trường ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn cũng đang được một số thành viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ thúc đẩy. Thượng nghị sĩ Arkansas, Tom Cotton, một đồng minh của Trump, đã chỉ trích những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cô lập Đài Loan và nói rằng, sau khi Đạo luật Du lịch Đài Loan được thông qua vào tháng trước, thì "chỉ có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ mới có thể đẩy lùi tình trạng gây hấn này."

Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ sẽ không còn kiên nhẫn với Hoa Kỳ nếu Washington muốn nâng cấp mối quan hệ với Đài Loan. Vào tháng 12/2017, một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc ở Washington đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ "thống nhất" hòn đảo bằng quân đội nếu một tàu chiến Hoa Kỳ cập cảng Đài Loan.

Zhou Qi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết bất kỳ nỗ lực nào trong việc sử dụng quân  bài Đài Loan cũng sẽ trở thành đòn giáng ngược vào Mỹ.

"Đối với chính phủ Trung Quốc, Đài Loan là một vấn đề trọng yếu trong quan hệ Mỹ-Trung", Zhou nói. "Và điều này không thể được sử dụng như một quân cờ mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ