Hạm đội nào có thể tiếp sức Mỹ đối phó Hải quân Trung Quốc?

Tú Anh | 23-11-2020 - 19:37 PM

(Tổ Quốc) - Nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ có kế hoạch thành lập một hạm đội hải quân mới và tập trung bố trí ở Ấn Độ Dương có thể bộc lộ một vấn đề lớn đối với tham vọng của Trung Quốc.

Các lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc ở Khu vực Ấn Độ Dương có thể bị đe dọa khi Mỹ kêu gọi thành lập một hạm đội hải quân mới tại giao điểm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

“Chúng tôi không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 ở Nhật Bản. Chúng tôi phải hướng tới các đồng minh và đối tác khác của mình như Singapore hay Ấn Độ, và thiết lập một hạm đội được đánh số ở nơi nào đó đặc biệt phù hợp”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite gần đây đã cho biết như vậy.

Ấn Độ Dương là một tuyến đường biển quan trọng kết nối các hoạt động thương mại toàn cầu. Đối với Trung Quốc, đại dương này lại càng quan trọng khi 80% lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh đi qua Eo biển Malacca, cửa ngõ bận rộn nhất trên Ấn Độ Dương.

Tuy không tiết lộ nhiều thông tin chi tiết về quy mô của hạm đội được đề xuất hoặc liệu các tàu chiến từ những hạm đội khác có được điều chuyển cho hạm đội mới hay không và cách thức hoạt động của nó sẽ được phân định như thế nào với các đội khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhưng ông Braithwaite khẳng định “điều quan trọng là hạm đội có thể mang đến một sự răn đe ghê gớm hơn nhiều”.

Quốc gia Đông Nam Á nào có thể tiếp sức Mỹ “bóp nghẹt” Hải quân Trung Quốc? - Ảnh 1.

Một chiếc F/A-18E Super Hornet diễn tập trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan. Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương HQ Mỹ

“Vì vậy, chúng tôi sẽ thành lập Hạm đội 1, và chúng tôi sẽ bố trí nó, nếu không phải ở Singapore (ngay lập tức) thì cũng sẽ tìm cách biến lực lượng này thành hạm đội mang tính viễn chinh nhiều hơn để di chuyển qua Thái Bình Dương cho đến khi các đồng minh và đối tác của chúng tôi nhận thấy rằng nó có thể hỗ trợ cho họ tốt nhất cũng như cho chúng tôi”.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ có kế hoạch thành lập một hạm đội mới và tập trung bố trí ở Ấn Độ Dương có thể là một vấn đề đối với tham vọng của Trung Quốc trong khu vực vì nước này phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ Dương hơn là Tây Thái Bình Dương.

Song Zhongping, cựu chuyên gia của Lực lượng Pháo binh số 2, Quân đội Trung Quốc bình luận trên tờ South China Morning Post: “Việc thiết lập một hạm đội Hải quân Mỹ như vậy sẽ giống như bóp nghẹt yết hầu Trung Quốc. Nó sẽ làm tổn hại đến các lợi ích phát triển của Trung Quốc, xét trên khía cạnh chuỗi cung ứng năng lượng và hoạt động đầu tư cho các dự án trong chương trình Vành đai và Con đường”.

Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vào năm 2017 nhằm đối phó với việc Quân đội Trung Quốc không ngừng khuếch trương “sức mạnh cơ bắp” ở những khu vực chiến lược quan trọng.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng kế hoạch thiết lập một hạm đối mới của Hải quân Mỹ là một thách thức không nhỏ.

Timothy Heath, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao thuộc Tập đoàn Rand (Mỹ) nói rằng, Washington có thể dễ dàng thành lập một hạm đội mới nhưng việc xây dựng nó lại là một thách thức khác.

“Theo thời gian, hạm đội Hải quân Mỹ đã thu hẹp đáng kể và phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng các nhiệm vụ chỉ huy hiện nay. Nhiều khả năng, hạm đội mới có thể sẽ hoạt động với một số lượng nhỏ tàu, ít nhất là trong giai đoạn ban đầu”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM