• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc gia đông trẻ em nhất trên thế giới xử lý nạn bạo hành thế nào?

Giáo dục 28/11/2017 16:12

(Tổ Quốc) -Nạn bạo hành không chỉ là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, mà còn là mục tiêu xử lý hàng đầu của thế giới. Điều cần hơn hết là một hệ thống có thể chặn đứng hoàn toàn vấn nạn bạo hành trẻ em.

Bạo hành trẻ em không chỉ là vấn nạn tại Việt Nam mà còn là của toàn thế giới. Theo cuộc điều tra gần đây của một tổ chức viện trợ nhân đạo tại Ấn Độ, quốc gia chiếm 19% dân số trẻ em trên thế giới, cứ hai trẻ em Ấn Độ thì có một em đã bị bạo hành. Nhà ở và trường học đáng lý phải là nơi an toàn cho trẻ em, nhưng ngược lại, nhiều trường hợp bạo hành, bóc lột và bạo lực trẻ em đã xảy ra tại đây.

Năm 2013, chính phủ Ấn Độ đã soạn thảo chính sách quốc gia về trẻ em nhằm “xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em đáp ứng và thúc đẩy việc thi hành hiệu quả các biện pháp lập pháp và hành chính trừng phạt chống lại tất cả các hình thức bạo hành và bỏ rơi trẻ em.”

Mặc dù thành công trong việc phổ biến các văn bản pháp luật dành cho trẻ em như Luật Phòng chống Trẻ em khỏi Hành vi lạm dụng Tình dục năm 2012 (POCSO) và Đạo luật về Trẻ vị thành niên (Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em) năm 2015, hành động của chính phủ Ấn Độ trong việc tạo ra hệ thống phản hồi mạnh mẽ và đáng tin cậy vẫn bị đánh giá là khá nghèo nàn. Sự gia tăng tội phạm tàn bạo đối với trẻ em cho thấy phương pháp tiếp cận cộng đồng của Ấn Độ đối với vấn đề an toàn trẻ em trong các trường học vẫn chưa được theo dõi sát sao.

Bảo vệ tại trường học

Theo ước tính, trẻ em tại các thành phố lớn tại Ấn Độ phải ở nhà từ 8 đến 9 tiếng mỗi ngày, trong khi trẻ em ở các thị trấn nhỏ và nông thôn không ở nhà khoảng 5 đến 6 tiếng mỗi ngày. Trên thực tế, số trẻ em đang theo học tại gần 1.6 triệu trường học của Ấn Độ lớn hơn nhiều so với dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chính phủ Ấn Độ cần xây dựng một Chính sách Bảo vệ Trẻ em thống nhất cho tất cả các trường học, cả trường công lập và dân lập, và thậm chí cả các trường nội trú ở vùng sâu vùng xa.

Cần phải nói rằng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực đã ban hành hướng dẫn toàn diện về cơ sở hạ tầng vật lý như nhà vệ sinh riêng biệt, thích hợp cho trẻ em tại trường học. Các vấn đề này cũng liên quan đến nhân viên của trường chẳng hạn như kiểm tra lý lịch và nâng cao tinh thần. Tuy nhiên, những hướng dẫn này cần được thực hiện nghiêm túc và không thương lượng.

Chính sách nên nhấn mạnh đến đảm bảo việc tuyển dụng giảng viên và nhân viên trường sẽ diễn ra sau khi ứng viên được kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và đánh giá tâm lý. Nhiều trường công lập và tư nhân đã hỗ trợ và thực hiện quy trình này, nhưng tất cả các trường phải bắt buộc thực hiện quy trình đó. Ngoài ra, các trường buộc phải tuyển dụng tư vấn viên đã qua đào tạo để có thể ngăn ngừa và phát hiện việc bạo hành trẻ em. Tư vấn viên có thể là giáo viên của trường đã trải qua huấn luyện hoặc đã hoạt động trên tư cách tư vấn viên. Ngoài ra, tất cả giáo viên cần tăng cường cảnh giác về nạn bạo hành trẻ em, được huấn luyện cách phát hiện các biểu hiện bạo hành trẻ em cũng như nắm rõ luật pháp như Đạo luật POCSO và báo cáo các hành vi đó.

Các buổi học về an toàn và phòng ngừa bạo hành cho trẻ em phải trở thành một phần của chương trình học. Trẻ em cần có một điểm liên hệ được chỉ định và yên tâm rằng có một không gian an toàn cho trẻ để có thể nói và được lắng nghe.

Tiếp cận tư vấn

Thay vì tìm kiếm các giải pháp, người Ấn tìm kiếm “thủ phạm” và “động cơ”. Tất nhiên, kẻ phạm tội phải bị trừng phạt, nhưng hơn thế nữa, họ cần một hệ thống có thể vĩnh viễn chặn đứng nạn bạo hành trẻ em.

Một cuộc đối thoại cởi mở liên quan đến cả ba bên liên quan: nhà trường,phụ huynh và Chính phủ có thể hướng tới việc xây dựng môi trường phù hợp cùng với xây dựng cơ chế phản ứng phòng ngừa. Cha mẹ cần phải hiểu rằng bảo đảm an toàn cho con cái họ là trách nhiệm của cả tập thể.

Cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách làm giám sát cẩn thận, đảm bảo rằng các trường học tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về bảo vệ trẻ em và đảm bảo rằng bất kỳ trường hợp bạo hành nào cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm chung và không thể được thực hiện độc lập bởi nhà trường, cha mẹ hoặc chính phủ. Tất cả phải hợp tác để đảm bảo những trường hợp ngược đãi trẻ em sớm lùi vào quá khứ, thay vì trở thành vấn đề nhức nhối như hiện nay.

Kim Chi

NỔI BẬT TRANG CHỦ