• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy mô thành phố Huế đã quá chật cho nhiệm vụ bảo tồn di tích

Văn hoá 31/10/2019 14:28

(Tổ Quốc) - Việc mở rộng địa giới hành chính TP Huế là nhu cầu khách quan, là cơ hội để người dân hưởng thụ những điều kiện sống, làm việc tốt hơn và quan trọng là thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy di sản Cố đô Huế.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên Huế) nêu ý kiến trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội sáng nay 31/10.

Theo đại biểu Phan Ngọc Thọ, cử tri Thừa Thiên Huế bày tỏ sự phấn khởi khi được quan tâm, động viên và hỗ trợ kinh phí bước đầu để triển khai di dời dân cư đang sinh sống ở khu vực 1 kinh thành Huế. Xác định đây là di dân lịch sử, Đảng bộ, chính quyền các cấp Thừa Thiên Huế đã tập trung mọi nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và đồng bộ đối với công tác bồi thường, di dời và tái định cư. Dự kiến trong năm nay dời khoảng 450 hộ đang sinh sống tại Thượng Thành. Công việc di dời với quy mô lớn về dân cư, phạm vi cũng như kinh phí sẽ tập trung vào năm 2020, vì vậy cử tri Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện để có thể hoàn tất giai đoạn một vào cuối năm 2020.

Quy mô thành phố Huế đã quá chật cho nhiệm vụ bảo tồn di tích - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng người dân đi thăm nơi ở mới sau di dời khỏi kinh thành Huế (ảnh Lê Chung)

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cho biết, song song với sự nỗ lực đầu tư chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới thành phố và các vùng phụ cận. Có thể phát triển thành phố Huế hiện nay với vai trò là trung tâm đô thị, là đô thị di sản thành phố, môi trường thành phố xanh, nhưng với quy mô diện tích 70km2 chỉ bằng 42% diện tích theo chuẩn thành phố thuộc tỉnh. Dân số 345.000 người mật độ dân cư trên 5000 người/km2 so với tiêu chuẩn từ 2.000 đến 3.000 người/km2. Mật độ xây dựng đã đạt trên 80%.

Tuy nhiên, thành phố Huế đang đứng trước áp lực gia tăng dân số, hạ tầng xã hội quá tải, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo kết nối đồng bộ. Vùng ven thành phố Huế đã đô thị hóa từ lâu nhưng lại quản lý bằng bộ máy chính quyền nông thôn.

"Quy mô thành phố Huế đã quá chật cho nhiệm vụ bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế là nhu cầu khách quan, là cơ hội để người dân hưởng thụ những điều kiện sống, làm việc tốt hơn và quan trọng là thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy di sản Cố đô Huế. Là cơ sở và điều kiện để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Thuế sớm trở thành thành phố Trung ương theo hướng đô thị di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường"- Đại biểu Phan Ngọc Thọ nhận định.

Theo Đại biểu Phan Ngọc Thọ, việc điều chỉnh thành phố Huế ảnh hưởng đến một số tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính đối với một số địa phương cấp huyện lân cận nhưng cử tri Thừa Thiên Huế mong muốn được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thành và thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố Huế, cũng như ổn định mô hình các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay của địa phương./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ