• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản trước Cách mạng công nghiệp 4.0

23/04/2018 13:00

(Cinet)- Các nhà xuất bản cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình, đồng thời cũng cần tôn trọng và thực hiện tốt các điều khoản về quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định hướng dẫn liên quan - ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.

(Cinet) - Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet, hoạt động sáng tạo và các sản phẩm trí tuệ có sự tăng trưởng và sự đầu tư mạnh mẽ. Nếu năm 2007 số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam là 17.718.112 người thì đến năm 2017 đã tăng lên 64 triệu người (tức là khoảng 67%) dân số. Sự phát triển mạnh mẽ của internet tạo ra sự dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin, gia tăng số hóa các sản phẩm trí tuệ kéo theo sự gia tăng các vi phạm về quyền tác giả, lĩnh vực xuất bản không phải là ngoại lệ.



Gia tăng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản

Sách tiếng Anh 3D. Nguồn: NPD Trang

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với sự kết hợp các công nghệ và thông tin đã tạo ra sự thay đổi của toàn bộ hệ thống xuất bản. Cách mạng 4.0 mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống (sách in giấy) được giảm đi rất nhiều để đến được tay độc giả nhiều nhất, nhanh nhất với đa dạng các loại hình từ ebook, audio book, mulitibook…



Bà Trần Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sách Thái Hà nhận định, trong 5 năm gần đây các hội sách diễn ra ngày một nhiều, ngoài các hội sách offline, hiện nay còn có các hội sách online như tiki, fahasha. Các sản phẩm sách cũng rất đa dạng, ngoài audio book, ebook còn có các thể loại sách tương tác, sách 3D, 4D… tăng khả năng trải nghiệm thực tế cho độc giả.



Tuy nhiên, bà Thảo cho biết, trong thực tế 1 năm Thái Hà Book xuất bản được khoảng 1.000 đầu sách thì đã có khoảng 1/4 số lượng sách đã bị vi phạm bản quyền, trong đó gồm sách giấy và đặc biệt là ấn bản e-book.

Bà Trần Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sách Thái Hà. Ảnh: Gia Linh

“Khi chúng tôi chuyển dạng file sang ebook việc bảo mật thông tin, bảo mật các file không phải đối tác nào cũng có nền tảng công nghệ đảm bảo vấn đề bản quyền. Đó cũng là lý do trong năm 2016, chúng tôi phải gửi công văn đến các trang web và trang mạng yêu cầu dỡ bỏ các file ebook vi phạm bản quyền. Trong đó, có đơn vị chia sẻ gần 100 cuốn sách của chúng tôi dưới dạng ebook. Audio book cũng là vấn đề nan giải với chúng tôi, khi các file này bị chia sẻ mà không được xin phép”, bà Thảo cho biết.

Bên cạnh đó, vấn đề quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản còn có mối liên hệ mật thiết với lĩnh vực thư viện. Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện quốc gia cho biết, trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phát triển của thư viện là thư viện số, thư viện điện tử. Sự phát triển đã đòi hỏi ngành thư viện đổi mới công tác phục vụ bạn đọc, phục vụ cộng đồng lẫn các dịch vụ liên quan đến thư viện. Sự phát triển này cũng khiến việc thực thi quyền tác giả được đặt ra.

Toàn cảnh Hội thảo "Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản" do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Thư viên Quốc gia tổ chức nhân dịp Ngày sách và bản quyền thế giới. Ảnh: Gia Linh

Bởi theo TS Nguyễn Trọng Phương – Thứ viện Quốc gia Việt Nam, thư viện có 4 chức năng chính gồm văn hóa, giáo dục, thông tin và giải trí. Chức năng liên quan nhất đến vấn đề bản quyền là chức năng thông tin. “Chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ thông tin và tiếp cận thông tin của bạn đọc. Trong hoạt động thư viện ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm quyền tác giả rất mong manh. Sao lưu, số hóa, tạo dựng dữ liệu… là những hoạt động chính liên quan chặt chẽ đến quyền tác giả” – TS Phương cho biết.

Ngành thư viện đang đứng trước một nghịch lý khó giải quyết, một mặt có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu tối đa của người sử dụng trong việc tiếp cận tài liệu, mặt khác, không xâm hại đến các quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi cung cấp tài liệu, bản sao cho người dùng, TS Phương nhận định.



Hoàn toàn có thể tìm ra đâu là tác phẩm “ăn cắp” bản quyền



Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện nay việc tìm kiếm, phát hiện các vi phạm về quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản dù khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. 

Ông Đặng Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giải pháp công nghệ AiBiz. Ảnh: Gia Linh

Ông Đặng Đình Long – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giải pháp công nghệ AiBiz -đơn vị sở hữu công nghệ giám sát việc sử dụng âm nhạc trên truyền hình cho biết: “Giải pháp công nghệ để phát hiện các vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản, thư viện không dễ, nhưng cũng không khó, vấn đề là khối lượng dữ liệu của chúng ta trên nền tảng big data.”

“Bản thân chúng tôi khi thực hiện giám sát bản quyền âm nhạc trên truyền hình thì phải ứng dụng công nghệ cao bởi lượng dữ liệu rất lớn và âm nhạc nằm ở khắp các nơi của các đài phát 24/24. Bạn có thể ứng dụng AI để nhận ra khu vực nào phát âm nhạc sau đó tập trung đối chiếu mẫu âm nhạc đó với mẫu trong cơ sở dữ liệu của mình. Nguyên lý đó có thể áp dụng với thư viện quốc gia hay với các nhà xuất bản để đối chiếu. Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi thư viện và các nhà xuất bản phải quyết liệt hơn”, ông Long chia sẻ.



Tác giả, nhà xuất bản cũng cần nâng cao ý thức về quyền tài sản, quyền tác giả



Trên phương diện pháp lý, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định “Cho đến nay Luật sở hữu trí tuệ và các Nghị định hướng dẫn liên quan như Nghị định 18, Nghị định 22, các căn cứ pháp luật có thể đủ để xử lý các vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản”. Tuy nhiên ông Hùng cho rằng các đơn vị cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình, đồng thời cũng cần tôn trọng và thực hiện tốt các điều khoản về quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định hướng dẫn liên quan. 

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL. Ảnh: Gia Linh

Đồng quan điểm với ông Bùi Nguyên Hùng, và là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ VHTTDL trong giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản, ông Ngô Mạnh Hùng – thanh tra viên chuyên ngành xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng vấn đề quan trọng là phải chứng minh được đâu là chủ thể quyền tác giả để tránh các tranh chấp xảy ra.

Đối với tác phẩm mua bản quyền trong nước hiện nay đang nổi cộm vấn đề đối với các tác giả đã qua đời nhưng không để lại di chúc. Chẳng hạn một tác giả có 3 người con và nhiều nhà xuất bản, công ty sách chỉ kỷ hợp đồng bản quyền với một người con. Một trong 3 người con này lại không chứng minh được họ được giao quyền xuất bản, được giao quyền thừa kế tác phẩm, quyền sở hữu tác phẩm. Như vậy làm nảy sinh các mâu thuẫn giữa các người con, và tranh chấp giữa các nhà xuất bản với nhau. Thực tế các tác phẩm của Tô Hoài và Đoàn Giỏi đã xảy ra các tranh chấp này, ông Ngô Mạnh Hùng chia sẻ.



Bên cạnh đó, ông Ngô Mạnh Hùng đề nghị các chủ thể bị vi phạm bản quyền phải kiến nghị đến các cơ quan có chức năng để xử lý. “Chúng tôi chưa nhận được đơn kiến nghị nào dù các đơn vị nói nhiều vi phạm”, ông cho hay.



Mặt khác, ông Ngô Mạnh Hùng cho rằng trước tiên chính các nhà xuất bản cũng đừng ham lợi nhuận để trốn tránh việc trả tiền cho các tác giả mà cần thực hiện nghiêm túc quyền tác giả trước khi kêu gọi cộng đồng thực hiện điều này./.

Gia Linh

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ