• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ra tay chặn Covid-19 kịp thời, kinh tế sẽ nhanh phục hồi: Chỉ cần nhìn vào Việt Nam và Đức!

Thế giới 10/07/2020 18:57

(Tổ Quốc) - Đức và Việt Nam, hai quốc gia đã sớm quyết định phong tỏa ngay khi đại dịch mới bùng phát, đã cho thấy sự phục hồi kinh tế hình chữ V.

Theo phát biểu của một số nhà kinh tế của hãng tin Business Insider trong tuần này, một thực tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn rằng các quốc gia phản ứng sớm và quyết liệt với dịch Covid-19 sẽ trải qua quá trình hồi phục kinh tế nhanh hơn.

Đức và Việt Nam, hai quốc gia đã sớm quyết định phong tỏa ngay khi đại dịch mới bùng phát, đã cho thấy sự phục hồi kinh tế hình chữ V. Cùng lúc đó, các quốc gia phản ứng chậm chạp như Ấn Độ và Brazil, sẽ có khả năng hồi phục kinh tế chậm hơn theo hình chữ L.

Đức hồi phục môi trường kinh doanh

Cách ứng phó của chính phủ Đức đã nhận được sự khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới vì đã ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh hiệu quả thông qua việc xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa nhanh, hệ thống y tế tốt cộng với một chút may mắn. Nước này có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhờ việc giám sát chặt chẽ những bệnh nhân dương tính và duy trì các đơn vị chăm sóc tích cực hoạt động không bị quá tải.

Tất cả những điều này đã góp phần vào sự phục hồi khá nhanh chóng của nền kinh tế Đức trong những tháng gần đây. Một chỉ số được coi là hàn thử biểu cho sự phát triển kinh tế của Đức là chỉ số môi trường kinh doanh Ifo. Chỉ số này đã tăng lên mức 86,2 trong tháng 6 từ mức 79,7 trong tháng 5, mức tăng 6,5 điểm và đạt cao hơn cả chỉ số này hồi tháng 3.

Các nhà phân tích tại hãng UBS cho biết một đánh giá về môi trường kinh doanh của Đức trong tháng 6 đã phản ánh những tác động tiêu cực của đại dịch đối với lĩnh vực sản xuất, trong khi chỉ số này trong các ngành dịch vụ đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hãng UBS nhấn mạnh rằng chỉ số Ifo vẫn báo hiệu sự suy thoái tương tự như đã từng diễn ra hồi tháng 7 năm 2009, nhưng cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều nhanh chóng chuyển sang "xu hướng tăng lên" do việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Hãng UBS dự báo GDP Đức sẽ tăng trưởng âm 9,8% trong quý II và tăng trưởng âm 6,3% trong quý III năm nay. GDP cả năm 2020 sẽ ở mức âm 6,3% và mức dương 4,6% vào năm 2021. Mặc dù dự đoán có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới, hãng UBS không hy vọng mức GDP cuối năm 2021 của Đức sẽ bằng với mức cuối năm 2019. Tuy vậy, so với các nền kinh tế khác, Đức đã tiến một bước rất xa rồi.

Ra tay chặn Covid-19 kịp thời, kinh tế sẽ nhanh phục hồi: Chỉ cần nhìn vào Việt Nam và Đức! - Ảnh 1.

Hãng UBS dự báo GDP Đức sẽ tăng trưởng âm 9,8% trong quý II và tăng trưởng âm 6,3% trong quý III năm nay. Ảnh: Reuters

Cách ứng phó dịch nghiêm ngặt của Việt Nam

Xa hơn về phương Đông, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trên cả nước vào ngày 23/4, sớm hơn hầu hết tất cả các nền kinh tế khác trừ tâm dịch Trung Quốc.

Cho đến nay, các chuyến bay nội địa đã được nối lại nhưng du lịch nước ngoài vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á nổi tiếng về du lịch, đã áp đặt những biện pháp chống dịch quyết liệt trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19.

Theo hãng UBS, chính phủ Việt Nam sẵn sàng tái áp dụng các hạn chế nếu các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và sự chính xác của biện pháp xét nghiệm ở quy mô lớn đã giúp chính phủ vững tâm mở cửa nền kinh tế. GDP Việt Nam đã giảm từ mức 7% trong quý IV năm 2019 xuống mức 3,8% trong quý I năm nay.

Cũng theo UBS, trong những năm gần đây, cho vay thế chấp là một hình thức đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam. Thị trường bất động sản tại Việt Nam dường như đang phục hồi nhanh chóng và dòng tiền đầu tư của các tập đoàn phát triển bất động sản chính vẫn tăng trưởng tích cực.

Mô hình phục hồi hình chữ L cho Mỹ Latinh, Mỹ và Ấn Độ

Miguel Chanco, chuyên gia kinh tế cao cấp về châu Á tại hãng Pantheon Macroeconomics cho biết, các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc đã ngăn chặn thành công sự bùng phát dịch trên quy mô lớn sẽ trải qua nhiều thành công hơn trong quá trình phục hồi kinh tế kế tiếp sau lần phục hồi ban đầu.

Ông Chanco nói rằng, nhiều nền kinh tế chính ở châu Á như Ấn Độ sẽ phục hồi theo mô hình chữ L.

Theo ông Simon MacAdam, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Capital economics, giai đoạn đầu của sự phục hồi kinh tế tại khu vực Mỹ Latinh khá "mờ nhạt", trong khi kinh tế Mỹ đang rơi vào tình trạng đình trệ do các ca nhiễm vẫn tăng ở mức báo động.

"Khu vực đồng euro nói chung đã chống dịch Covid-19 khá hiệu quả nên sự phục hồi của khu vực này cũng là một trong những điểm sáng của thế giới", ông MacAdam nói.

Ông chỉ ra rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu cũng xử lý tốt sự lây lan của dịch Covid-19, chỉ với một vài trường hợp gia tăng ở Bulgaria.

"Trong khi truyền thông thế giới liên tiếp đưa tin về sự coi nhẹ dịch bệnh Covid-19 của Tổng thống Brazil, khu vực Mỹ Latinh nói chung không quá chậm chạp trong quyết định phong tỏa nền kinh tế", ông MacAdam nói. "Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực này kém nhất trên thế giới".

Theo ông MacAdam, các nền kinh tế Bắc Âu áp dụng các biện pháp mạnh ngăn chặn sự lây lan virus. Tuy không thấy sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, nhưng các hoạt động trong nền kinh tế tại các nước này luôn duy trì ở mức gần nhất so với trước khi dịch xảy ra.

Phục hồi nhanh chóng ở Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore

Ngoài Đức và Việt Nam, Trung Quốc cũng đã cho thấy sự phục hồi kinh tế nhanh chóng mặc dù có sự gia tăng đột biến các ca nhiễm gần đây. Ted Fang, Giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty đầu tư Tera Capital có trụ sở tại Singapore cho biết: "Mặc dù sự phục hồi không trở lại mức của 2019, nhưng tôi nói kinh tế Trung Quốc đang ở mức 60% so với trước đó".

Các thị trường châu Á nhỏ hơn sẽ mất nhiều thời gian phục hồi vì vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại. Ông Fang nhấn mạnh rằng một số công ty Trung Quốc đang có ý định phát hành cố phiếu lần đầu tại Hồng Kông, mang đến cho các nhà đầu tư nhiều cơ hội kiếm tiền hơn nữa trên khắp Châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực về công nghệ nhờ khả năng mở rộng quy mô đầu tư.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, các nhà đầu tư lo lắng về xu hướng phát triển tiếp theo của thị trường.

"Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Indonesia là những thị trường tiêu dùng rất tiềm năng. Singapore luôn là nơi tuyệt vời để thiết lập trụ sở kinh doanh tại Châu Á, nhưng giờ đây quốc đảo đang trở nên quan trọng hơn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, các hình thức hỗ trợ tài chính hấp dẫn và khả năng kết nối với thế giới", ông Fang nói.

Ra tay chặn Covid-19 kịp thời, kinh tế sẽ nhanh phục hồi: Chỉ cần nhìn vào Việt Nam và Đức! - Ảnh 4.

Thu Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ