• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rắn với Hồng Kông, Đài Loan: Hé lộ nỗi ám ảnh từ thời "Bách niên quốc sỉ" của Trung Quốc

Thế giới 05/07/2020 06:45

(Tổ Quốc) - Trong bài phát biểu kỉ niệm 150 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết "kiên quyết chống lại" bất cứ ý định nào muốn chia rẽ đất nước.

Thời kỳ "Bách niên quốc sỉ"

"Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất cứ tổ chức hay đảng phái chính trị nào chia rẽ chủ quyền lãnh thổ ở bất cứ thời điểm hay hình thức nào", ông Tập Cận Bình phát biểu.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Tập là cam kết đưa Trung Quốc quay trở lại vị thế của một quốc gia vĩ đại, và xóa bỏ thời kì "Bách niên quốc sỉ" (Trăm năm ô nhục) dưới thời Nhà Thanh, khi các cường quốc phương Tây xâm lược và chia cắt và kiểm soát Trung Quốc.

"Đây là cam kết thiêng liêng đối với lịch sử và người dân", ông Tập nói trong bài phát biểu vào năm 2016, khi nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ bị chia rẽ một lần nữa.

Những lo lắng về sự chia cắt được Bắc Kinh thể hiện rõ thông qua những chính sách cứng rắn liên quan đến những vấn đề như Hồng Kông, hay Đài Loan, mà trong đó ông Tập đã tuyên bố sẽ sẵn sàng đưa Đài Loan trở về với đại lục kể cả bằng biện pháp quân sự, nếu cần thiết.

Các động thái chống chủ nghĩa ly khai không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Theo đó, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã thiết lập nguyên tắc đó và thông qua vào năm 1960. Điều khoản nêu rõ "bất cứ hành động nào nhằm làm chia rẽ một phần hay hoàn toàn sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của một quốc gia đều không phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Quan điểm này được chia sẻ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới - ví như việc Tây Ban Nha sẵn sàn đàn áp xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở vùng Catalan - là một phần lý do tại sao, "sau những xáo trộn về mặt chính trị trong suốt 1/4 thế kỷ trở lại đây, số lượng và hình thức các quốc gia trên bản đồ thế giới vẫn hầu như giữ nguyên", nhà văn Joshua Keating nhận định.

Tuyên bố chủ quyền không chính xác

Không ở nơi đâu, yếu tố này lại được thể hiện một cách mạnh mẽ như ở Trung Quốc. Trong bài vết trên tờ China Daily, Liu Xiaoming, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, đã phản hồi về sự quan ngại của London đối với vấn đề Đài Loan rằng hòn đảo này "là một phần không thể tách rời của Trung Quốc kể từ thời cổ đại".

Trong khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan kể từ thời điểm thành lập nước vào năm 1949, tuyên bố của ông Liu thực chất chưa hẳn đã chính xác. Bên cạnh thực tế một hòn đảo là một phần tách rời của một quốc gia, nơi mà chúng ta bây giờ gọi là Đài Loan đã trải qua một thời gian dài nằm ngoài sự kiểm soát của người Trung Quốc, trong đó đã từng nằm dưới sự kiểm soát của các nước thực dân, bao gồm Hà Lan và Nhật Bản.

Mặc dù vẫn giữ nguyên biên giới lãnh thổ từ thời phong kiến, kể từ sự sụp đổ của Nhà Thanh, Trung Quốc đã chuyển hướng trở thành một quốc gia dân tộc hiện đại. Kể từ khi chuyển hướng thành nền kinh tế thị trường vào những năm 80 của thế kỷ trước, chủ nghĩa dân tộc đã phát triển trở thành yếu tố chính danh cho nhiều lãnh đạo Trung Quốc, điều này dẫn đến việc xuất hiện trở lại nhiều biểu tượng của thời phong kiến trong quá khứ.

Khái niệm về quốc gia dân tộc cũng được Trung Quốc cố ý mở rộng về quá khứ, để thậm chí "nhận" những lãnh thổ từ thời phong kiến như Tây Tạng hay Tân Cương, khi những người dân có rất ít liên hệ về nguồn gốc, ngôn ngữ hay văn hoá với những người Trung Quốc là "một phần của Trung Quốc kể từ thời cổ đại", như Đại sứ Liu và nhiều quan chức khác nói.

Không chỉ vậy, nhiều khu vực cũng được Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền như khu vực dãy Himalaya, Biển Đông... thực tế cũng không hề được nước này nhắc đến cho đến cuối thế kỷ 18.

Ngoài ra, biên giới Trung Quốc thời nhà Thanh thường không được công nhận hoàn toàn sau khi nền cộng hoà được thiết lập. Sau khi Nhà Thanh sụp đổ, Mông Cổ đã tách ra và giành được sự độc lập từ Trung Quốc vào năm 1921 dưới sự ủng hộ của Liên Xô. Bất chấp việc một số người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc vẫn thường coi Mông Cổ là một phần của Trung Quốc, Bắc Kinh từ lâu đã công nhận Ulaanbaatar và tạo dựng mối quan hệ ngoại giao, thương mại bền chặt với Mông Cổ.

Minh Khôi

NỔI BẬT TRANG CHỦ