• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Rồng lửa' S-400 đối đầu tiêm kích Rafale: Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tên lửa S-400 tới Libya?

Thế giới 15/07/2020 16:55

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang tính đến việc triển khai hệ thống phòng không S-400 do Nga thiết kế đến Libya để bảo vệ lợi ích của mình.

Theo tờ Eurasian Times, Ấn Độ - nước chuẩn bị sở hữu cả S-400 và các máy bay Rafale do Pháp chế tạo sẽ theo dõi sát sao tình hình.

Việc hệ thống tên lửa S-400 đối đầu với máy bay chiến đấu Rafale có thể sớm trở thành hiện thực khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai các hệ thống phòng không của Nga tới Libya để đối phó với lực lượng không quân Pháp và Ai Cập – bên đang sử dụng nhiều loại máy bay chiến đấu, đáng kể là Mirage và Rafale.

Điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ bị phơi bày

Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu thiệt hại sau các cuộc tấn công của chiến đấu cơ Rafale ở Libya và đang tìm cách kích hoạt tên lửa S-400 của Nga như một biện pháp đối phó.

'Rồng lửa' S-400 đối đầu tiêm kích Rafale: Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tên lửa S-400 tới Libya? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ kì vọng S-400 phần nào có thể giúp họ giải quyết tình hình Libya.

Theo bản tin của EurAsian Times trước đó, các máy bay Rafale đã tránh được sự dò tìm của các radar và hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ để ném bom căn cứ không quân Al-Watiya ở Libya. Căn cứ không quân Al-Watiya được Ankara sử dụng và đây cũng là nơi cất giữ các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, các máy bay không người lái trinh sát Bayraktar B2 và Anka S. Căn cứ này cũng được bảo vệ bởi hệ thống phòng không MIM-23 Hawk.

Sau khi đã được trang bị kĩ càng như vậy và việc các máy bay chiến đấu Rafale có thể ném bom căn cứ Al-Watiya một cách dễ dàng đã kéo theo nhiều cuộc thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ và xem xét họ có nên triển khai các tên lửa S-400 tối tân của Nga ở Libya.

Theo bản tin của EurAsian Times, S-400 là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới với tính năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu trên không trong phạm vi 400 km. Hệ thống này được thiết kế để vô hiệu hóa máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung, và cũng có thể được sử dụng để đối phó với các loại khí tài trên mặt đất.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã mua được các hệ thống phòng không S-400 của Nga, nhưng Ankara đã không quyết định kích hoạt tên lửa này do nhiều yếu tố địa chính trị khác nhau. Hiện tại, Ankara chỉ triển khai kết hợp các hệ thống tên lửa MIM-23 Hawk tầm trung của Hoa Kỳ sản xuất, tên lửa tầm ngắn Hisar và súng phòng không Korkut ở Libya.

Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường lực lượng ở Libya là để hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) - được Ankara, Qatar và Italy hậu thuẫn, tiến hành cuộc tấn công chống lại lực lượng quân đội miền đông Libya (LNA), do tướng Khalil Haftar lãnh đạo – bên được Pháp, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE hỗ trợ.

Tuy nhiên, bằng việc triển khai các máy bay phản lực tiên tiến Rafale, thế cân bằng đã bị phá vỡ. Nhiều hạn chế của các hệ thống phòng không hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phơi bày và nhu cầu triển khai S-400 dường như đang nảy sinh.

S-400 đấu với Rafale

Basel Haj Jasem, một chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc triển khai S-400 ở Libya sẽ là một động thái mang lại "song thắng" cho Ankara. Hệ thống tên lửa S-400 không chỉ có khả năng vô hiệu hóa máy bay Rafale Pháp mà còn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Moscow, Washington đã không cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình chế tạo và vận hành các máy bay phản lực F-35 tối tân hồi năm ngoái và đe dọa Ankara là sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Mỹ không chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga và cho rằng khí tài này không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO và đe dọa khả năng tàng hình của các máy bay chiến đấu mới.

Hoa Kỳ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bán hệ thống tên lửa S-400 cho bên thứ ba, triển khai chúng ở một quốc gia khác hoặc cam kết bằng văn bản là không kích hoạt hệ thống.

Theo Jasem, một trong những kịch bản có lợi nhất có thể được ba bên chính chấp nhận là triển khai hệ thống S-400 ở Libya – điều phù hợp với các thỏa thuận an ninh và quân sự giữa Ankara và Tripoli và sau khi có sự nhất trí từ Moscow và Washington.

Chuyên gia này cho rằng, không chỉ là vấn đề về hệ thống tên lửa này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn duy trì sự cân bằng giữa Nga và Mỹ, và không muốn mạo hiểm mối quan hệ với bên nào bằng cái giá phải trả của bên kia.

Cuộc nội chiến ở Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Các quốc gia từng là đồng minh hiện là đối thủ và các quốc gia là kẻ thù hiện là đồng minh. Những gì xảy ra tiếp theo ở Libya là một điều khó đoán, nhưng các chuyên gia quốc phòng sẽ theo dõi chặt chẽ và xem liệu các máy bay phản lực Rafale của Pháp có thể vượt qua được các hệ thống phòng không S-400 của Nga hay không, trong trường hợp nó được đưa đến chiến trường này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ