• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân chơi âm nhạc dành cho giới trẻ: Quá nhiều nhưng vẫn thiếu

12/06/2009 17:20

Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt sân chơi âm nhạc dành cho giới teen đồng loạt xuất hiện. Cách thức tổ chức dù có khác nhau nhưng cái kết cuối cùng của mỗi cuộc thi chưa hẳn đã mang lại sự hài lòng cho công chúng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt sân chơi âm nhạc dành cho giới teen đồng loạt xuất hiện. Cách thức tổ chức dù có khác nhau nhưng cái kết cuối cùng của mỗi cuộc thi chưa hẳn đã mang lại sự hài lòng cho công chúng.

Sau cuộc thi, không phải gương mặt nào cũng có thể nổi được.Sau cuộc thi, không phải gương mặt nào cũng có thể nổi được.

* Sân chơi nào là hấp dẫn?

Cuộc thi Sao mai điểm hẹn do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 như một cuộc mở đầu cho hàng loạt sân chơi sau đó xuất hiện. Khi Vietnam Idol xuất hiện với format của cuộc thi America Idol thì nó cũng đã tạo được một sức hút nhất định và tạo thế đối trọng cạnh tranh với Sao Mai điểm hẹn dù cùng chung mục đích tìm kiếm những gương mặt trẻ có giọng hát hay. Có điều, những lần tổ chức sau đó của cả hai sân chơi này dần mất sự hấp dẫn bởi sự đơn điệu trong cách thức tổ chức.

Sau hai cuộc thi âm nhạc được quảng bá rộng này thì ngay sau đó là hàng loạt cuộc thi âm nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình dành cho giới teen xuất hiện như “Tiếng hát học đường”, “Hòa nhịp bạn trẻ” (bắt đầu từ đầu tháng 5/2009 do Đài truyền hình Tp.Hồ Chí Minh tổ chức), rồi “Ngôi sao pha lê” của Đài truyền hình Tp.Hồ Chí Minh…

Nhận thấy tính hấp dẫn của những cuộc thi trên sân khấu đang dần đi vào lối mòn, một số cuộc thi âm nhạc tìm cách thay đổi hình thức tổ chức như bằng hình thức hát karaoke, thi hát trên mạng... Gần đây nhất, website Zing star lại phát động cuộc thi hát trên mạng dành 100% cho giới teen – “K4teen không thử sao biết” khởi động từ ngày 29/5 đến 27/8. Các thí sinh có độ tuổi từ 14 - 22 có thể tự thu âm giọng hát của mình ngay trên trang web hoặc tải lên trang web này một bài hát do chính mình thể hiện bằng Mp3, có thể thu âm từ điện thoại, máy ghi âm, phòng thu hoặc bất kì hình thức nào. Sau khi kiểm duyệt nội dung, BTC sẽ đăng tải các bài hát lên trang web để Ban giám khảo và các thành viên bình chọn.

Có vẻ như việc thay đổi các hình thức tổ chức nhắm tạo tính hấp dẫn cho các sân chơi âm nhạc là một điều tất yếu trong bối cảnh bão hòa các sân chơi “giông giống” nhau về mục đích tổ chức. Sân chơi nào mới được ra “lò” cũng được quảng bá mạnh và những lời hứa hẹn hấp dẫn dành cho những người thắng cuộc. Có điều, đề tìm một sân chơi thật sự hấp dẫn không chỉ một, hai số ra mắt, quả là khó!

* Ai được lợi?

Một phần không thể thiếu trong các cuộc chơi mang tính chất thi thố giọng hát trên truyền hình, đó là phần bầu chọn của khán giả qua một hệ thống tổng đài. Chỉ cần soạn một tin nhắn đơn giản theo cấu trúc và mã số tổng đài mà BTC đưa ra là khán giả có thể trực tiếp tham gia cuộc chơi, thậm chí là người quyết định một “tấm vé” hoặc giải thưởng đối với thí sinh dự thi. Nghe thì đơn giản nhưng không thể phủ nhận rằng phần này đã mang lại khá nhiều lợi ích cho nhà tổ chức. Tâm lý ai đi thi chẳng muốn mình có một kết quả khả quan nên cuộc đua giành phiếu bầu khó có thể nói là không xảy ra. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản rằng, những người dự thi kêu gọi bạn bè, người thân bầu chọn thôi cũng đủ để tổng đài bầu chọn kiếm được một khoản kha khá.

Nếu xét về mặt hình thức thì có lẽ đây chỉ là một phần rất nhỏ trong một cuộc thi,  tuy nhiên, phần này lại từng gây ra không ít tranh cãi, sóng gió. Cuộc thi “Vietnam Idol” năm đầu tiên tổ chức chẳng phải đã có scandal về sự gian lận trong hệ thống bầu chọn, khiến nhà tổ chức phải rất vất vả dẹp tan dư luận. Rồi cuộc thi “Sao mai điểm hẹn”, dù chẳng ai đưa ra bằng chứng cụ thể nhưng những người trong cuộc cũng ngầm hiểu rằng đã có một cuộc chạy đua, cạnh tranh ngầm trong các thí sinh. Kết quả là người nào có “đại gia” thì số phiếu bầu sẽ tự tăng bất kể thí sinh đó có hát dở đến mấy và bị Hội đồng nghệ thuật chê tơi bời. Người có giọng hát thật sự vẫn phải ngậm ngùi dừng cuộc thi. Còn những cuộc thi âm nhạc khác, có ai dám khẳng định việc bình chọn của khán giả là không có sự tác động bên ngoài?

Khi một cuộc thi kết thúc, cái còn lại là gì? Người đoạt giải được tung hô trong một thời gian ngắn sau đó có “trụ” được hay không còn phụ thuộc vào vận may hoặc tài năng tỏa sáng thật sự. Điểm mặt những người tạo được tên tuổi sau khi bước ra từ các cuộc thi âm nhạc cũng có một số như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Anh Khoa, Ngọc Anh, Phương Vy… Nhưng số còn lại đã đi đâu trong hàng chục cái tên đã kinh qua các cuộc thi?

Còn Nhà tổ chức, bất luận cuộc thi kết thúc ra sao, thí sinh có “nổi” được hay không thì cũng đã cầm chắc lợi nhuận mà mình có được như số lượng tin nhắn bầu chọn, lượng quảng cáo trên truyền hình, rồi các nhà tài trợ chương trình … Đây cũng là lẽ bình thường bởi chẳng ai kinh doanh lại không tính đến lãi. Chỉ có điều, khi những phương thức kinh doanh áp đặt quá nhiều vào sân chơi mang tính nghệ thuật thì nó cũng sẽ tạo ra những hệ quả trái chiều. Vì thế, cũng chả trách công chúng ngày càng tỏ ra thờ ơ trước nhiều cuộc thi âm nhạc…

 

Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ